Báo động tình trạng thực phẩm chứa hàn the và Foocmon

09:38, 08/08/2013

Tháng 6 và tháng 7/2013, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Sở Y tế đã kiểm soát, giám sát lấy 154 mẫu phẩm tại các quầy hàng bán lẻ trên thị trường T.P Thái Nguyên và các huyện đối với một số nhóm thực phẩm: thịt quay, giò, chả để phân tích. Kết quả cho thấy, nhiều thực phẩm không đảm bảo an toàn, có chứa chất phụ gia gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…

Trước thông tin về việc một số nhóm thực phẩm có chứa chất phụ gia gây độc hại cho người tiêu dùng, tháng 6 và tháng 7/2013, Chi cục ATVSTP đã tiến hành kiểm soát, giám sát lấy 154 mẫu phẩm tại các quầy hàng bán lẻ đối với một số nhóm thực phẩm như: thịt quay, giò, chả, nem chua, bún ướt, bánh phở tại chợ của 4 huyện là Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa và một số chợ đầu mối trên địa bàn T.P Thái Nguyên để phân tích. Kết quả là 154 mẫu thực phẩm Chi cục đã lấy gửi xét nghiệm có 83 mẫu phẩm (chiếm trên 50% số mẫu) chứa hàn the và Foocmon, trong đó có 9 mẫu phẩm bún ướt và bánh phở chứa Foocmon còn lại 74 mẫu phẩm thịt và các sản phẩm làm từ thịt có hàn the. Cá biệt, trong 5 mẫu phẩm bún ướt Chi cục lấy tại chợ Chùa Hang (Đồng Hỷ) cả 5 mẫu phẩm đều chứa Foocmon.

 

 

Chúng tôi đến chợ Chùa Hang vào những ngày đầu tháng 8, các hàng bán bún rất vắng người mua. Chị Trần Thị Lý, một chủ hàng bán bún nói: “Trước đây trung bình mỗi ngày tôi bán được khoảng 70-80kg bún, từ khi cơ quan chức năng công bố bún ở chợ Chùa Hang chứa Foocmon đến nay mỗi ngày bán lay lắt từ sáng tới tối cũng chỉ được 30-40 kg. Thực tế, các hộ kinh doanh ở đây đều lấy bún từ các cơ sở sản xuất về bán chứ không trực tiếp làm. Ngày Chi cục VSATTP cử cán bộ tới chợ lấy mẫu bún về phân tích do ở đây mất điện nên cả 5 quầy bán bún ở chợ đều sang chợ Đán (T.P Thái Nguyên) lấy bún về bán” .

 

Trao đổi với chúng tôi về việc này, chị Nguyễn Thị Thảo, ở tổ dân phố số 18, thị trấn Chùa Hang cho biết: “Từ hôm tôi nghe thông tin bún bán ở chợ chứa Foocmon cả nhà tôi “tẩy chay” luôn không mua bún ở chợ về ăn, cũng không ăn bún buổi sáng ở các quán. Ngẫm lại tôi thấy đúng, trước đây mua bún để từ sáng đến chiều là chua không ăn được, thì bây giờ bún để sang ngày hôm sau vẫn không chua”.

 

Theo ông Đàm Văn Bút, Bác sĩ CKI, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục ATVSTP: “Foocmon là chất hữu cơ rất độc được sử dụng trong sản xuất công nghiệp, người tiếp xúc với Foocmon dù hàm lượng cao hay thấp cũng đều nguy hại đến sức khỏe và dễ dẫn đến các bệnh như: ung thư, tổn thương da, niêm mạc, mắt, rối loạn tiêu hóa, chậm tiêu, gây loét dạ dày, viêm đại tràng... Hàn the cũng là một chất hóa học, khi ăn thực phẩm có chứa hàn the, cơ thể chỉ đào thải được khoảng 80% lượng hàn the ăn vào, phần còn lại sẽ tích tụ vĩnh viễn trong cơ thể. Hàn the sẽ làm tổn thương và hư hại các tế bào gan, teo tinh hoàn và là một trong những tác nhân gây ung thư”.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 8.000 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. 154 mẫu phẩm phân tích của Chi cục ATVSTP chỉ là con số rất nhỏ bé, song đã rung lên hồi chuông báo động về tình trạng mất ATVSTP bởi trên 50% số mẫu được kiểm nghiệm đều chứa hàn the và Foocmon. Trước những kết quả bước đầu về việc phát hiện tại các quầy hàng bán lẻ đang bán những nhóm hàng thực phẩm có chứa chất phụ gia gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, Chi cục ATVSTP đã có công văn gửi Trung tâm Y tế các huyện, thành, thị đề nghị các đơn vị này khẩn trương vào cuộc, có biện pháp phối hợp kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm ngăn chặn kịp thời các loại thực phẩm ô nhiễm để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

 

Ông Lý Xuân Cảnh, Chi cục Trưởng chi cục ATVSTP cho biết thêm: “Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tiến hành lấy mẫu phẩm tại một số huyện còn lại trên địa bàn tỉnh để phân tích. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc giám sát chất tẩy trắng trong bún, bánh phở mà dư luận đang quan tâm. Tuy nhiên, Chi cục ATVSTP chỉ có nhiệm vụ phát hiện, giám sát, cảnh báo nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm chứ không có chức năng kiểm tra vì vậy để làm được việc này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó có Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương - Cơ quan đang được giao quản lý 15 nhóm ngành hàng..."

 

Để ngăn chặn việc sử dụng các chất phụ gia độc hại trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục để nhà sản xuất, kinh doanh nâng cao ý thức trách nhiệm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.