Rất cần tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ

08:10, 04/08/2013

Sau sự cố ba trẻ sơ sinh chết sau tiêm vắc-xin viêm gan B (VGB) tại Bệnh viện Ða khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) một số ý kiến đặt ra vấn đề có nhất thiết nên tiêm vắc-xin này cho trẻ ngay sau sinh hay không.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam đều chỉ rõ việc tiêm vắc-xin VGB cần được thực hiện càng sớm càng tốt và hiệu quả nhất là trong vòng 24 giờ sau sinh.

 

Viêm gan B là một bệnh phổ biến và là vấn đề quan trọng của y tế công cộng. Ước tính khoảng 30% số dân thế giới (1,8 tỷ người) có dấu ấn của nhiễm vi-rút VGB. Trong số này khoảng 350 triệu người có biểu hiện nhiễm vi-rút mãn tính và ít nhất một triệu người chết vì VGB hằng năm. Khoảng 90% số người nhiễm vi-rút VGB mãn tính do nhiễm vi-rút VGB từ khi còn nhỏ, chỉ có 10% trong số trẻ bị nhiễm có biểu hiện lâm sàng. Các tài liệu chính thống từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và các nghiên cứu của nhiều tác giả đều có chung kết luận về hậu quả nặng nề của nhiễm vi-rút trong những năm đầu đời nhất là nhiễm vi-rút từ mẹ sang con tại lúc sinh. Nếu nhiễm vi-rút VGB ở giai đoạn dưới một tuổi nhất là tại lúc sinh, có tới 90% số trẻ có khả năng sau này sẽ trở thành người mang vi-rút VGB mãn tính và trong số này có tới 25% sẽ chết vì những bệnh gan mãn tính như viêm gan mạn, xơ gan, suy gan và ung thư gan.

 

Khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam có tỷ lệ mang vi-rút mạn tính khá cao, khoảng hơn 8% trước khi có tiêm chủng. Tại các nước trong khu vực, có tới 50% số trẻ em có thể bị nhiễm trong năm năm đầu tiên của cuộc đời nếu chúng không được tiêm chủng. Ðiều này đặc biệt quan trọng vì nhiễm vi-rút VGB càng sớm thì tỷ lệ mang vi-rút viêm gan B mạn tính càng cao. Trẻ em bị nhiễm sẽ tiếp tục duy trì ổ chứa gây nhiễm đối với lan truyền cho trẻ khác và sẽ có nguy cơ đối với bệnh gan mạn và tử vong liên quan đến bệnh gan ở người lớn. Do đó, viêm gan B là một ưu tiên y tế công cộng quan trọng của khu vực. Qua một số nghiên cứu thực tế và ước tính của WHO, ở những vùng có tỷ lệ nhiễm vi-rút VGB khoảng 8% trong quần thể thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con tại lúc sinh ước tính là 5%. Mỗi năm trung bình cả nước có 1,6 triệu trẻ mới được sinh ra, với tỷ lệ lây mẹ sang con là 5% thì sau này sẽ có 25% số trẻ chết vì các bệnh liên quan VGB, nếu không có chương trình tiêm vắc-xin VGB bao gồm cả tiêm vắc-xin VGB liều sơ sinh. Ước tính hằng năm sẽ có 80 nghìn trẻ bị lây nhiễm vi-rút VGB từ mẹ sang con và sau này hằng năm sẽ có khoảng 20 nghìn người sẽ chết vì các bệnh liên quan tới VGB.

 

Cho đến nay, ngoài việc tiêm vắc-xin VGB sơ sinh (càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 24 giờ), không có biện pháp nào hữu hiệu khác được WHO khuyến cáo trong việc phòng lây truyền từ mẹ sang con. Theo cuộc Ðiều tra quốc gia về tỷ lệ nhiễm vi-rút VGB được tiến hành tại Việt Nam vào năm 2010-2011, nhóm trẻ được tiêm vắc-xin VGB liều sơ sinh sớm có tỷ lệ nhiễm vi-rút VGB thấp hơn nhóm tiêm muộn. Theo PGS, TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh, việc tiêm vắc-xin VGB cho trẻ trong 24 giờ nhằm mục đích phòng, chống lây truyền vi-rút VGB từ mẹ sang con. Ðây là chiến lược của WHO, và là chỉ đạo của Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia  phòng, chống bệnh VGB. Thống kê của WHO năm 2006, trong 193 quốc gia có 163 nước triển khai tiêm vắc-xin VGB trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng,  trong đó 81 quốc gia thực hiện tiêm cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh, kể cả các nước đã phát triển. Việc tiêm vắc-xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được từ 80 đến 90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày và không đạt được nếu tiêm sau bảy ngày.

