Những bước chân thầm lặng

09:32, 09/08/2013

Ngày qua ngày, bất kể nắng mưa, sớm tối, những người làm nghề tuần đường ở Cung đường Quán Triều vẫn rảo bước dọc theo tuyến đường sắt, kiểm tra từng con bu lông, từng đoạn ray, thanh tà vẹt, phát hiện và kịp thời sửa chữa những hư hỏng nhỏ, nhanh chóng cấp báo những hư hỏng lớn trên cung đường tuần tới bộ phận chức năng. Những bước chân thầm lặng của họ đã góp phần đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt Thái Nguyên - Hà Nội.

Cung đường Quán Triều quản lý tuyến đường sắt dài gần 7km, nối từ ga Quán Triều đến ga Lưu Xá. Toàn cung có 13 người được chia lam 2 tổ: Tổ tuần đường và Tổ duy tu (dưỡng lộ). Trong đó, Tổ tuần đường có 3 thành viên, được chia làm 3 ban (3 ca) khép kín. Với nhiệm vụ chính là kiểm tra kỹ lưỡng, phát hiện và sửa chữa hư hỏng nhỏ, kịp thời phòng vệ, nhanh chóng giữ tàu khi có hư hỏng lớn hoặc gặp chướng ngại uy hiếp đến sự an toàn của chuyến tàu.

 

 

Anh Nguyễn Quốc Thẩm, Cung trưởng Cung Quán Triều cho biết: Tiêu chuẩn để được làm công nhân tuần đường rất khắt khe về mặt sức khỏe, phải có thể lực tốt, mắt phải tinh và tai phải thính bởi công việc của công nhân tuần đường là độc lập, sẽ không có sự giúp sức của người khác trong xử trí các tình huống gặp phải trên đường ray. Chính vì vậy mà tuổi nghề của người tuần đường tàu nhiều nhất cũng chỉ đến 40 hoặc 45 tuổi tùy theo tình trạng sức khỏe. Có nhiều cách để kiểm tra sức khỏe của người đi tuần, ngoài kiểm tra thị lực, người ta có thể gọi một ai đó bất kỳ, nếu tai ai không thính lập tức bị thay thế. Có như vậy mới đảm bảo an toàn cho cả công nhân tuần và những chuyến tàu. Nếu trong trường hợp tuần đường có việc đột xuất cần nghỉ, người được bố trí đi thay cũng phải là công nhân dưỡng lộ bậc 3 trở lên và chỉ đi thay trong một ca, còn khi không bố trí được ai hợp lý, Cung trưởng sẽ là người trực tiếp đi tuần.

 

Vì Tổ tuần đường chỉ có 3 người nên không ai có ngày nghỉ. Mỗi người đảm trách một ca trong thời gian 8 tiếng. Đồ nghề các anh mang theo gồm có: cờ tín hiệu (ban đêm sẽ được thay bằng đèn tín hiệu), pháo để bảo hiệu cho tàu dừng khi một vị trí nào đó có sự cố, cờ lê để siết vặn ốc vít, sổ sách theo dõi trạng thái đường và ký nhận giữa tuần đường của 2 đơn vị tiếp giáp nhau, thẻ bài luân phiên (từ ga Quán Triều đến Cổ Loa là hết một vòng) có đánh số sẽ được đổi cho tuần đường của Cung tiếp theo (đây cũng là một cách kiểm tra người đi tuần xem họ có đi hết cung đường không), bảng giờ tàu, lịch trình và hành trình tuần đường. Ngoài ra còn có cuốc chèn, nặng khoảng 5 kg dùng để chèn thanh tà vẹt bị treo, lỏng. Người đi tuần phải đi trong lòng đường ray và không được đi quá 3km/giờ. Đến mỗi một trạm gác, người tuần đường đều phải vào ghi lại tình trạng của đoạn đường mình vừa đi qua và có người trực gác ký xác nhận.

