Bảo đảm an toàn các hồ chứa nước

07:27, 30/08/2013

Trên địa bàn cả nước có hơn 6.600 hồ chứa nước, với tổng dung tích trữ khoảng 11 tỷ m3 nước; trong đó có 560 hồ chứa lớn, 1.752 hồ có dung tích 0,2-3 triệu m3 nước, còn lại là các hồ nhỏ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức năm đoàn công tác đi hàng chục tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát hệ thống hồ chứa và kết quả thật đáng báo động khi có quá nhiều hồ chứa đang mất an toàn trầm trọng...

Nhiều hồ chứa nước thiếu an toàn

 

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hoàng Văn Thắng, Việt Nam có nhiều hồ chứa nước, trong nhiều năm qua Nhà nước và nhân dân đã đầu tư xây dựng 6.648 hồ, với mục tiêu chính là cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và tham gia điều tiết lũ cho vùng hạ du, tạo nguồn nước cho sinh hoạt và phát điện. Các tỉnh xây dựng nhiều hồ chứa là Hòa Bình 521 hồ, Bắc Giang 461 hồ, Tuyên Quang 503 hồ, Vĩnh Phúc 209 hồ, Phú Thọ 124 hồ, Thanh Hóa 618 hồ, Nghệ An 625 hồ, Hà Tĩnh 345 hồ, Bình Ðịnh 161 hồ, Ðác Lắc 539 hồ... Tuy nhiên, hầu hết các hồ đều được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, độ an toàn tương đối thấp. Trước thực trạng trên, từ năm 2003, Bộ NN và PTNT đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa. Mục tiêu của chương trình là đầu tư sửa chữa, nâng cấp công trình đầu mối các hồ chứa đã xuống cấp và từng bước nâng cấp hệ thống kênh mương, nhằm bảo đảm an toàn, hiệu quả công trình; kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý và tăng cường các trang thiết bị giám sát từ các hồ chứa. Ðội ngũ cán bộ làm công tác quản lý hồ chứa được tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ về quản lý hồ; đồng thời tuyên truyền cho nhân dân trong vùng hưởng lợi nắm được tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn hồ. Mục tiêu từ năm 2003 đến 2020 nâng cấp, sửa chữa 3.174 hồ các loại, tăng cường đào tạo công tác quản lý khai thác, bảo vệ các hồ chứa.

 

Mặc dù đã có những văn bản quy định nhằm bảo đảm an toàn các hồ chứa, nhưng theo Thứ trưởng Công thương Nguyễn Cẩm Tú, đối với các công trình thủy điện có công suất nhỏ hơn 50 MW và lớn hơn 30 MW đã đưa vào sử dụng hiện đang vận hành an toàn, các chủ đập đều thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về quản lý vận hành đập. Còn đối với các công trình thủy điện có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 30 MW đã đưa vào sử dụng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do một số chủ đập chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập.

 

Cụ thể, có 114/166 đập đã đến hoặc quá kỳ kiểm định/kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ, nhưng hiện mới có 45 đập đã thực hiện xong, 35 đập đang thực hiện và còn tới 34 đập chưa thực hiện. Chỉ có 36/166 đập đã có phương án bảo vệ đập được phê duyệt theo quy định, 54/166 đập đang xây dựng hoặc đang trình duyệt và 76/166 đập còn lại chưa có phương án. Về hiện trạng công trình đầu mối của các hồ chứa, hiện có tới 317 hồ bị hư hỏng, trong đó có 120 hồ trọng điểm, cần nâng cấp, sửa chữa ngay để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ 2013.

 

Thực tế cho thấy, sự mất an toàn các hồ chứa hầu hết rơi vào các hồ chứa nhỏ (gần 6.000 hồ). Số lượng hồ chứa nhỏ nhiều lại nằm rải rác, phân tán, nhiều hồ nằm trong vùng sâu, vùng xa, nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Ðặc biệt, năng lực quản lý hồ chứa nhỏ của các xã, HTX, tổ chức hợp tác dùng nước hoặc thôn, bản vừa thiếu, vừa yếu. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư sửa chữa các hồ chứa nhỏ hầu như không có, đã gây một số sự cố trong những năm gần đây như: Vỡ đập hồ Z20 (Hà Tĩnh) năm 2009; vỡ đập hồ Khe Mơ, hồ Vàng Anh (Hà Tĩnh), hồ Phước Trung (Ninh Thuận) năm 2010; vỡ hồ Khe Làng, hồ 271 (Nghệ An), sự cố sạt lở mái hạ lưu gây nguy cơ vỡ đập hồ Vưng (Hòa Bình), sự cố trong quá trình thi công hai hồ Lanh Ra và hồ Bà Râu (Ninh Thuận) năm 2011; vỡ đập hồ Tây Nguyên, hồ Lim bị thấm mạnh mang cống đe dọa vỡ đập năm 2012 và mới đây nhất là sự cố sụt lún thân đập hồ Bản Muông (Sơn La), sự cố tràn xả lũ hồ Hoàng Tân (Tuyên Quang), vỡ đập Phân Lân (Vĩnh Phúc) năm 2013...

