Những chiến sĩ anh nuôi giữa đại dương

07:59, 20/08/2013

Khác với những bếp ăn ở đất liền, trên những con tàu của Hải quân đưa các đoàn công tác ra với quân và dân quần đảo Trường Sa, 100% đầu bếp đều là đàn ông. Thành công của mỗi chuyến đi có đóng góp không nhỏ của những chiến sĩ anh nuôi Hải quân. Chuẩn bị cho một bữa ăn trên tàu.  

Theo anh Vũ Văn Thái, tổ trưởng tổ phục vụ tàu HQ 571, ba ngày trước khi tàu nhổ neo ra khơi, các thành viên trong tổ phục vụ đã được phân công từng công việc cụ thể, ai vào việc nấy. Họ tất tả đi đến các chợ, siêu thị để mua các loại thực phẩm như: thịt, cá, rau xanh đưa xuống các khoang lạnh trên tàu, làm sao đáp ứng đủ cho chuyến công tác dài ngày trên biển và các món ăn phải phong phú, không trùng lặp, để người ăn luôn có cảm giác ngon miệng.

 

Đưa khách xuống thăm kho dự trữ lương thực, thực phẩm của tàu, anh Thái cho biết, tất cả những sản phẩm này đều được lựa chọn cẩn thận để đảm bảo chất lượng cũng như thời hạn bảo quản. Hầm lạnh để bảo quản thực phẩm tươi sống trong tàu luôn ở nhiệt độ âm 18 độ C, còn rau củ quả là 4 độ C. Các hầm lạnh chứa lượng thực phẩm dồi dào, hệ thống, kho chứa bảo quản hiện đại và sạch sẽ. Từng ngăn để trứng, rau hay những hộp thịt đều được tổ bếp sắp xếp gọn gàng và khoa học, chính vì vậy mà các bữa ăn luôn được đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, có hoa quả tráng miệng sau bữa chính để đảm bảo sức khỏe cho đoàn công tác.

 

Với một hành trình hơn chục ngày trên biển và số lượng người vào khoảng 200, có thể thấy công việc hậu cần của anh em trên tàu vất vả như thế nào. Theo anh Vũ Văn Thái, tổ phục vụ chỉ có khoảng hơn chục thành viên, tất cả đều là thanh niên, lấy từ các đơn vị của Hải quân vùng 2. Anh em thay phiên nhau đi công tác theo các đoàn, có thể nay ở tàu này, mai ở tàu khác, mới đầu chưa quen nhau, nhưng khi vào việc, họ phối hợp nhịp nhàng như đã từng làm việc với từ lâu.

 

Theo tiêu chuẩn qui định, khi tàu hành trình trên biển, mỗi người được ăn bốn bữa trong ngày, đồng nghĩa với việc anh em hậu cần trên tàu phải đảm đương số lượng bữa ăn, bao gồm bữa sáng, trưa, chiều và một bữa ăn nhẹ vào 9h tối. Một khối lượng công việc không hề nhỏ.

 

Khi tàu rời bờ, cũng là lúc tổ phục vụ bắt đầu căng sức làm việc. Để có bữa sáng kịp thời cho đoàn công tác mỗi khi vào đảo, anh em nhà bếp phải dậy từ 3 rưỡi sáng, khi mọi người ăn xong và lên đảo thì tổ phục vụ bắt đầu cho bữa trưa, cứ thế kéo sang bữa chiều và kết thúc công việc cho bữa tối cũng vào khoảng 10 - 11 giờ đêm.

 

Tất cả mọi công việc gần như đã thành quen và thuần thục đối với họ, mỗi người đảm trách một công đoạn, phần việc, luôn chân, luôn tay, tập trung cao độ với ý thức trách nhiệm rất lớn, đó là làm sao có được một bữa ăn ngon miệng nhất cho đoàn công tác trên tàu, đảm bảo sức khỏe cho mọi người trong hành trình đến với quân và dân quần đảo Trường Sa.

 

Anh Đỗ Văn Biên, thành viên tổ phục vụ trên tàu HQ 571 tâm sự, khó khăn lớn nhất khi nấu ăn trên tàu là những lúc gặp thời tiết xấu, mưa to, gió lớn, sóng xô làm cho tàu lắc mạnh, nấu được nồi cơm chín trong những lúc như thế là một "kỳ tích". Bởi khi tàu lắc, nồi cơm sẽ nghiêng từ bên này qua bên kia, gạo chín không đều và rất khó chín, chính vì thế, để có cơm ngon, luôn luôn có người đứng trực và xoay nồi cơm theo chiều sóng xô vào thành tàu, có khi hàng tiếng đồng hồ mới xong một nồi cơm.

