Họ - những chàng trai tuổi đôi mươi phơi phới trẻ trung, tay vương mực tím, tóc vương hoa phượng, tâm hồn vương vấn tiếng ve. Họ - mênh mông khao khát, mênh mông hoài bão. Nhưng, họ đã gác lại tất cả để cầm súng, để chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc. 50 năm gặp lại, chỉ còn lại một phần những người cùng lên đường ngày ấy. Và tình đồng đội vẫn ăm ắp vẹn nguyên.
- Ngày ấy, buổi sáng của 50 năm về trước trời cũng đổ mưa như sáng nay. Những tân binh chúng tôi xúng xính áo xanh, mũ cứng chia tay gia đình trong mưa…
- Ngày ấy, bài học đầu tiên của chúng tôi trên thao trường là nghiêm, nghỉ, đằng trước thẳng, bên phải, bên trái…quay…
- Ngày ấy, lên tàu rồi, chỉ kịp nguệch ngoạc viết địa chỉ gia đình vào chiếc bì thư, trên đó ghi một dòng: “Con đi giải phóng Miền nam” rồi tung xuống đường nhờ người dân gửi hộ…
Ngày ấy, ngày ấy…. bao nhiêu kỷ niệm ùa về khiến những cụ ông ở tuổi 70 rưng rưng nước mắt. Vòng tay siết chặt sau 50 năm gặp lại, ai mất ai còn, ai may mắn, ai hoạn nạn…Các cung bậc cảm xúc khiến người chứng kiến không khỏi xao lòng.
Ngược thời gian, vào năm 1963, lần đầu tiên Nhà nước áp dụng Luật Nghĩa vụ quân sự tuyển quân trong các trường cấp 3 nhằm tạo nguồn cho quân đội tiến lên chính quy, hiện đại. Vì vậy, 273 chàng trai của Thái Nguyên vừa tốt nghiệp cấp 3 các trường Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên), Lê Hồng Phong (Phổ Yên), Trần Phú (Phú Bình) đã xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao. Sau hơn 1 tháng huấn luyện, họ được biên chế về các trung đoàn của Sư 312, các binh chủng: Bộ binh, Công binh, Thông tin, Hóa học. Họ đã có mặt ở hầu hết các chiến trường ác liệt nhất: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Lào, Campuchia…Sau ngày chiến thắng, điểm lại đội ngũ ra đi năm ấy, số người trở về chỉ còn phân nửa. Với họ, được sống đã là hạnh phúc. Bởi những mất mát vẫn in đậm trong trí nhớ của họ: Các anh Vũ Xuân, Phan Đình Lộc, Nguyễn Văn Minh, Hoàng Kiếm Phong, Nguyễn Văn Truật, Nguyễn Khắc Hạ, Tạ Dũng, Ma Văn Thét… đã ngã xuống, xanh mãi tuổi đôi mươi.
Chưa khi nào tôi thấm thía đến thế nghĩa của hai từ đồng đội khi có mặt trong ngày gặp gỡ của họ. “Dường như sự phũ phàng của chiến tranh đã nảy sinh trong người lính thứ tình cảm ấy, nó sâu sắc, tinh tế hơn tình yêu đôi lứa, nó đằm thắm, cao cả hơn tình bằng hữu. Một thứ tình cảm chân chất mà sòng phẳng, trộn lẫn giữa giận dữ và yêu thương, đôi khi pha chút tục tằn mà vẫn thanh cao, bay bổng”- những người lính 5-năm xưa ấy đã định nghĩa về hai chữ “đồng đội” như thế.
Thật xúc động khi Thượng tá Ngô Lâm, nguyên Chủ tịch Hội CCB T.P Thái Nguyên bồi hồi kể lại: Dưới cái nắng chang chang như đổ lửa 11 giờ trưa, mấy chàng tân binh chúng tôi vẫn “mốt hai mốt”, cậu Oánh (10A, Lương Ngọc Quyến) đổ gục xuống sân tập, y tá phải đưa vào Phòng quân y hồi sức… vậy mà những chàng trai măng tơ nay đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, tóc đã ngả sương và nhiều nếp nhăn trên má…
Trung tá nghỉ hưu - người 20 năm nay làm Bí thư chi bộ tổ 1, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) - CCB Nguyễn Hữu Vượng nghẹn ngào nói lời cảm tạ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh: “các anh là những chàng trai Phù Đổng, sau chiến thắng đã bay thẳng về trời. Linh hồn các anh đã hòa vào khí thiêng sông núi, nâng bước cho thế hệ trẻ mai sau”…
Những vần thơ, câu hát cất lên từ thẳm sâu của những người: Uống từng viên thuốc chia đau/Quên mình chia lửa, cứu nhau chia hầm (Thơ Tố Hữu) khiến từng lời từng chữ neo vào lòng người nghe, thấu tận tâm can. CCB Hoàng Viết Sóng (Phú Bình) đi từng bước xiêu xiêu yếu ớt nhưng vẫn lộ chất lính hóm hỉnh khi tâm sự: Tôi nay đã già, đôi môi không còn véo von như trước nhưng tôi vẫn muốn hát lại bài “Như những cánh chim non” như ngày nào chúng ta cùng nhau hát dưới mái trường Lương Ngọc Quyến.
