Doanh nghiệp nợ BHXH: Người lao động thiệt thòi

11:42, 10/08/2013

Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nợ, hoặc chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ). Điều này đã vi phạm Luật Lao động, NLĐ chịu nhiều thiệt thòi khi không được hưởng quyền lợi từ bảo hiểm.

Tính đến 30/6/2013, tổng số tiền nợ BHXH của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là gần 160 tỷ đồng. Trong số này, có 318 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ là 18,8 tỷ đồng.

 

Một số doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn, kéo dài trên 30 tháng, như: Công ty cổ phần Công nghệ Sao Xanh (Khu Công nghiệp Sông Công) 41 tháng với số tiền 367 triệu đồng; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu, thương mại Quang Thành Đạt (phường Phố Cò, thị xã Công Công) 31 tháng, số tiền 146 triệu đồng; Công ty TNHH Thiên Thanh (xã Cao Ngạn, T.P Thái Nguyên) 30 tháng, số tiền 276 triệu đồng; Doanh nghiệp Thiêm Thanh (Cao Ngạn, T.P Thái Nguyên) 30 tháng, số tiền 206 triệu đồng…

 

 

Gần 1 năm nay, hơn 300 công nhân của Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng phải nghỉ việc do tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Hầu hết mọi người phải tất bật đi tìm công việc khác để có nguồn thu nhập. Chị Đoàn Thị Thanh Hương, 45 tuổi từng là thợ bậc 6, làm việc tại Tổ Hành chính, Phân xưởng Cán nay phải đi giúp việc gia đình. Chị làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối muộn để lấy hơn 2 triệu đồng/ tháng. Công việc hằng ngày của chị Hương là chăm sóc gần chục con lợn nái, cùng đàn chó và chim cảnh, phụ giúp việc nhà, cũng như lo cơm nước cho nhà chủ. Tâm sự với chúng tôi, chị Hương rơm rớm nước mắt: “Quen với công việc hành chính rồi, giờ phải đi làm giúp việc gia đình tôi thấy chạnh lòng lắm, nhưng vì mưu sinh nên không còn cách nào khác”. Công tác tại Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng được 28 năm, đến tháng 6/2013, chị Hương đủ điều kiện làm thủ tục nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, do Công ty chưa nộp BHXH cho công nhân (từ tháng 9/2012 đến nay) nên chị không thể chốt thời gian đóng bảo hiểm để làm sổ hưu. Sau khi nghỉ việc ở Công ty, chị Hương có đi xin việc tại một số công ty may trên địa bàn thành phố nhưng đều không được nhận bởi lý do chị chưa chốt sổ BHXH ở công ty cũ nên không đóng gối được ở đơn vị mới. Chung hoàn cảnh như chị Hương, anh Cao Minh Tiến, sau khi nghỉ việc ở Phân xưởng Cán thép cũng ở nhà phụ giúp vợ công việc bán rau để có tiền sinh hoạt và nuôi con ăn học.

 

Công nhân của Công ty Cổ phần Quản lý đô thị và Vệ sinh môi trường Đồng Hỷ cũng bị chậm đóng BHXH gần 3 năm nay. Chị Dương Thị Anh Nữ, lao công của Công ty cho biết: “Trong bảng tính lương, Công ty vẫn có ghi trừ tiền BHXH, bảo hiểm y tế, tiền công đoàn (tổng số tiền gần 300 nghìn đồng/tháng) nhưng thực tế NLĐ không được đóng bất cứ khoản nào. Với công việc đặc thù, chúng tôi phải đi làm từ 5 giờ sáng, tiếp xúc với rất nhiều thứ nguy hiểm, độc hại, như: kim tiêm, mảnh thủy tinh, xác động vật chết… nên muốn có bảo hiểm y tế để phòng những lúc ốm đau, tai nạn. Vừa qua, tôi bị ốm phải nằm bệnh viện, vì không có thẻ bảo hiểm y tế nên phải tự thanh toán số tiền viện phí hơn 1 triệu đồng, bằng xấp xỉ tiền lương một tháng. Về phần BHXH, tôi đã nhiều lần đề nghị được chốt bảo hiểm để ở Công ty để đóng nhờ nơi khác, mong sau này có chút chế độ khi về già nhưng không được”. Theo báo cáo của BHXH tỉnh, hiện Công ty đã nợ số tiền bảo hiểm là 421 triệu đồng nay không chỉ nợ, nhiều doanh nghiệp còn chậm chuyển sổ BHXH cho NLĐ. Đơn cử, tháng 5/2012, chị Lâm Thị Ngọc, xóm Đình, xã Nam Tiến (Phổ Yên) nghỉ làm việc tại Công ty may Shinwon Thái Nguyên (trụ sở tại thị xã Sông Công) để chuyển sang làm điện tử tại Công ty Samsung Bắc Ninh. Sau nhiều lần tới rút sổ BHXH để nộp cho Công ty mới mà không được chị Ngọc đành bị gián đoạn thời gian nộp BHXH từ đó đến nay.

