Chuyển biến của các cơ sở y, dược tư nhân ở Phú Bình

10:05, 21/08/2013

Khoảng 5 năm trước, trên địa bàn huyện Phú Bình chỉ có 13 cơ sở bán thuốc tân dược, 2 phòng khám và 1 cơ sở trồng răng giả, thì nay đã có 56 cơ sở kinh doanh thuốc, 8 phòng khám, 2 phòng chẩn trị y học cổ truyền và 5 cơ sở trồng răng giả. Điều này đã và đang tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe…

Xuôi Quốc lộ 37 từ xã Thượng Đình, qua Điềm Thụy, Nhã Lộng, Xuân Phương, thị trấn Hương Sơn rồi đến Kha Sơn, một điều dễ dàng nhận thấy là các cửa hàng thuốc tân dược tư nhân xuất hiện ngày một nhiều và quy mô các cửa hàng cũng ngày một lớn. Đáng mừng hơn, ngay cả ở các xã điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, xa trung tâm huyện, các cửa hàng thuốc cũng đã được phủ kín và có sự đầu tư tích cực. Tại Quầy thuốc số 7, của Công ty CP Dược - Vật tư Y tế Thái Nguyên, Chi nhánh Phú Bình, đặt tại xóm Đồng Vĩ, xã Bàn Đạt, chúng tôi cảm nhận rất rõ về sự thay đổi này. Dược sĩ trung cấp Vũ Thị Huyên, phụ trách Quầy thuốc cho biết: Trung bình mỗi ngày, Quầy của tôi bán được trên dưới 600 nghìn đồng tiền thuốc. Có thể so với những quầy thuốc ở các xã, thị trấn khác số lượng thuốc bán được không lớn, nhưng ở một xã còn rất nhiều khó khăn như Bàn Đạt, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 49% thì có thể nói đây là điều đáng mừng, bởi trước đây, người dân rất ít khi bỏ tiền ra mua thuốc điều trị bệnh mà thường để tự khỏi hoặc tự điều trị theo kinh nghiệm của bản thân (trừ bệnh nặng).

 

Theo quan sát của chúng tôi trong đợt cùng đi với Đoàn Kiểm tra liên ngành y, dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của huyện mới đây, cho thấy, đại đa số các chủ quầy thuốc đều được đào tạo bài bản nên việc sắp xếp, bố trí các loại thuốc trong tủ thuốc khá khoa học, có sổ ghi chép rõ ràng, niêm yết giá trên từng sản phẩm… Điều này vừa thuận tiện cho việc bán hàng, vừa quản lý được hạn sử dụng các loại thuốc. Trong tổng số 56 quầy thuốc trên địa bàn huyện, đã có 40 cơ sở được cấp giấy chứng nhận GPP (Giấy chứng nhận đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn “thực hành tốt Nhà nước”) do Sở Y tế Thái Nguyên cấp. 16 quầy còn lại đang phấn đấu đạt tiêu chuẩn GPP vào cuối năm 2013 theo lộ trình của Bộ Y tế (nguyên nhân do một số cơ sở phải thuê địa điểm nên không có điều kiện lắp điều hòa nhiệt độ và các thiết bị khác theo quy định).

 

Theo Bác sĩ chuyên khoa 1 Dương Quang Tuấn, Trưởng phòng Y tế huyện Phú Bình: Việc xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng thuốc tân dược tư nhân cũng như các phòng khám, phòng chẩn trị đông y và các cơ sở trồng răng giả thì người dân chính là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên, vì họ ngày càng có nhiều sự lựa chọn trong việc mua thuốc cũng như khám, chữa bệnh. Chất lượng dịch vụ và giá thành các sản phẩm vì thế cũng có sự cạnh tranh tích cực giữa các cơ sở. Nếu như trước đây, người dân (đặc biệt là ở các xã nằm xa trung tâm huyện) thường phải đi khá xa thì mới mua được thuốc, thì nay, ở tất cả các xã đều đã có cửa hàng thuốc (thường nằm ở trung tâm xã), nhiều xã còn có đến 4-5 cửa hàng, với những loại thuốc thông dụng về: Tim mạch, huyết áp, tiêu hóa, dạ dày, giảm đau, hạ sốt, bổ, kháng sinh… Đặc biệt, với sự có mặt 8 phòng khám (trong đó, 2 phòng khám hoạt động cả ngày, 6 phòng khám hoạt động ngoài giờ hành chính) đã giúp người dân có thêm nhiều lựa chọn trong việc khám, chữa bệnh, mà không nhất thiết là phải vào Bệnh viện như trước đây. Tuy nhiên, do các phòng khám đều mới đi vào hoạt động nên số lượng người đến với phòng khám chưa nhiều và một số chuyên khoa như về mắt cũng chưa có sự đầu tư (kể cả Bệnh viện Đa khoa huyện cũng chưa có chuyên khoa mắt). Trung bình mỗi ngày, mỗi phòng khám có khoảng 20 lượt bệnh nhân đến khám, siêu âm, làm các xét nghiệm. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, đại đa số người dân làm nông nghiệp, đã quen với việc khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, nên khách hàng đến với phòng khám chủ yếu là những người không có thẻ bảo hiểm y tế. Họ lựa chọn phòng khám là vì không phải chờ đợi nhiều, thái độ phục vụ của y, bác sĩ tốt, đặc biệt là giá các dịch vụ lại không cao hơn nhiều so với khám dịch vụ tại bệnh viện, một số xét nghiệm thậm chí còn có giá bằng hoặc rẻ hơn.

 

Đến Phòng khám Vân Thi, ở thị trấn Hương Sơn, điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là sự sạch sẽ, thoáng mát. Phòng khám hiện có 2 bác sĩ và 7 y tá, kỹ thuật viên. Phòng khám nhận làm các xét nghiệm, siêu âm, chụp Xquang, điện tim… Chị Dương Thị Lan, xóm Núi Chùa, xã Tân Kim nhận xét: Tôi đến Phòng khám này khá thường xuyên để khám, siêu âm thai. Tôi rất hài lòng về thái độ phục vụ của y, bác sĩ Phòng khám. Đến đây, tôi không phải chờ đợi, giá cả hợp lý, mà chất lượng khám cũng đảm bảo.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực đó, qua đợt kiểm tra vừa qua cho thấy, trên địa bàn huyện vẫn còn tình trạng thuốc tân dược được bán trong điều kiện không đảm bảo; một số cơ sở trồng răng mở cửa hoạt động khi chưa đủ điều kiện về thủ tục giấy tờ, còn có cửa hàng để lẫn thực phẩm chức năng với thuốc; đặc biệt là hiện tượng bán thuốc không có đơn kê của bác sĩ là khá phổ biến ở tất cả các quầy thuốc… Do đó, để nâng cao hơn nữa hoạt động của các quầy thuốc cũng như các cơ sở khám, chữa bệnh, theo chúng tôi, ngoài việc các cơ quan chức năng  của huyện cần tích cực hơn nữa trong việc kiểm tra, nhất là các đợt kiểm tra đột xuất thì ý thức trong việc chọn cơ sở mua thuốc và khám, chữa bệnh của người dân cũng cần được nâng cao hơn nữa. Người dân nên đến các cơ sở, phòng khám có uy tín, đủ điều kiện hoạt động, không tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ và phải dùng đúng, dùng đủ liều để tránh hiện tượng nhờn thuốc, kháng thuốc…