 

Khác với vắc-xin phòng lao, bại liệt và vắc-xin VGB mũi 2, 3, 4 là để phòng phơi nhiễm trong tương lai; tiêm vắc-xin VGB mũi một, càng sớm càng tốt nhằm mục đích bảo vệ trẻ sơ sinh đã phơi nhiễm với vi-rút ngay khi sinh, đây là một cuộc đua giữa sự nhân lên của vi-rút và vắc-xin tạo ra kháng thể kịp thời bắt lấy vi-rút đang có trong cơ thể, do đó nhiều nước đã tiêm ngay trong vòng 12 giờ sau sinh. Cơ chế này giống như tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, là tiêm ngay khi nghi bị chó, mèo dại cắn. Nhưng có lẽ bệnh dại có thể thấy nguy cơ tử vong ngay, còn VGB ở sơ sinh có đến 90% không có biểu hiện lâm sàng, sau hàng chục năm mới có biểu hiện xơ gan, ung thư gan và tử vong. Việc tiêm phòng vắc-xin VGB trong 24 giờ sau sinh là cần thiết. Việt Nam bắt đầu thực hiện lịch tiêm có liều sơ sinh từ năm 2002 và đến năm  2012 tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm đã đạt hơn 75%. Việt Nam là nước có tỷ lệ lưu hành ở mức cao, do đó việc tiêm vắc-xin viêm gan B ngay trong vòng 24 giờ không chỉ phòng lây truyền từ mẹ sang con, mà còn lây ngang từ môi trường chung quanh, người thân, người chăm sóc.

 

Vắc-xin VGB là một trong những vắc-xin an toàn, các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra như sưng, đau tại chỗ tiêm 1 - 3%; sốt 0,4 - 8% hoặc mệt mỏi, kích thích 8 - 18%. Ngày đầu tiên sau khi sinh là thời điểm nguy cơ cao đối với tử vong sơ sinh và điều đó dễ dẫn đến dễ đổ lỗi do tiêm chủng. Bất kỳ thuốc, vắc-xin hoặc sinh phẩm nào cũng đều có thể có một tỷ lệ rất hiếm các phản ứng bất lợi. Tuy nhiên, những trường hợp phản ứng nặng như sốc phản vệ là rất hiếm gặp, với tỷ lệ một ca với 1,1 triệu liều tiêm.

 

Các biến chứng và tai nạn trong tiêm chủng phải được coi là cái giá mà chúng ta phải trả để bảo vệ chống lại những tác nhân gây bệnh nguy hiểm chúng ta quan tâm. Không có sự bảo hiểm nào mà không đòi hỏi phí bảo hiểm. Công việc của chúng ta là cung cấp sự bảo hiểm lớn hơn, toàn diện hơn và giảm bớt quy mô của phí bảo hiểm. Ðể tiến tới loại trừ bệnh VGB tại Việt Nam, với đường lây truyền chủ yếu từ mẹ sang con, cần phải tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin VGB trong vòng 24 giờ. Vì vậy mỗi cán bộ y tế từ sản xuất, vận chuyển, bảo quản, kiểm định, tiêm phòng, theo dõi và xử lý các trường hợp tai biến sau tiêm chủng cần nhận thức và nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế, coi mỗi mũi tiêm không chỉ bảo vệ cho một trẻ mà còn tác động đến sức khỏe tương lai của đất nước. Và chính các bậc phụ huynh, các bậc cha mẹ cần phối hợp với ngành y tế để tiêm phòng, theo dõi, xử lý kịp thời theo các quy định.

 

Với khoảng mười triệu người đang mang vi-rút VGB hiện nay, có lẽ điều mong ước lớn nhất là được tiêm phòng vắc-xin lúc còn trẻ, để không chỉ bảo vệ cho mình, cho người thân chung quanh mà còn cho cả cộng đồng.