Trạm y tế xã đạt nhưng khó giữ chuẩn

16:05, 17/08/2013

Huyện Đồng Hỷ hiện có 18 trạm y tế xã, thị trấn, 100% số trạm đã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Thế nhưng, việc giữ chuẩn đang là vấn đề khó thực hiện đối với một số trạm.

Nhiều trạm y tế xuống cấp, thiếu trang thiết bị

 

Chúng tôi có mặt tại xã Hòa Bình để khảo sát về những khó khăn trong việc duy trì trạm y tế đạt chuẩn. Đây là một trong những trạm nằm trong diện “báo động đỏ” về sự xuống cấp của cơ sở vật chất và thiếu nguồn nhân lực. Trao đổi với chúng tôi, chị Nông Thị Bích Thiệp, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hòa Bình cho biết: Trạm xây dựng từ năm 2001, đến năm 2006 được công nhận là Trạm Y tế đạt chuẩn Quốc gia. Thế nhưng, hiện nay cơ sở vật chất đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu làm việc, khám chữa bệnh cho người dân. Nhà trạm và các thiết bị y tế phần lớn đều đã sử dụng lâu, lại không được thường xuyên được sửa chữa, bảo dưỡng nên bị cũ, hỏng nhiều. Những thiết bị tối thiểu đối với một trạm y tế xã cần phải có như: Máy siêu âm, bình ô xy, bàn khám phụ khoa, kính hiển vi… thì đến nay chúng tôi vẫn chưa được trang bị. Trạm đang thiếu một cán bộ chuyên trách công tác dân số. 

 

Trạm Y tế xã Hòa Bình có 3 dãy nhà cấp 4 với 7 phòng chức năng thì phần lớn những gian nhà này đều bị nứt và dột. Khu vực phòng khám bệnh bị ngấm nước mưa khiến rêu phủ xanh cả mảng tường lớn. Phòng điều trị chỉ kê mấy chiếc giường sắt, không có quạt và tủ đựng đồ. Về thiết bị y tế, Trạm có đến 3 máy sấy dụng cụ y tế nhưng chỉ còn 1 chiếc máy sấy mini là hoạt động được. Ngoài ra, Trạm còn thiếu một số công trình phụ trợ như: Bếp ăn, nhà để xe, nhà kho… Chị Cao Thị Huyền, cán bộ điều dưỡng ở Trạm Y tế xã Hòa Bình cho biết: Thời gian gần đây, hầu như không có bệnh nhân nào nằm điều trị tại Trạm vì cơ sở vật chất xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Những trường hợp nhẹ, bệnh nhân xin điều trị ngoại trú, còn trường hợp nặng thì xin chuyển tuyến.

 

Tương tự như Trạm Y tế xã Hòa Bình, Trạm Y tế xã Linh Sơn cũng đang rơi vào tình cảnh có nguy cơ mất chuẩn bởi thiếu phòng chức năng, thiếu vườn cây thuốc nam, các dãy nhà Trạm xuống cấp nghiêm trọng. Ông Đỗ Xuân Tỉnh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Linh sơn chia sẻ: Năm 2004, trạm đã đạt chuẩn Quốc gia nhưng thời điểm đó, chúng tôi vẫn còn “nợ” một số phòng chức năng như: Phòng Sản, Đông y, Truyền thông... Đến giờ, Trạm vẫn chưa xây dựng thêm được phòng nào. Trung bình mỗi năm, chúng tôi khám, chữa bệnh cho trên 7.000 lượt người nhưng diện tích các phòng chức năng quá bé, chưa đầy 10m2 nên các hoạt động của Trạm diễn ra rất khó khăn. Đặc biệt vào các ngày tiêm chủng hay tổ chức chiến dịch truyền thông là bà con không có phòng ngồi chờ, phải tập trung tại sân của Trạm. Về các thiết bị y tế, tuy đã được đầu tư gần như đầy đủ nhưng cán bộ Trạm lại chưa được tập huấn cách sử dụng một số loại máy móc nên không phát huy được hiệu quả.

