Những nạn nhân mang nỗi đau từ H.

10:36, 12/08/2013

Họ bị lây căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS (H) từ chính người chồng của mình. Họ đã từng suy sụp, muốn tìm đến cái chết. Thế nhưng, họ đã vượt lên định kiến xã hội, sự thiếu thốn về vật chất và tinh thần để sống, lao động. Những người tôi muốn nói đến trong bài viết này là ba phụ nữ ở xã Đắc Sơn (Phổ Yên).

Tính đến hết tháng 6/2013, toàn huyện Phổ Yên có 997 người nhiễm HIV/AIDS; số chuyển sang AIDS là 786, số tử vong lũy tích là 383 người. Trong đó có 20 trẻ em bị H (6 em đã tử vong). Số trẻ bị ảnh hưởng bởi H hiện đang quản lý là 294. Xã Hồng Tiến đứng đầu các địa phương trên địa bàn lũy tích với số người bị H là 106; xã Đắc Sơn xếp thứ 2 với số người bị H là 82, trong đó có 4 trẻ bị H; có 55/82 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, số tử vong lũy tích là 36 người. Số trẻ bị ảnh hưởng bởi H là 54 (hiện đang quản lý).

 

 

Trong ngôi nhà ba gian của chị Hoàng Thu Thảo ở  xóm R., xã Đắc Sơn, chẳng có vật dụng gì đáng giá, chỉ có chiếc giường gỗ ọp ẹp đến chiếc bàn uống nước với mấy chiếc ghế xếp xung quanh. Thấy có khách, chị Thảo gắng gượng ngồi dậy, dựa lưng vào tường thều thào: Tôi đang ở giai đoạn cuối, sắp được "đi" rồi. Tôi mong chờ ngày ấy đến thật nhanh để mình đỡ khổ.

 

 

Nhìn chị Thảo bây giờ, tôi không thể tưởng tượng được chị lại chính là cô dâu xinh đẹp có đôi mắt sắc sảo trong tấm hình cưới treo trên tường. Người phụ nữ dẫn tôi đi ghé vào tai nói nhỏ: Ngày trước cái Thảo xinh và ngoan hiền lắm. Đám cưới nó, làng trên, xóm dưới ai cũng khen ngợi vợ chồng đẹp đôi, vậy mà...

 

Chị Thảo quê ở xã Tiên Phong, lấy chồng về xã Đắc Sơn năm 2005. Một năm sau, chị sinh bé Liễu. Chồng chị, anh Đào Văn Kiên đi làm thuê nay đây mai đó nên chị chẳng rõ anh bị nghiện ma túy từ lúc nào. Năm 2009, anh phát bệnh nặng rồi qua đời chị mới biết anh bị H. Lúc đi xét nghiệm, chị không tin nổi mình và con cũng bị nhiễm H. Quá suy sụp, chị nhịn ăn, nhịn uống để mong chết cho nhanh. Nhưng vì con, chị gắng gượng sống. Còn khỏe ngày nào là chị đi làm thuê để nuôi con. Khi Liễu đến tuổi tới trường, chị chẳng dám cho con học trong xã vì sợ bị bạn bè kỳ thị. Chị cho con học ở một trường tiểu học bên T.X Sông Công, nhờ ông bà nội đưa đón. Nhìn cháu Liễu đang chơi đùa trước sân, khuôn mặt hồn nhiên, nụ cười rạng rỡ, mẹ chồng chị Thảo nước mắt lưng tròng: Nhìn con, cháu mà vợ chồng tôi mất ăn, mất ngủ. Ông nhà tôi năm nay gần 60 tuổi mà ngày ngày vẫn phải đi làm thuê để lấy tiền lo cho cháu.