 

Doanh nghiệp trây ỳ, trốn tránh trách nhiệm.       

 

Lý giải nguyên nhân chậm nộp BHXH cho NLĐ, phần lớn các doanh nghiệp viện lý do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Điều này đúng với thực trạng ở Công ty cổ phần Quản lý đô thị và Vệ sinh môi trường Đồng Hỷ. Chị Trần Trung Hậu, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cho biết: Nguồn thu phí vệ sinh môi trường chỉ đủ trả lương cho công nhân. Do vậy, bảng lương có ghi trừ các khoản bảo hiểm cho “đúng” quy định, chứ thực tế Công ty không có tiền nộp. Bản thân Giám đốc Công ty đã hơn năm nay không ký nhận tiền lương.

 

Còn ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc BHXH tỉnh còn cho biết: Trường hợp như Công ty cổ phần Quản lý đô thị và Vệ sinh môi trường Đồng Hỷ chỉ là số ít, phần lớn các doanh nghiệp vẫn có điều kiện đóng BHXH nhưng cố tình trây ỳ, trốn tránh trách nhiệm đối với quyền lợi của NLĐ. Có trường hợp doanh nghiệp dù đã thu tiền của NLĐ nhưng lại không đóng quỹ BHXH mà trưng dụng số vốn đó để đầu tư kinh doanh thu lợi nhuận. Để truy thu, chúng tôi đã tăng cường đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng quy định. Vừa qua, BHXH tỉnh đã khởi kiện 4 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm kéo dài nhưng sự việc đến nay chưa có kết quả. Theo ông Trường, vấn đề mấu chốt là chế tài đối các đơn vị nợ đọng BHXH còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Theo quy định hiện nay, nếu doanh nghiệp chậm hoặc trốn đóng các loại bảo hiểm cho NLĐ thì ngoài việc phải truy đóng đầy đủ, doanh nghiệp còn phải chịu lãi suất số tiền nợ đọng. Mức lãi suất này được tính bằng mức tăng trưởng của quỹ BHXH khi đưa vào đầu tư (khoảng 10%/năm). Trong khi đó, lãi suất vay ngân hàng phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh hiện nay phổ biến từ 12 đến 14%/ năm. Chính vì vậy, doanh nghiệp “thích” chọn cách nợ BHXH vì có lợi hơn. Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính tối đa với doanh nghiệp trong lĩnh vực BHXH cũng chỉ 30 triệu đồng, chẳng thấm vào đâu so với tổng số nợ của họ.

 

Trong khi chế tài chưa đủ mạnh, các cơ quan chức năng cũng chưa có biện pháp hữu hiệu để truy thu nợ đọng BHXH, thì NLĐ đang phải “tự mình chật vật” đấu tranh để đòi quyền lợi chính đáng của mình. Vừa qua, 49 công nhân của Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng đã làm đơn “kêu cứu” gửi lên nhiều cơ quan, trong đó Thanh tra, Công đoàn Tổng Công ty thép Việt Nam, lãnh đạo UBND tỉnh, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên…kèm theo đó là những “bằng chứng” chứng minh phía Công ty hoàn toàn có điều kiện giải quyết nợ BHXH cho người lao động. Đến tháng 6/2013, số công nhân này đã được đóng bảo hiểm và giải quyết chế độ hưu theo quy định.