Công tác quản lý sinh viên ngoại trú: Từng bước đi vào nền nếp

14:29, 07/08/2013

“Khi thuê nhà trọ, chúng em phải làm đơn, báo cáo cô giáo chủ nhiệm, Phòng Quản lý học sinh, sinh viên (HSSV) về địa chỉ chỗ ở. Chúng em được Nhà trường cấp cho cuốn sổ theo dõi kết quả học tập, rèn luyện, trong đó có quy định rõ những điều SV ở bên ngoài KTX phải chấp hành. Về địa phương thuê trọ, thì mỗi người còn được cấp thêm quyển sổ tạm trú. Cuối mỗi kỳ học, chúng em phải nộp sổ về nhà trường, trong đó có nhận xét của tổ trưởng tổ dân phố nơi mình cư trú để làm căn cứ tính điểm thi đua”. Đó là chia sẻ của Lê Bảo Ngọc, SV Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm.

Bác Vũ Văn Nguyện, tổ trưởng tổ dân phố số 4, phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên, một trong những tổ có đông HSSV thuê nhà trọ nhận xét: “Nhìn chung, trong những năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng rất quan tâm đến công tác quản lý SV ngoại trú. Với các quy định chặt chẽ như phải có nhận xét của tổ trưởng tổ dân phố vào sổ theo dõi kết quả học tập, hằng tháng, các trường còn cử cán bộ phòng quản lý học sinh, sinh viên xuống tận tổ dân phố nơi SV của trường đăng ký tạm trú để kiểm tra thực tế. Nhờ vậy, tình trạng SV chuyển chỗ ở mà không báo với nhà trường không còn. Các cháu SV ở ngoại trú chấp hành khá tốt các quy định của trường, địa phương. Nhiều cháu còn tham gia nhiệt tình vào phong trào văn hóa, văn nghệ, vệ sinh môi trường… của tổ dân phố”. Được biết, hiện nay, tổ 14 có 90 hộ thì có tới 75 hộ kinh doanh nhà trọ, trung bình mỗi hộ có từ 10 đến 15 phòng trọ. Để việc kinh doanh nhà trọ đi vào nền nếp, hằng năm, tổ dân phố đều phối hợp với Công an phường mời các hộ kinh doanh nhà trọ đến để tuyên truyền về Luật Cư trú. Các hộ kinh doanh nhà trọ đều chấp hành nghiêm túc quy định về kinh doanh có điều kiện. Vì thế, khi có SV đến trọ, chủ nhà trọ đến gặp Tổ trưởng tổ dân phố đăng ký tạm trú. Nhiều năm qua, tổ dân phố số 4 không có tình trạng SV tụ tập trong phòng trọ, uống rượu, đánh nhau gây mất trật tự tại địa phương.

 

 

Rời tổ 4, chúng tôi tới tổ dân phố 3, phường Quang Trung nằm ở khu vực đê Mỏ Bạch, đây cũng là điểm có nhiều nhà trọ SV. Theo bác Dương Đức Phùng, Tổ trưởng tổ 3: “Tổ có 100 hộ thì có 30 hộ đăng ký kinh doanh nhà trọ. Các chủ nhà trọ chủ yếu là cán bộ hưu trí. Các hộ kinh doanh nhà trọ đều có ý thức chấp hành tốt các quy định của Nhà nước. Tôi thấy hầu hết các chủ nhà trọ đều xây dựng các nội quy cho người đến thuê nhà từ việc: nấu ăn, giờ giấc ra vào khu trọ, giờ tiếp khách… và các cháu SV chấp hành khá tốt. Gia đình tôi cũng có 17 phòng trọ, giá 350 nghìn/phòng, tiền điện, nước các cháu tự lo. Tôi cũng quy định, khi các cháu có người nhà, bạn đến chơi phải báo trước cho tôi. Tôi còn đề ra quy định: không được tổ chức sinh nhật tại phòng, cháu nào đồng ý với các quy định thì vào ở. Vì thế, nhà tôi kinh doanh nhà trọ gần 10 năm nay chưa có vấn đề gì xảy ra”.