 

Nấu cơm là như vậy, nhưng nấu canh mà gặp biển động, sóng to thì cũng là cả một vấn đề. Những nồi canh sôi trên bếp chòng chành, thậm chí mỗi khi tàu rung lắc mạnh, nồi canh có thể đổ ập bất cứ lúc nào. Làm việc này khó nhất là lúc mưa bão, chỉ cần không cẩn thận một chút thôi là bị bỏng ngay. Lúc đó, tổ phục vụ phải cắt cử hai người, thậm chí tới ba người, để vừa nấu vừa buộc nồi lại vào thành bếp hoặc một người nấu thì có hai người giữ nồi.

 

Không chỉ vậy, việc nấu ăn trong không gian bếp chật hẹp cũng là điều khó khăn cho các đầu bếp. Tất cả đều phải có những động tác chính xác và kinh nghiệm đi biển. Do vậy, cho dù thời tiết trên biển đẹp hay xấu, những bữa cơm trên tàu đều mang lại những hương vị, cảm xúc khó quên cho những ai đã từng một lần được thưởng thức.

 

Trong những chuyến tàu ra Trường Sa, có những người lần đầu tiên phải đi dài ngày trên biển nên say sóng là điều khó tránh khỏi. Do họ không thể tự xuống nhà ăn, các anh em trong tổ phục vụ đưa cơm lên tận phòng hoặc nấu một thực đơn riêng cho những người bị say sóng để có thể giúp họ đảm bảo sức khỏe.

 

Khó khăn vất vả là vậy, nhưng anh em trong tổ phục vụ vẫn cho rằng, chẳng thấm tháp gì so với nỗi cực khổ, vất vả của các chiến sỹ nơi đảo chìm, nhà giàn, luôn luôn phải chống chọi với phong ba bão táp.

 

Trong những ngày neo đậu chờ đoàn công tác lên thăm đảo, anh em trong tổ phục vụ tranh thủ câu cá, cải thiện chất lượng bữa ăn bằng những món ăn từ cá biển tươi sống. Thức đêm câu cá, có những đêm họ câu được một số lượng lớn, đủ để phục vụ cho một bữa ăn tươi của cả tàu. 

 

Thiếu úy, ca sỹ Ngọc Đầy, Đoàn Văn công Quân khu 9, cho biết, từ khi lên tàu được ăn những bữa cơm do các anh em của tổ phục vụ trên tàu HQ 571 nấu mới thấy sự khéo tay trong chế biến các món ăn, bởi hầu như trong ngày, không có bữa nào món ăn bị lặp lại. Mọi người hầu như đều thấy hợp khẩu vị, dù trong đoàn có rất đông người đến từ nhiều vùng quê khác nhau.

 

Cảm thông với sự vất vả của tổ phục vụ, các thành viên nữ trong đoàn công tác đã tranh thủ những khi không lên đảo cùng tham gia chuẩn bị bữa ăn với các anh như: nhặt rau, rửa bát đĩa, xoong nồi, dọn dẹp vệ sinh nơi chế biến thực phẩm... Qua đây, tình quân dân càng thêm gắn bó, chân thành.

 

Chăm lo cho đoàn những bữa ăn hợp khẩu vị, những bát cơm nóng, canh ngọt, chính họ, những người đầu bếp lại là những người ăn sau cùng, khi mọi thứ đồ ăn đã nguội lạnh. Trong những buổi giao lưu, liên hoan văn nghệ với đoàn công tác, khi mà mọi người có mặt từ lúc khai mạc thì những anh nuôi còn phải làm cho xong những phần việc cuối cùng trong ngày, để rồi lúc chỉ còn vài tiết mục cuối họ mới được tham dự.

 

Vất vả là vậy, nhưng lúc nào trên môi họ cũng luôn thường trực những nụ cười. Khi được hỏi về nỗi vất vả ấy, ai cũng cho rằng đó là nhiệm vụ của mỗi người được giao và cần gắng sức để hoàn thành tốt nhất.

 

Những chuyến tàu Hải quân vẫn đưa các đoàn công tác ra với quân và dân quần đảo Trường Sa, mang theo bao nghĩa tình của đất liền đến với biển đảo. Những chuyến đi ấy có đóng góp không nhỏ của những chiến sỹ anh nuôi Hải quân, những người lính trẻ tràn đầy nhiệt huyết, cống hiến quên mình cho sự nghiệp bảo vệ biển trời của Tổ quốc./.