Mang thai ở tuổi vị thành niên (VTN) không chỉ đơn thuần là vấn đề về sức khỏe mà còn có nguy cơ, rút ngắn cơ hội học tập hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống, và trẻ em nếu được sinh ra cũng rơi vào nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt... Đây là một vấn đề cần giải quyết trong quá trình phát triển của xã hội.
Đáng lưu ý, phá thai ở tuổi VTN, hiện nay đã không phải là trường hợp hiếm gặp. Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 ngàn ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19. Còn theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), mặc dù tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ VTN, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng - chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, kiến thức của trẻ VTN về phòng tránh thai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác vẫn còn rất hạn chế. Chỉ có khoảng 20,7% trẻ VTN sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên trong khi độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở trẻ VTN nước ta ngày càng sớm.
Tại Thái Nguyên, mặc dù chưa chưa có số liệu thống kê về tình trạng mang thai, nạo phá thai ở trẻ VTN nhưng theo bác sĩ Nguyễn Chí Cường, trung bình mỗi tháng Bệnh viện tiếp nhận trên 15 trẻ VTN đến yêu cầu phá thai. Lượng trẻ VTN này chiếm khoảng trên 20% tỷ lệ phụ nữ đến yêu cầu phá thai tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ VTN đến phá thai tăng rất nhiều vào thời điểm sau khi kết thúc năm học hoặc sau những dịp nghỉ lễ lớn chừng 1 đến 2 tháng. Trong hơn 30 năm làm nghề phụ sản, đây là thời điểm ông thấy nhiều trẻ VTN mang thai nhất. Nhiều em 13-14 tuổi được mẹ đưa đến viện vì thấy rối loạn kinh nguyệt nhưng khi bác sĩ khám lại phát hiện đã có thai 3-4 tháng tuổi, thậm chí 6-7 tháng tuổi khiến các bậc phụ huynh không khỏi ngỡ ngàng.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Chí Cường, nạo phá thai, nhất là đối với lứa tuổi VTN, khi các bộ phận trong cơ thể vẫn còn chưa phát triển toàn diện sẽ làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này. Nhiều trường hợp, do nạo, hút quá mức làm lớp cơ thành tử cung bị tổn thương dẫn tới việc không thể thụ thai hoặc nếu có thì cũng dễ sảy thai. Mặt khác, việc làm thủ thuật nạo hút còn dễ gây biến chứng khiến cho ống dẫn trứng bị dính, tắc, gây ra vô sinh. Ngoài ra, không loại trừ trẻ VTN sợ mang tai tiếng đã tìm cách nạo phá thai, sinh con tại các cơ sở y tế tư nhân không đảm bảo an toàn, dẫn đến các tai biến như chảy máu sau đẻ, thủng tử cung, sót nhau, sót thai, nhiễm khuẩn và nhiều biến chứng viêm nhiễm đường sinh dục gây vô sinh hoặc thậm chí tử vong. Mặt khác, trên thực tế, người đi phá thai phải chịu sự đau đớn trong suốt quá trình nạo, hút có thể dẫn đến những biến đổi trầm trọng về mặt tâm lý đồng thời việc vứt bỏ cái thai đi khiến trẻ VTN bị ám ảnh với cảm giác tội lỗi, tự trách bản thân...
Còn trong trường hợp, trẻ VTN mang thai và sinh con, các em cũng sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc tử vong liên quan đến thai sản. Phụ nữ mang thai ở tuổi VTN có nguy cơ đẻ non cao hơn tới 93% so với phụ nữ đã trưởng thành. Bên cạnh đó, thai được sinh ra từ bà mẹ ở tuổi VTN thường nhẹ cân, ốm yếu hoặc có nguy cơ thai lưu và chết sơ sinh cao hơn nhiều so với người trưởng thành. Ngoài ra, cũng theo nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Chí Cường, tỷ lệ phụ nữ bị chảy máu sau sinh ở nhóm trẻ VTN cao hơn nhiều với phụ nữ trưởng thành.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục Trưởng, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho rằng: đối với trẻ VTN khi mang thai thì sự lựa chọn nào cũng có nguy cơ để lại hậu quả ảnh hưởng tới tương lai. Khi mang thai và sinh nở ở độ tuổi VTN, các em khó có khả năng hoàn thành việc học tập. Từ đó, khó tiếp cận với những cơ hội tìm kiếm việc làm hoặc phải làm các công việc có thu nhập thấp. Con cái của các em thường phát triển chậm hơn hay ốm đau nhiều hơn con của những người phụ nữ trưởng thành. Khi nạo phá thai ở tuổi VTN, trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Đây không chỉ là một thách thức lớn cho công tác dân số, mà đáng lưu tâm hơn là nó có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ. Chính vì thế, Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay với chủ đề “Mang thai ở tuổi vị thành niên” chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành và toàn xã hội về vấn đề này đồng thời tăng cường sự tham gia phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân đối với công tác DS-KHHGĐ qua đó góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu về DS-KHHGĐ.
Gần 30 năm công tác, bác sĩ Nguyễn Chí Cường, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên không khỏi “sốc” trước trường hợp em N.T.H ở Võ Nhai cùng người nhà đến viện yêu cầu được phá thai 14 tuần tuổi. N.T.H 14 tuổi và mới có kinh 1 lần thì có thai sau khi quan hệ với bạn trai. Tuy nhiên, điều khiến bác sĩ Cường “sốc” là bởi cơ thể của em quá nhỏ, trông như trẻ lên 10 tuổi và bộ phận sinh dục vẫn chưa phát triển hoàn toàn. “Tôi chưa bao giờ gặp trường hợp phụ nữ mang thai như vậy. Tuy có nhiều nguy hiểm nhưng vì sức khỏe và tương lai của “bà bầu” nhí, bệnh viện vẫn chỉ định phá thai.” - bác sĩ Cường cho biết. |