Có một người đồng đội không trở về nhưng luôn được các anh nhắc đến, đó là Liệt sĩ Vũ Xuân. Cuốn nhật ký anh để lại cùng câu nói bất hủ: “Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước” nhiều lần vang lên trong cuộc hội ngộ này. 8 tập phim “Hành trình theo nhật ký Vũ Xuân” do những người làm báo Thái Nguyên thực hiện được chiếu 54 lượt trên sóng các đài truyền hình TW và địa phương đã tiếp cho ngọn lửa truyền thống cháy sáng hơn. Ông Vũ Văn Thành, em trai Liệt sĩ Vũ Xuân trải lòng với đồng đội của anh trai như tâm sự với chính anh mình: “Nay đã ở tuổi sắp nghỉ hưu em vẫn không hiểu các anh đã được giáo dục, rèn luyện thế nào để có một lý tưởng cao đẹp, có một lẽ sống hừng hực đến tận hôm nay”. Mọi người lặng đi khi ông Thành giở tấm lụa đỏ bọc kỷ vật là cuốn nhật ký gốc của liệt sĩ Vũ Xuân. Các CCB truyền nhau cuốn sổ như muốn tìm lại hơi ấm bàn tay đồng đội. Tôi cũng xin phép được lật những tờ giấy đã ố vàng, đọc những dòng chữ rắn rỏi mạnh mẽ của Vũ Xuân ở ngay trang đầu tiên: “Nhật ký của một người đảng viên cộng sản phải là nhật ký tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức của người đảng viên trên mọi lĩnh vực của cuộc sống”.
Điều đặc biệt của cuộc gặp gỡ là có sự góp mặt của những người vợ. Đó là các bà: Nguyễn Thị Điệp xóm Tây Bắc, xã Kha Sơn (Phú Bình); Hoàng Thị Lý, tổ 5, phường Đồng Quang, T.P Thái Nguyên; Lý Thị Toán, tổ 40 phường Phan Đình Phùng; Quản Thanh Xuân, phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên… Họ được những người chồng tôn vinh, gọi là các “hoa hậu”, các “đệ nhất phu nhân”. Sự ca tụng không hề quá lời bởi các bà đã dành cả cuộc đời để gánh vác việc nhà, thay chồng chăm sóc, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy con cái. Cũng đến tận hôm nay tôi mới biết, cô giáo chủ nhiệm cấp 3 Vũ Thị Thắm của mình có chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Truật cũng là một trong những học sinh ra đi ngày ấy. Cô đã ở vậy thờ chồng, nuôi con, công tác tốt, trở thành Phó hiệu Trưởng trường THPT Lương Ngọc Quyến. Bà Nguyễn Thị Xuyên ở xóm Nhị Hòa, xã Đồng Bẩm (Đồng Hỷ) có chồng là thương binh Lưu Văn Ngọ, nguyên sĩ quan quân báo. Ông bị nhiễm chất độc da cam lại thêm bệnh ung thư hành hạ 5 năm trời. Gặp lại sau khi bà đã lo mồ yên mả đẹp cho chồng, các đồng đội của ông sững sờ vì bà chỉ còn bộ khung ốm o xanh mướt.
Được thay mặt các bà vợ phát biểu, bà Nguyễn Thị Thúy là vợ CCB Trần Danh Cự (thị trấn Chùa Hang) nhiều lần lau nước mắt: “Làm “một nửa” của các anh, chúng tôi không chỉ có chức năng làm vợ, làm mẹ, mà chúng tôi còn có ý thức tôn vinh những phẩm chất có giá trị sâu sắc của anh Bộ đội Cụ Hồ đã và đang thể hiện sinh động trong cuộc sống hàng ngày…”. Tâm sự của bà Thúy cũng là tâm sự chung của những người vợ lính, họ không nói nhiều đến vất vả của chính mình mà vẫn như ngày nào, họ đau nỗi đau thân thể của chồng khi vết thương tái phát, đau nỗi đau tinh thần của chồng trong cơn mê vẫn gọi tên đồng đội.
Nhưng rồi, sau mất mát, khổ đau, họ vẫn đồng lòng: Tận trung với Đảng, tận trung với nước, tận hiếu với dân/ Sống cho xứng đáng là quân Cụ Hồ.
Những CCB ở tuổi xế chiều ấy lại cùng nhau cất lên tiếng hát mạnh mẽ, hào sảng như ngày nào ở tuổi hai mươi: Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến sĩ…