Phổ Yên: Khẩn cấp phòng, chống bệnh dại

08:57, 09/08/2013

Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2013, trên địa bàn các xã: Thành Công, Minh Đức, Nam Tiến, Vạn Phái, Đắc Sơn của huyện Phổ Yên xuất hiện tình trạng chó lạ cắn người và động vật. Tính đến ngày 6/8, toàn huyện có 26 người bị chó lạ cắn. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của đàn chó lạ dương tính với vi-rút dại đã gây hoang mang trong dân. Huyện Phổ Yên đã và đang khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm khống chế, không để bệnh dại lây lan ra diện rộng.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của đàn chó lạ bị nhiễm bệnh dại (ngày 1/8), UBND huyện Phổ Yên đã triển khai khẩn cấp đồng bộ các biện pháp phòng, chống, bệnh dại. Huyện chỉ đạo các địa phương có người bị chó lạ cắn tổ chức tiêm bổ sung vắcxin phòng bệnh dại cho đàn chó, đảm bảo đạt 100%; tiến hành phun hóa chất khử trùng tiêu độc ở các thôn, xóm, đặc biệt là ở những khu vực tập trung đông người như: chợ, trường học, UBND xã; vận động những người đã bị chó dại và nghi dại cắn đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Bà Đào Thị Tường Vi, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Phổ Yên cho biết: Đến nay, số người bị chó dại cắn đều đã đi tiêm phòng, hiện sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường. Để bệnh dại không lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân, chúng tôi đã thống kê, rà soát các hộ có nuôi chó nhưng chưa được tiêm phòng hoặc hết hiệu lực miễn dịch cho đàn chó để tiêm bổ sung triệt để; phối hợp với các địa phương kiên quyết tiêu hủy chó không tiêm phòng và xử lý vi phạm hành chính đối với chủ nuôi chó không thực hiện nhốt, xích chó và không tiêm phòng bắt buộc; yêu cầu chủ nuôi ký cam kết không mua bán, vận chuyển, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo. Đồng thời, Trạm đã cấp 3 nghìn liều vắc xin dại, 85 lít hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng đàn chó cho các xã. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình bệnh dại, hướng dẫn cơ sở các biện pháp phòng, chống hiệu quả. Trạm cũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế dự phòng huyện tổ chức 4 lớp tập huấn, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, những triệu trứng lâm sàng của bệnh dại trên động vật và ở người;, các biện pháp phòng, chống và cách xử lý vết thương khi bị chó cắn... với gần 300 lượt người tham gia.

 

 

Ngày 7/8, chúng tôi đến xã Nam Tiến, một trong những địa phương có ổ bệnh dại, hầu hết đàn chó của người dân đã được xích, nhốt. Đồng chí Dương Đình Tân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đợt 1 năm 2013, xã đã tiêm được 1.200 liều vắc xin dại, đạt 85% tổng đàn. Hiện nay, chúng tôi đang khẩn cấp triển khai tiêm vắc xin phòng, chống bệnh dại cho đàn chó ở 3 xóm: Lò, Núi và xóm Trại. Chúng tôi đã cử cán bộ thú y đến từng nhà dân để tiêm. Chính quyền địa phương cũng vận động các hộ nuôi chó, mèo ký cam kết thực hiện "5 không": Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó mèo chưa tiêm phòng bệnh dại; không nuôi chó thả rông; không để chó cắn người và không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.

 

Bà Nguyễn Thị Mỹ, một hộ dân ở xóm Trại nói: Nhà tôi nuôi 5 con chó. Nghe thông tin về tình hình bệnh dại, tôi đã xích đàn chó lại không cho chúng chạy ra ngoài đường nữa. Tôi cũng như các hộ chăn nuôi trong xóm đều ý thức được bệnh dại rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người nên năm nào chúng tôi cũng tiêm phòng cho đàn chó đầy đủ. Còn chị Phạm Thị Là, thú y viên của xóm Trại, người trực tiếp đi tiêm phòng cho đàn chó thì cho biết: Khi đi tiêm phòng, chúng tôi luôn chú ý các khâu bảo quản, vận chuyển vắcxin đúng kỹ thuật như: vắc xin cần được giữ lạnh trong phích đá, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào; sau khi mở nắp lọ chỉ tiêm trong vòng 1 ngày, nếu thừa phải hủy, không được dùng cho ngày hôm sau và khi tiêm phải đúng đường tiêm, đủ độ sâu... vắc xin có được đảm bảo chất lượng và đàn chó được tiêm đủ liều lượng thì công tác phòng, chống dịch bệnh mới có hiệu quả.

 

Không chỉ xã Nam Tiến mà các địa phương khác trong huyện cũng đang tập trung cho công tác phòng, chống bệnh dại. Đồng chí Trần Văn Toan, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cao cho biết: Sau khi có thông báo về tình hình bệnh dại trên địa bàn, chúng tôi đã thông báo trên loa truyền thanh để bà con biết và có ý thức phòng, chống. Hiện nay, trên địa bàn xã chưa có hiện tượng chó có dấu hiệu của bệnh dại nhưng chúng tôi khuyến cáo người dân không được chủ quan, khi phát hiện chó, mèo có dấu hiệu nghi mắc bệnh dại phải đập chết tiêu hủy ngay; đồng thời, báo cho cơ quan thú y, cơ quan y tế để thực hiện các biện pháp phòng bệnh dại.

 

Với những biện pháp khẩn trương, quyết liệt, bệnh dại trên địa bàn huyện Phổ Yên đến thời điểm này chưa phát sinh thêm những ổ bệnh mới. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát căn bệnh nguy hiểm này trong thời gian tới là rất cao, vì vậy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng của huyện và bà con cần chủ động và tích cực hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống, không để bệnh dại lây lan trên diện rộng.