 

Tôi ngỏ ý muốn được đi theo một ca tuần đường, anh Phạm Xuân Hùng công nhân của Tổ tuần đường cười bảo: Chắc em chỉ đi cùng được một quãng ngắn thôi, vì đoạn đường gần 14 km cả đi cả về. Hơn nữa trong lúc đi tuần cũng không trao đổi về công việc được vì chúng tôi không được phép nói chuyện.

 

Vừa đặt chân lên mặt đường ray, cái nắng oi ả sau trận mưa hôm trước hầm hập hắt lên như thiêu đốt. Trước khi đi anh Hùng dặn tôi: Chú ý nhé, bước không quen rất dễ vấp ngã. Cái nắng nóng càng lúc càng thêm gay gắt, mồ hôi vã ra như tắm. Đi phía trước, anh Hùng, chốc chốc lại cúi xuống siết lại con ốc long hay kiểm tra thanh tà vẹt bị xê dịch khỏi vị trí. Dưới ánh mặt trời chói chang, khuôn mặt anh đỏ bừng, những giọt mồ hôi rơi theo từng vòng xoay của con ốc. Có lẽ do quanh năm suốt tháng phải “dầm” mình dưới trời mưa, nắng, nên nhìn anh già dặn hơn tuổi (anh sinh năm 1971). Tôi nhẩm tính, ngày nào cũng đi bộ 14km, trong 10 năm làm nghề, anh Hùng đã đi tổng cộng khoảng 37 nghìn km.

 

Đi phía sau tôi thầm nghĩ: Liệu có nghề nào lầm lũi và đơn độc hơn nghề này? Đến đoạn km 48, hai bên đường không có nhà dân. Suốt gần 2 cây số heo hút chỉ có tiếng xào xạc của rặng tre và tiếng côn trùng phát ra từ khu nghĩa địa liền kề. Dừng lại phát mấy ngọn tre xòa xuống đường ray do trận mưa hôm trước, lúc này anh mới lên tiếng: “Đây là đoạn đường vắng nhất trong cung đường. Những ngày rằm, mùng một hay khi có ngôi mộ mới, mùi nhang vảng vất, nhất là phải hôm mưa phùn, gió bấc, tuần ban đêm người nào mới đi ít nhiều cũng sợ. Còn như bọn tôi bây giờ quen rồi, thấy mọi thứ đều bình thường lắm”.

 

Cung đường Quán triều có 3 trạm gác chắn, tới mỗi trạm, anh Hùng đều phải vào ghi vào cuốn sổ lịch trình của trạm, khi đến địa điểm tiếp giáp với Ga Lưu Xá, anh đổi thẻ bài với người đi tuần của Cung này và tiếp tục hành trình quay về. Quả thực nếu không trực tiếp đi bộ đường tuần sẽ không thể hình dung hết những nhọc nhằn mà những người tuần đường phải trải qua. Anh Phan Thanh Doanh, sinh năm 1986, làm ở Cung đã 6 năm nhưng mới được vào đội tuần đường từ năm ngoái tâm sự: “Có hôm tuần đêm, mưa xối xả hắt vào mặt đau rát, chúng tôi phải hết sức chú ý xem có chướng ngại vật gì trên đường ray không, nhất là phải xem có chỗ nào bị ngập nước có thể gây nguy hiểm cho đoàn tàu. Mùa hè đã vậy, mùa đông lạnh đến thấu da thịt”.

 

Ngoài đi tuần, mỗi tháng, một người công nhân tuần cung phải đảm bảo đoạn phát quang, dọn dẹp 3 km đường ray. Vất vả và nguy hiểm như vậy, nhưng thu nhập của những người tuần đường chỉ có hơn 2 triệu đồng/tháng. Nhưng những người tuần đường đều rất lạc quan, trách nhiệm với công việc. Các anh bảo, mình sinh ra đã là dành cho đường tàu nên sẽ gắn bó và yêu nghề đến khi nào mắt bớt tinh và tai bớt thính mới thôi. Mỗi chuyến tàu bình yên chính là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng thầm lặng của họ.