 

Thiếu vốn và công tác quản lý hồ còn nhiều bất cập

 

Tại Hội nghị trực tuyến về an toàn hồ chứa nước diễn ra sáng 29-8 tại Hà Nội do Chính phủ tổ chức, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các bộ, ngành chức năng các địa phương hết sức lưu ý đến công tác bảo vệ an toàn hồ chứa; đồng thời tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng vì ảnh hưởng trực tiếp đến lượng nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện. Công tác bảo đảm an toàn cho các hồ chứa là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay công tác này đang gặp nhiều khó khăn. Công tác quy hoạch hồ chứa còn nhiều điểm yếu, nhất là các hồ, đập thủy điện nhỏ. Trong thời gian qua, cả nước đã cắt giảm 338 dự án thủy điện không hiệu quả, dừng 67 dự án và thời gian tới, cần kiên quyết hơn nữa trong công tác quy hoạch, rà soát lại quy hoạch xây dựng hồ chứa nói chung, hồ thủy điện nói riêng.

 

Trong chuyến đi kiểm tra chất lượng các hồ chứa nước, đại diện lãnh đạo các địa phương như: Thanh Hóa, Hòa Bình, Gia Lai, Quảng Nam... đều chung quan điểm là Chính phủ cần có chương trình hỗ trợ kinh phí để bảo đảm an toàn các hồ chứa như chương trình nâng cấp đê hằng năm; đồng thời các ngành chức năng cũng cần ban hành, sửa đổi một số nghị định về an toàn hồ đập, nhất là Nghị định 72/2007/NÐ-CP về Quản lý an toàn đập và Thông tư số 33/2008/TT-BNN hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định trên.

 

Thời gian qua, công tác quản lý đầu tư xây dựng các hồ, đập thủy điện của một số bộ, ngành địa phương còn lúng túng và "dễ dãi". Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Xây dựng cần rà soát năng lực của các đơn vị tư vấn, thiết kế, giám sát chất lượng thi công các dự án hồ, đập thủy điện. Bộ Công thương tăng cường kiểm tra an toàn các hồ chứa thủy điện, tập trung vào các hồ thủy điện nhỏ, kiên quyết xử lý những vi phạm. Nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn hồ chứa phải kiên quyết dừng hoạt động.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN và PTNT nghiên cứu thêm về việc thành lập Ủy ban An toàn hồ chứa, tránh quản lý chồng chéo như hiện nay. Theo đó, trách nhiệm về an toàn hồ đập, hồ chứa được phân cấp rõ ràng. Ðầu mối tại Trung ương là Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư; cấp tỉnh là Ban Chỉ huy PCLB. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, rà soát an toàn các hồ chứa; củng cố lực lượng chuyên trách, tăng cường công tác tập huấn về các văn bản quy phạm pháp luật, quản lý nhà nước về hồ chứa; tìm nguồn quỹ ổn định để có vốn đầu tư, sửa chữa các công trình đột xuất. Ðặc biệt, kiện toàn lại phương châm "bốn tại chỗ", sẵn sàng xử lý các sự cố hư hỏng hồ đập ngay từ khi phát sinh. Mặt khác, các bộ, ngành cần xây dựng phương án bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn, quản lý an toàn đập. Ðồng thời lắp đặt hệ thống giám sát thông tin hồ chứa, phục vụ công tác quản lý khai thác và chỉ đạo bảo đảm an toàn đập. Từng bước trang bị các hệ thống giám sát, quản lý tự động, hệ thống giám sát, cảnh báo xả lũ hạ du cho các hồ chứa lớn để hỗ trợ việc quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn cho người dân vùng hạ du mỗi khi các hồ xả lũ.