Trở lại Phú Đô nghe chuyện đối ứng làm đường bê tông

09:08, 06/07/2013

Báo Thái Nguyên số ra ngày 14/6/2013, trong mục “Sự việc - ý kiến” có bài viết: “Nộp tiền, hiến đất mà vẫn chưa có…đường bê tông”, phản ánh việc người dân một số xóm của xã Phú Đô (Phú Lương) năm 2012 đã vay ngân hàng để đối ứng làm đường bê tông, nhưng tiền đã nộp, đất đã tình nguyện hiến mà đường vẫn còn dở dang vì phải chờ xi măng. Sau khi báo nêu, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành xuống làm việc với chính quyền địa phương và khảo sát thực tế tại Phú Đô. Kết quả, ngày 25/6, huyện Phú Lương đã bố trí đủ lượng xi măng làm đường theo kế hoạch cho các xóm còn thiếu của xã Phú Đô.

Những ngày này, bà con nhân dân 2 xóm Ao Cống và Phú Nam 3 đang rất phấn khởi vì đã được nhận đủ lượng xi măng (theo chương trình tỉnh vay xi măng để hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn cho các địa phương năm 2012) để làm đường giao thông. Ngày 25/6 vừa qua, đại diện 2 xóm này đã cùng cán bộ huyện Phú Lương tới Nhà máy Xi măng Quan Triều ký nhận 290 tấn xi măng hỗ trợ. Như vậy, cùng với lượng đối ứng bằng tiền của người dân, số xi măng trên đủ để thi công gần 1,9km đường bê tông của 2 xóm. Ông Phạm Ngọc Tân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết: Để dẫn đến việc 2 xóm trên năm 2012 chưa nhận được xi măng theo kế hoạch là do tiến độ thi công chưa đảm bảo, không có khả năng sử dụng hết số xi măng được phân bổ nên huyện đã điều chuyển số xi măng đó sang xã khác. Việc để chậm là vì nguồn đá nghiền như đã ký trong hợp đồng xây dựng của địa phương không thể đáp ứng đủ, xã có ý định lấy sỏi ở sông thay thế, nhưng Ban giám sát công trình của các xóm không đồng ý. Bởi thế mà huyện đã chuyển số xi măng cho xã khác để đảm bảo kế hoạch của năm. Theo đánh giá của huyện Phú Lương thì đối với xã Phú Đô, trường hợp này chỉ là sự cố bất đắc dĩ, không đáng có, bởi xét tổng thể thì xã này luôn là một trong những địa phương đứng đầu huyện về triển khai làm đường giao thông nông thôn, mặc dù không phải là xã điểm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Năm 2009, năm đầu tiên xã Phú Đô triển khai làm đường bê tông. Do mới thực hiện nên vấn đề vận động nhân dân đối ứng gặp nhiều khó khăn. Bởi thế, năm 2009, cả 25 xóm trong xã đều tham gia đối ứng mới làm được hơn 1km đường bê tông gồm, đoạn từ Xóm Mới đi Trường THCS Phú Đô và đoạn từ Khe Vàng 3 đi Phú Nam 2. Theo ông Trần Văn Tơ, Phó Chủ tịch UBND xã thì một số xóm ở xa đoạn đường đã thắc mắc, không muốn nộp tiền nên phải mất mấy năm mới thu hết tiền đối ứng. Tuy nhiên, xã cùng coi đây cũng là lần thí điểm để rút kinh nghiệm, sau sẽ làm tốt hơn. Năm 2010, 2011, xã cũng triển khai đối ứng làm đường bê tông, nhưng lần này chỉ huy động đối ứng làm 500m đường ở khu vực có mật độ đi lại nhiều nhất, còn lại tập trung thu nợ và giải quyết những tồn tại trong quá trình làm đường. Bước sang năm 2012, thực hiện chủ trương hỗ trợ xi măng làm đường bê tông nông thôn của tỉnh, xã Phú Đô đã yêu cầu các xóm đăng ký nhu cầu, kết quả 100% các xóm đều nhất trí tham gia đối ứng làm đường. Trên cơ sở đó, xã đã lựa chọn những xóm có nhu cầu và nguồn lực thực sự để đăng ký làm trước. Kết quả, năm 2012 toàn xã đã làm được 6,3km đường bê tông, trong đó người dân đối ứng 35%. Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới của tỉnh khẳng định: Theo đánh giá của chúng tôi thì Phú Đô là xã triển khai khá hiệu quả chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh. Mặc dù là một xã còn khó khăn, lại không phải là xã điểm nhưng việc người dân tự nguyện hiến đất và dám mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đổi ứng làm đường là rất đáng được ghi nhận, nhất là năm 2013 này, được biết xã lại đăng ký đối ứng làm tiếp 15km đường bê tông nữa. Không phải xã nào trong tỉnh cũng làm được như vậy.

 

Chủ tịch UBND xã Phú Đô, ông Phạm Ngọc Tân chia sẻ: Trước khi triển khai làm đường giao thông, Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ xã phải họp bàn, thống nhất sau đó mới tổ chức họp với bí thư chi bộ, trưởng các xóm, rồi phân công cán bộ xuống vận động, tuyên truyền người dân tham gia làm đường. Nếu tất cả cùng đồng thuận thì tiến hành khảo sát thực tế để quyết định xem xóm nào làm trước, xóm nào làm sau. Để đảm bảo kỹ thuật, chất lượng công trình, xã đã họp dân thống nhất thuê nhà thầu thi công, người dân trực tiếp giám sát. Những xã nào đảm bảo về đối ứng cũng như có mặt bằng ổn định sẽ được thi công trước. Việc đối ứng cũng được đưa ra họp công khai, thống nhất trong toàn dân. Mỗi nhân khẩu đối ứng khoảng 1,2 triệu đồng, những trường hợp trên 80 tuổi hoặc dưới 1 tuổi, trường hợp ốm đau, tàn tật đều được miễn. Ngoài ra, tùy từng xóm có thể thống nhất xem những đối tượng nào được miễn. Ông Phạm Ngọc Tân là người được giao trực tiếp lãnh đạo triển khai chương trình làm đường giao thông ở xã. Để tiện cho việc theo dõi, đôn đốc và quản lý, ông đã tự vẽ sơ đồ hệ thống giao thông trong toàn xã làm 2 bản, một bản to treo ở phòng làm việc để tiện triển khai với cán bộ cấp dưới và một bản nhỏ trong sổ tay để theo dõi thường xuyên. Nhờ sơ đồ này mà ông có thể biết được những đoạn nào đang làm, chưa làm, đoạn nào còn dở dang, đoạn nào đang có vướng mắc để tiện theo dõi, chỉ đạo khắc phục…

 

Hiện tại, xã còn 15km đường liên xóm (đã đăng ký bê tông hóa trong năm nay) và 52km đường vào các thôn, cụm hộ gia đình và khu dân cư (dự kiến triển khai trong những năm tới). Những tuyến đường giao thông trong xã được bê tông hóa đã và sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.