 

Cũng giống như chị Thảo, chị Nguyễn Thị Hoa (ở xóm Đ.) cũng bị lây nhiễm H từ chồng. Hồi thiếu nữ, chị là cô gái nết na, lại đẹp như hoa nên là niềm mơ ước của biết bao trai làng. Khi chị tổ chức đám cưới cùng anh Nguyễn Văn Hòa, ai cũng tưởng cuộc đời của chị sẽ gặp nhiều may mắn và hạnh phúc vì anh Hòa hiền lành, chịu khó làm ăn, lại rất mực tâm lý với vợ. Nào ngờ năm 2005, khi đi bệnh viện sinh con, niềm vui chưa tày gang thì chị hay tin mình và con bị H. Từ đó chị như người câm lặng, cùng con sống tách biệt với mọi người trong căn nhà nhỏ ở cuối xóm. Chị tâm sự: Uống thuốc và được tham gia sinh hoạt trong các nhóm đồng đẳng từ năm 2007 nên tôi đã vững tâm hơn để sống nốt quãng đời còn lại. Bây giờ còn khỏe, cố gắng làm nuôi con ăn học được ngày nào hay ngày ấy. Thương nhất là cháu Nguyễn Ái Thơ sống lặng lẽ, nhút nhát, rất ít cười nói. Bây giờ cháu đang ở giai đoạn cuối rồi…

 

Còn chị Lê Thị Mây, xóm H.T, cũng ở xã Đắc Sơn biết mình lây nhiễm H từ chồng đã gần 10 năm nay. Chị may mắn hơn hai phụ nữ kể trên là 3 người con của chị không bị mắc H. Hiện chị là cộng tác viên của tổ chức OBC thế giới, hỗ trợ trẻ em mồ côi và bị ảnh hưởng của H. Mỗi tháng, tổ chức này hỗ trợ cho các trẻ em mồ côi và bị ảnh hưởng của H. 10kg gạo, 1 hộp sữa, 1,5 lít dầu ăn (hỗ trợ trong 6 tháng). Thế nhưng khi nói về gia đình, chị bật khóc như một đứa trẻ: Năm 1993, lúc ấy tôi đã có 3 đứa con (đứa lớn sinh năm 1984, đứa thứ hai sinh năm 1986 và đứa út sinh năm 1990), vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chồng tôi đã lang bạt khắp các bãi vàng trong, ngoài tỉnh mong làm giàu. Nhưng giàu đâu chả thấy chỉ thấy mang về cho vợ căn bệnh H. đáng sợ. Khi chồng mất (năm 2005), tôi cùng một chị hàng xóm cũng có chồng bị H. lên thành phố xét nghiệm. Lúc nhận kết quả, tôi âm tính với H, còn bạn dương tính, mừng cho bạn nhưng nước mắt giàn giụa và nghĩ thân phận mình khổ quá.

 

Từ sau hôm đi xét nghiệm về, chị lao vào làm việc với suy nghĩ, làm nhiều cho nhanh chết để đỡ khổ con cái. Chỉ khi được các thành viên trong nhóm đồng đẳng trên địa bàn tuyên truyền chị mới tự tin sống và chấp nhận số phận. Chị đã trở thành một tuyên truyền viên tích cực cho những người có H. vượt lên mặc cảm, rủ họ cùng tham gia sinh hoạt các nhóm đồng đẳng (Hoa Huệ, Hoa Hướng dương) và uống thuốc điều trị đều đặn hằng tháng. Việc làm của chị đã góp phần giảm thiểu lây nhiễm cho mọi người và giúp người dân ở xã cũng có cái nhìn cảm thông hơn với những nạn nhân của H như chị. Chị khoe: 2 người con trai của tôi đều đã lấy vợ, sinh cháu. Một lấy vợ tận Nghệ An, một lấy vợ trong xóm (cũng trong hoàn cảnh có cha mẹ bị H). Hàng ngày, tôi ở nhà chăm sóc và trông nom các cháu nội của mình, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều.

 

Ba người phụ nữ nêu trên chỉ là số ít trong hàng trăm phụ nữ trên địa bàn tỉnh  đang bị căn bệnh H cướp đi tuổi xuân và hạnh phúc tươi đẹp. Đáng lẽ họ đã có cuộc sống tốt đẹp, vẹn tròn nếu người chồng không dính vào ma túy, tệ nạn xã hội. Họ rất cần cộng đồng xã hội có cảm thông và sẻ chia để nỗi đau mang trong mình căn bệnh H. sẽ phần nào giảm nhẹ. Và những đứa trẻ bị H. cũng cần được cộng đồng chăm sóc, tạo điều kiện nhiều hơn để phát triển như bao đứa trẻ bình thường.

           

* Các nhân vật trong bài viết đã được đổi tên.