Báo động tình trạng mất an toàn lưới điện ở Phú Bình

09:03, 09/08/2013

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Phú Bình liên tiếp xảy ra hàng chục vụ tai nạn điện giật gây thương tích hoặc chết người. Đặc biệt, chỉ trong vòng 1 tháng qua (từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8/2013), đã có 2 người chết vì điện giật do đường dây điện bị đứt. Thực trạng trên đang báo động về nguy cơ mất an toàn lưới điện ở địa phương này.

Chiều tối 7/8, trời mưa gió, chị Vương Thị Thanh, sinh năm 1972 đi xe máy chở 2 cháu: Bàn Thị Thùy, sinh năm 1996 và Nông Chí Bảo, sinh năm 2004, cùng trú tại xóm Bờ La, xã Tân Kim (Phú Bình) qua khu vực xóm Tranh, xã Tân Khánh thì bất ngờ đường dây điện gần đó bị đứt quàng vào xe máy khiến chị Thanh bị điện giật tử vong tại chỗ, 2 cháu nhỏ bị thương nhẹ. Trước đó, vào ngày 19/7, tại xóm Đoàn Kết, xã Đào Xá cũng xảy ra vụ tai nạn điện giật làm ông Phạm Bá Lực tử vong. Nguyên nhân được xác định là do đêm 18/7, trời mưa bão làm đứt đường dây điện chạy qua khu vườn của gia đình ông gây ra vụ tai nạn. Được biết, vào tháng 6 và tháng 7 năm 2011, trên địa bàn huyện cũng đã xảy ra 2 vụ điện giật chết người do đứt dây điện. Tháng 12/2012, anh Dương Văn Huy, xóm Kiều Chính, xã Xuân Phương trong lúc đổ mái bê tông ngôi nhà 2 tầng của gia đình, do vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây điện cao thế 10kV đã bị điện phóng gây tai nạn. Rất may, vụ tai nạn chỉ khiến anh Huy bị bỏng nhẹ và xây xát… Ngoài ra, thời gian qua, trên địa bàn huyện còn xảy ra hàng chục vụ đứt dây điện làm chết trâu, bò, gia súc của người dân.

 

 

Ông Triệu Đức Nghĩa, Giám đốc Điện lực Phú Bình cho biết: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những vụ tai nạn điện trong thời gian qua là do lưới điện đã quá xuống cấp. Từ khi tiếp nhận lưới điện nông thôn (năm 1995), Điện lực Phú Bình đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp lưới điện. Tuy nhiên, do lưới điện đã cũ và xuống cấp nghiêm trọng nên việc cải tạo chỉ đáp ứng được phần nào. Hiện nay, Điện lực Phú Bình đang quản lý 209km đường dây trung thế, 533 km đường dây hạ thế. Trong đó, chỉ có 168 km đường dây bọc, còn lại là dây trần. Toàn huyện vẫn còn trên 1.100 cột điện bằng tre, gỗ tạm bợ. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) còn khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. 

 

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Bình có 81 trường hợp vi phạm HLATLĐ, chủ yếu là do xây dựng nhà ở, công trình phụ nằm trong phạm vi bảo vệ của hành lang lưới điện. Cùng các đồng chí cán bộ kỹ thuật của Điện lực Phú Bình đi khảo sát một số điểm vi phạm HLATLĐ điển hình trên địa bàn huyện, chúng tôi không khỏi “rùng mình” khi chứng kiến cảnh những ngôi nhà chỉ cách đường dây điện cao thế vài chục cm. Thậm chí có gia đình nhà tắm, công trình phụ chỉ cách đường dây điện cao thế khoảng 20cm. Điển hình trong số các trường hợp vi phạm HLATLĐ trên địa bàn huyện có thể kể đến trường hợp của gia đình ông Dương Minh Thặng, tổ dân phố Đông, thị trấn Hương Sơn. Năm 2011, gia đình ông làm thủ tục chuyển đổi 50m2 từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư để xây dựng nhà ở nhưng gia đình ông lại xây dựng nhà ở trên diện tích hơn 80m2. Chính vì vậy, sau khi xây dựng xong, ngôi nhà 2 tầng của gia đình ông Thặng đã nằm trong phạm vi bảo vệ của đường điện cao thế 10kV, lộ 971. Cụ thể, phần mái của ngôi nhà chỉ cách đường dây điện cao thế khoảng 40cm. Ngay sát ngôi nhà của ông Thặng là ngôi nhà của gia đình ông Dương Văn Tiến, phần mái của ngôi nhà này cũng chỉ cách đường dây điện cao thế khoảng 50cm.

 

Chỉ tay về phía những ngôi nhà nằm ngay sát đường điện cao thế, anh Phạm Văn Sỹ, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật - An toàn (Điện Lực Phú Bình) nói: Theo quy định thì khoảng cách an toàn cho phép từ đường dây điện cao thế tới các công trình phải bảo đảm tối thiểu từ 3m trở lên. Tuy nhiên, bất chấp khuyến cáo của ngành Điện và các quy định của pháp luật, nhiều gia đình vẫn xây dựng, cơi nới nhà ở và các công trình phụ ngay dưới đường dây điện, không đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định. Với khoảng cách như vậy, tai nạn chập điện, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là khi trời mưa bão…

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 81 trường hợp vi phạm về HLATLĐ trên địa bàn huyện, có nhiều trường hợp đã tồn tại “dai dẳng” từ hàng chục năm nay mà không hề bị bất cứ cơ quan chức năng nào xử lý. Lý giải về điều này, ông Dương Đình Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Hương Sơn, một trong những địa phương để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm HLATLĐ trên địa bàn huyện cho biết: Hầu hết các trường hợp vi phạm đều là do người dân cố tình và khi chúng tôi phát hiện ra thì họ đã xây dựng xong nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết tự tháo dỡ công trình vi phạm nhưng không đem lại kết quả. Chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện để có hướng xử lý, nhưng vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo cụ thể nào của huyện… 

 

Về vấn đề này, ông Triệu Đức Nghĩa, Giám đốc Điện lực Phú Bình cho biết thêm: Theo quy định, trước khi cấp phép cho tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở công trình trong HLATLĐ, cơ quan cấp phép phải yêu cầu người dân chấp thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không và an toàn trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng của huyện vẫn chưa thực sự chú ý đến vấn đề này. Mặt khác, khi cấp phép, cơ quan chức năng thường không khảo sát kỹ về thực địa, không tính đến sự tồn tại trước đó của đường dây điện nên vô tình đã “tiếp tay” cho các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với ngành Điện trong việc phát hiện, xử lý vi phạm còn chưa chặt chẽ. Thậm chí nhiều địa phương còn đổ hết trách nhiệm cho ngành Điện.    

 

Hiện đang là mùa mưa bão, việc bảo vệ HLATLĐ là vấn đề hết sức cấp bách. Trước thực trạng nêu trên, bên cạnh việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp lưới điện đã xuống cấp, Điện lực Phú Bình cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các cấp chính quyền địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn lưới điện; sớm có biện pháp quyết liệt nhằm xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm HLATLĐ đã tồn tại từ nhiều năm nay nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, tránh để xảy ra những tai nạn đáng tiếc.