 

Ngoài hai trạm y tế trên, một số trạm y tế ở các địa phương khác dù đã được công nhận chuẩn Quốc gia nhưng lại chưa thực sự đạt chuẩn. Đặc biệt là đối với các xã còn nhiều khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa bởi những xã này chỉ cần đạt được 80/100 điểm đã được coi là đạt chuẩn. Chính sự “ưu tiên” trong quy định về số điểm nên các địa phương này ít quan tâm đến việc tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng để đạt tới điểm tối đa; tình trạng các hộ dân sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, không xây dựng được phong trào vệ sinh phòng bệnh… vẫn còn diễn ra.

 

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện, trong số 18 trạm y tế xã, thị trấn của huyện hiện có 9 trạm đã bị xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng cần phải cải tạo, xây dựng lại; 12 trạm thiếu lò đốt rác thải y tế, 15 trạm thiếu máy móc, trang thiết bị tối thiểu theo quy định; 17/20 bác sĩ chưa được đào tạo sử dụng các loại máy siêu âm, máy điện tim, máy xét nghiệm…

 

Giải pháp để giữ chuẩn?

 

Trong khi việc duy trì đạt chuẩn giai đoạn 1 (từ năm 2001-2010) ở nhiều xã còn gặp khó khăn thì theo Bộ Tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 lại có nhiều tiêu chí cần và đủ cao hơn so với thực tế ở nhiều địa phương. Cụ thể như mỗi trạm y tế đạt chuẩn phải có ít nhất 10 phòng chức năng; khối nhà chính phải được xây dựng từ cấp 4 trở lên, nếu xuống cấp thì không đạt tiêu chí; các trạm phải có ít nhất 50% trang thiết bị theo danh mục đã ban hành, trong đó 2 trong 3 loại thiết bị là máy siêu âm, máy điện tim và máy đo đường huyết buộc phải có… Nếu tính theo Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020 thì trên địa bàn huyện mới xây dựng được 1 đơn vị đạt chuẩn là Trạm Y tế xã Khe Mo. 

 

Ông Hồ Sĩ Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ cho biết: Để duy trì trạm y tế đạt chuẩn theo Bộ Tiêu chí cũ và xây dựng trạm y tế đạt chuẩn theo Bộ Tiêu chí mới. Hiện nay, huyện Đồng Hỷ đã có Đề án về xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020 với kinh phí thực hiện đề án dự kiến là gần 15 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện Đề án được chia làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 từ năm 2013-2015, huyện sẽ tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án; xây dựng cơ chế chính sách; sắp xếp nhân lực, tăng cường đào tạo bác sĩ đa khoa cho tuyến xã; cơ bản hoàn thiện cơ sở vật chất, xây mới các trạm y tế bị hư hỏng và duy tu, bảo dưỡng các trạm đã xuống cấp; trang bị máy siêu âm cho 50% số trạm y tế xã; bước đầu hỗ trợ nhân viên y tế của các tổ dân phố và hỗ trợ chi thường xuyên cho các trạm y tế thị trấn bằng mức chi của trạm y tế xã. Trong giai đoạn 2 từ năm 2016-2020, huyện sẽ tuyển dụng đủ biên chế, tiếp tục đào tạo cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ quản lý; sửa chữa, nâng cấp, đầu tư xây dựng các trạm y tế còn lại; trang bị đủ máy móc, thiết bị y tế theo quy định cho 100% trạm y tế xã.

 

Với nội dung và lộ trình như trên, Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ có vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án sẽ làm nhiệm vụ phối hợp với Phòng Y tế để tham mưu cho UBND huyện trong việc xây dựng, tổ chức và triển khai thực hiện kế hoạch chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Đồng thời đề xuất các giải pháp và điều phối các hoạt động thực hiện chuẩn Quốc gia về y tế xã. Chủ động phối hợp với các thành viên của Ban Chỉ đạo thường xuyên giám sát, hỗ trợ, đôn đốc tiến độ thực hiện tại các xã và tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để duy trì đạt chuẩn. Trực tiếp chỉ đạo 18/18 xã, thị trấn thực hiện tốt các tiêu chí trong Bộ Tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020.

 

Bên cạnh việc thực hiện đề án, thời gian tới Trung tâm Y tế huyện sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng với từng tiêu chí ở mỗi Trạm y tế, từ đó tiếp tục duy trì, phát triển các tiêu chí đã đạt chuẩn. Đối với các tiêu chí chưa đạt hoặc giảm chuẩn thì sẽ tìm phương án khắc phục, sửa chữa kịp thời.