Về công trình nước sinh hoạt xã Đồng Bẩm

09:07, 23/07/2013

Là 1 trong 4 địa phương được hưởng lợi từ Dự án đầu tư Vốn đối ứng tiếp nhận dự án nước ngầm từ nguồn viện trợ ODA Nhật Bản (JICA), năm 2004, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) đã huy động sức dân đóng góp vốn đối ứng xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung. Năm 2006, công trình đi vào vận hành, cung cấp nguồn nước sạch, ổn định cho trên 1.100 hộ dân của xã. Tuy nhiên, đến nay, người dân địa phương đâng có nhiều khúc mắc về vấn đề tài chính.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Dự án JICA (nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản) được triển khai trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2316/QĐ-UBND ngày 24/9/2003 của UBND tỉnh. Dự án được triển khai tại 4 xã: Hóa Thượng (Đồng Hỷ), Nam Tiến (Phổ Yên), Thịnh Đức, Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), cung cấp nước sinh hoạt cho 5.200 hộ dân. Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thái Nguyên () được tỉnh giao cho làm Chủ đầu tư. Các hạng mục đầu tư chủ yếu: cải tạo, nâng cấp phòng làm việc, thiết bị văn phòng và kho bảo quản, trung chuyển vật tư thiết bị tại Trung tâm Nước SH & VSMTNT; đền bù, san lấp mặt bằng giếng khoan, trạm xử lý và bể nước; đường giao thông vào công trình; lắp đặt đường ống nhánh từ fi40 trở xuống… Tổng mức đầu tư của Dự án là trên 106 tỷ đồng, trong đó Nhật Bản viện trợ trên 97 tỷ đồng, tỉnh Thái Nguyên phải đối ứng 9,2 tỷ đồng. Trong phần đối ứng của tỉnh thì vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 7,5 tỷ đồng, còn lại hơn 1,6 tỷ đồng do 5.200 hộ dân các địa phương hưởng lợi phải đóng góp với mức bình quân là 315 nghìn đồng/hộ.

 

 

Với mong muốn sớm được sử dụng nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu cuộc sống nên khi Dự án triển khai, trên 1 nghìn hộ dân xã Đồng Bẩm đã nộp tiền đối ứng với tổng số tiền trên 337 triệu đồng để xây lắp đường ống phân phối. Sau khi xây lắp xong đường ống phân phối, các hộ dân còn phải mua thêm vật tư như ống kẽm Việt Đức, van, cút thép mạ kẽm, kép thép, côn thép, hộp bảo vệ đồng hồ, chi phí nhân công lắp đặt đồng hồ đo nước… Các hộ dân đã họp bàn và thống nhất nộp thêm 148 nghìn đồng/hộ cho Chủ đầu tư để lắp đặt hoàn thiện hệ thống cấp nước về hộ gia đình ngoài phần vật tư viện trợ (gồm 1 đồng hộ đo nước của Malaysia, 20m ống phi 20). Chủ đầu tư đã giao cho Trạm Dịch vụ xây dựng công trình nước SH & VSMTNT thực hiện phần việc này. Đến năm 2006, công trình nước sinh hoạt Đồng Bẩm được đưa vào sử dụng, cung cấp nguồn nước sạch cho người dân địa phương. Tuy nhiên, sau khi quyết toán công trình, người dân lại cho rằng Dự án không sử dụng hết tiền nhân dân đối ứng thì trả lại cho người dân. Mặc dù đã được chính quyền địa phương giải thích, giải trình nhiều lần nhưng từ đó đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Đồng Bẩm cho biết: Sự việc nhùng nhằng đã nhiều năm, xã Đồng Bẩm đã gửi công văn cho Trung tâm Nước SH & VSMTNT Thái Nguyên đề nghị làm rõ ý kiến nhân dân liên quan đến Dự án. Trung tâm đã trả lời nhưng người dân vẫn không chấp nhận. Thậm chí họ còn nghi ngờ chính quyền địa phương nộp và thanh quyết toán với Trung tâm không đúng với các văn bản quy định của tỉnh và Chủ đầu tư. Sự nghi ngờ này khiến UBND xã gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện thu tiền đối ứng xây dựng công trình Nâng cấp, mở rộng cấp nước sinh hoạt xã Đồng Bẩm hiện nay ”.

 

Tại buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh ngày 18-6 vừa qua, ông Nguyễn Văn Liễn, Bí thư Chi bộ xóm Nhị Hòa bày tỏ: Theo bản quyết toán xây dựng công trình nước sạch của Trung tâm Nước SH & VSMTNT Thái Nguyên thì số tiền đã chi thực tế không hết so với số tiền đã thu đối ứng của nhân dân. Số tiền UBND xã thu, nộp cho Trung tâm là 495,7 triệu đồng, số tiền Trung tâm đã quyết toán chi là 394,7 triệu đồng, số tiền còn lại khoảng 101 triệu đồng có được chi trả lại cho các hộ dân hay không?

 

Trước những khúc mắc của người dân, chúng tôi đã có buổi làm việc với đồng chí La Hồng Chung, Giám đốc Trung tâm nước SH & VSMTNT Thái Nguyên về vấn đề này. Giải thích về số tiền 101 triệu đồng người dân thắc mắc, đồng chí La Hồng Chung cho biết: “Số tiền đó, Trung tâm đã trả cho Trạm Dịch vụ vì họ đã ứng toàn bộ số tiền để thi công, mở thêm mạng nhánh và 1 phần đường ống ngoài phần Dự án theo nhu cầu của người dân. Nhà nước chỉ hỗ trợ phần xây lắp đường ống phân phối chung, còn đường ống nhánh tỏa đến các khu dân cư thì người dân phải thực hiện. Thực tế ở phần này, Trạm Dịch vụ đã đầu tư thực hiện gần 196 triệu đồng. Sau khi trả 101 triệu đồng, chúng tôi còn nợ Trạm dịch vụ trên 94 triệu đồng chưa có nguồn để thanh toán, mặc dù Dự án đã kết thúc”. Với câu trả lời này của ông Giám đốc Trung tâm Nước SH & VSMTNT Thái Nguyên đã rõ số tiền mà người dân thắc mắc được sử dụng vào việc gì. Qua xem xét các giấy tờ, văn bản liên quan cho thấy Dự án đã hạch toán, thanh quyết toán vốn đầu tư theo đúng quy định về quản lý tài chính. Chủ đầu tư thu đầy đủ và sử dụng vốn đầu tư công trình phù hợp.