Những công nhân, viên chức lao động tiêu biểu

09:31, 18/07/2013

Nhân Lễ tôn vinh công nhân viên chức lao động tiêu biểu lần thứ VI và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì của Liên đoàn Lao động tỉnh, phóng viên Báo Thái Nguyên đã trao đổi với một số tấm gương tiêu biểu để nghe họ tâm sự về nghề nghiệp của mình…

Xác định động cơ đúng đắn trong nghề nghiệp

 

 Nguyễn Thị Ngọc Lan, giáo viên Trường THCS Quyết Thắng T.P Thái Nguyên


 

Nghề dạy học được ví như như “con ong hút nhụy hoa để cho đời mật ngọt”, vì vậy người giáo viên phải có cái tâm trong sáng, biết vượt qua những khó khăn, tâm huyết với nghề để đào tạo ra nhiều thế hệ học trò hiền tài.

 

Với suy nghĩ đó, tôi luôn xác định cho mình một thái độ, động cơ đúng đắn để không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Gương mẫu thực hiện đúng chương trình, tiến độ giảng dạy, quy chế chấm, chữa, cho điểm học sinh. Tôi đã thực hiện nhiều chuyên đề giúp chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn Toán cũng như ứng dụng của công nghệ thông tin trong dạy học như: Chuyên đề hướng dẫn giáo viên thiết kế giáo án điện tử; Chuyên đề sử dụng các phần mềm ứng dụng trong dạy học Toán học, Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi… được đánh giá có hiệu quả và rất thiết thực. Năm học 2012-2013 tôi được phân công dạy môn Toán khối lớp 8, tổng kết năm hoặc có trên 40% học sinh trong khối đạt học lực giỏi bộ môn này, trong đó có 2 em đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 2 em đoạt giải cấp thành phố. Với những đóng góp đó, qua 13 năm công tác tôi đã 8 lần đạt giáo viên giỏi cấp huyện, thành phố; 3 năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

 

Kịp thời khích lệ những cách làm sáng tạo

 

Nguyễn Văn Hồng, Quản đốc phân xưởng 1, Nhà máy tấm lợp, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Thái Nguyên.

 

Năm 2013, tôi đã cải tạo máy lọc tạp chất và nghiền giấy trong dây truyền sản xuất tấm lợp mang lại giá trị làm lợi cho Nhà máy trên 526 triệu đồng. Ngoài ra trong 2 năm 2011, 2012 tôi còn có các sáng kiến cải tiến kỹ thuật khác như: Cải tạo hệ thống máy cắt tấm; vận dụng để thay thế hệ thống chuyển xi măng vít tải bằng khí động học…

 

Với vai trò là một quản đốc tôi thường xuyên tham mưu với ban lãnh đạo Nhà máy có chính sách cụ thể để động viên, khen thưởng kịp thời cho cán bộ, công nhân viên khi họ có những sáng kiến trong công việc. Hàng tháng, quý và sau mỗi đợt phát động phong trào thi đua lao động, sản xuất giỏi chúng tôi đều có sơ kết, tổng kết, những cá nhân, tổ sản xuất nào đạt và vượt năng suất đều được khen thưởng, mức thưởng tùy theo hiệu quả công việc. Nhờ đó đội ngũ cán bộ, công nhân viên đều tích cực phát huy sáng kiến phục vụ tốt công việc được giao.

 

Thành công hơn khi được Nhà máy tạo điều kiện

 

Nguyễn Chiến Thắng, công nhân Phân xưởng dụng cụ, Nhà máy Z127

 

Trong quy trình sản xuất các sản phẩm phục vụ cho quân sự đòi hỏi sự thống nhất và kỹ thuật rất cao, nhất là các loại mẫu bởi khâu đầu tốt thì khâu sau mới tốt được. Đầu năm 2013, tôi được giao nhiệm vụ chế tạo mẫu, dưỡng sản xuất đạn cối 507, 508, 0G9. Được sự tạo điều kiện về thời gian, sự động viên khích lệ cả về vật chất lẫn tinh thần của lãnh đạo phân xưởng và Ban lãnh đạo Nhà máy, tôi đã chế tạo thành công những mẫu đạn cối này, qua đó đã làm giảm tỷ lệ sản phẩm đúc ra không đạt tiêu chuẩn. Sáng kiến này đã làm lợi cho Nhà máy khoảng 40 triệu đồng. Trước đó, tôi cũng đã chế tạo thành công các mẫu phục vụ công nghệ đúc và Đề gá gia công sản phẩm các loại. Theo tôi, để có những sáng kiến và cải tiến kỹ thuật ngoài việc đòi hỏi mỗi người công nhân phải luôn tìm tòi suy nghĩ để tìm ra những giải pháp tốt nhất thì còn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ và khích lệ kịp thời của lãnh đạo Nhà máy.

 

 

Nảy sinh đề tài, sáng kiến từ thực tế cơ sở

 

Ngô Thị Minh Phượng, Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên

 

 

Là cán bộ khuyến nông, tôi thường xuyên đi tìm hiểu, nắm bắt tình hình sản xuất thực tế tại từng vùng, địa phương, qua đó đã giúp tôi nảy sinh nhiều ý tưởng và triển khai, thực hiện có hiệu quả các đề tài, dự án về nông nghiệp. Hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực này, đến nay, tôi đã có nhiều đề tài, sáng kiến được triển khai và áp dụng vào thực tế. Trong đó, tôi tâm đắc nhất là đề tài "Xây dựng vùng nguyên liệu chè Kim Tuyên tại xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên". Đề tài được thực hiện từ năm 2009, trên quy mô 2ha. Với hiệu quả sản xuất cao gấp đôi so với các giống chè cành khác, đến nay, toàn huyện đã trồng được 30ha diện tích chè Kim Tuyên. Đây là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất, chế biến chè Ô long chất lượng cao, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo thương hiệu cho sản phẩm chè tại địa phương.

 

Phát động nhiều phong trào thi đua trong các cấp công đoàn

 

Nguyễn Thượng Thạch, kỹ thuật viên Phân xưởng Cán, Nhà máy Cán thép Thái Nguyên

 

Với nhiệm vụ trực tiếp vận hành dây chuyền cán của Nhà máy, tôi luôn phấn đấu làm tốt công việc được giao, tham mưu với lãnh đạo các giải pháp thực hiện tiết kiệm trong sản xuất, đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sáng tạo do công đoàn các cấp phát động. Mỗi năm, tôi có 3-5 sáng kiến được áp dụng vào thực tế, mang lại giá trị làm lợi cho Nhà máy 60-100 triệu đồng/năm. Được tuyên dương lần này chính là động lực giúp tôi tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo trong công việc. Tôi mong muốn, các cấp công đoàn sẽ phát động, tổ chức nhiều phong trào ý nghĩa hơn nữa để mỗi cán bộ, đoàn viên công đoàn đều được tham gia, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất của toàn đơn vị.