 

Khu nhà trọ của anh Dương Quang Vinh, số nhà 29B, ở khu vực đê Nông lâm, cửa mỗi phòng trọ đều dán bản nội quy. Đọc qua, chúng tôi thấy có 13 điều gia chủ yêu cầu người ở trọ phải chấp hành nghiêm túc, như: người đến trọ là phải có đầy đủ giấy tờ tuỳ thân; nghiêm cấm đánh bài, mại dâm, uống rượu, bia say xỉn, nói tục chửi bậy, mở loa đài to gây mất trật tự nơi trọ… Việc thuê phòng trọ sẽ bị chấm dứt hợp đồng nếu bên thuê nhà vi phạm các quy định trên, đồng thời người thuê nhà phải chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật về những hành vi gây ra. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Vinh giãi bày: “Khi có ý định kinh doanh phòng trọ, tôi đã nghiên cứu rất kỹ các quy định của tỉnh, Bộ Giáo dục & Đào tạo. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các cháu đều sống xa gia đình, thiếu sự quan tâm, chỉ bảo của người lớn. Nếu mình quan tâm, khắt khe với các cháu là tốt cho các cháu. Nhiều cháu ở nhà tôi, bố mẹ xuống thăm rất yên tâm”. Đặng Thúy Vân, quê ở Tân Đức (Phú Bình) SV năm thứ 2 Khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm cho biết: Bố mẹ chúng em lên đây xem cách ăn, ở, sinh hoạt của chúng em rất yên tâm. Bác Vinh rất nghiêm khắc như người cha, người chú của chúng em vậy”.

 

Theo đồng chí Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban Công tác HSSV Đại học Thái Nguyên: (ĐHTN). Hiện Đại học Thái Nguyên có khoảng 60 nghìn SV hệ chính quy đang học tập trung, các khu KTX chỉ đáp ứng được khoảng 30% chỗ ở cho SV. Vì thế, đối tượng được ưu tiên đầu tiên ở trong khu KTX là con em gia đình chính sách, hộ nghèo. Để công tác quản lý HSSV đi vào nền nếp, ĐHTN đã quản lý HSSV theo các quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo Quyết định số BN1718/QĐ-UBND ngày 28-8-2007 của UBND tỉnh Thái Nguyên về quản lý HSSV ngoại trú. Hằng năm, ĐHTN đều tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về công tác HSSV và nội quy, quy định của Đại học để đáp ứng yêu cầu đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Các văn bản ban hành là hành lang pháp lý cho công tác quản lý HSSV của toàn đại học đi vào nền nếp và được đăng tải trên Website của các nhà trường để thuận tiện cho việc tra cứu thông tin của SV. Định kỳ, hằng năm, các nhà trường đều tổ chức hội nghị về công tác an ninh trường học với chính quyền, tổ dân phố, công an các phường có SV ngoại trú để tăng cường sự phối hợp giữa các bên để nắm bắt tình hình, quản lý HSSV ở ngoại trú. Phòng quản lý HSSV các trường đều xây dựng kế hoạch phối hợp cùng chính quyền, khối phố kiểm tra, lập hồ sơ theo dõi HSSV ngoại trú. Nhờ vậy, công tác quản lý HSSV ngoại trú từng bước đi vào nền nếp. Nhờ vậy, mấy năm trở lại đây không có vụ việc gì phức tạp do SV ở ngoại trú gây ra.

 

Mặc dù công tác quản lý SV ngoại trú từng bước đã đi vào nền nếp, song dư luận cũng như thực tế cho thấy vẫn còn một bộ phận nhỏ SV ở ngoại trú sống buông thả, thường xuyên tụ tập uống rượu say, đánh lô đề... Vì vậy, thời gian tới, các nhà trường cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong quản lý HSSV ở ngoại trú với chính quyền các địa phương.