Xây dựng nhà văn hóa ở Thuần Pháp

09:46, 12/08/2013

Ông Dương Quang Xuân, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Bình cho biết: Thuần Pháp hiện là xóm có nhà văn hóa và có diện tích sân rộng nhất so với các nhà văn hóa cấp thôn, xóm trong huyện. Đây cũng là nhà văn hóa và khu thể thao xóm đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch và đạt tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Từ 3 tháng gần đây, người dân xóm Thuần Pháp, xã Điềm Thuỵ (Phú Bình) đã có nhà văn hoá mới làm nơi sinh hoạt chung. Các cuộc họp chi bộ, họp xóm cũng như mọi sinh hoạt khác của đoàn thể nhân dân đều được tổ chức ở khu nhà văn hoá mới này.

 

 

Trước đây, xóm cũng có nhà văn hoá, đó là 1 ngôi nhà cổ 5 gian, lợp ngói mũi, rộng 40m2. Sau đó, nhân dân trong xóm đã nhường lại ngôi nhà này cho Trường Mầm non của xã để làm lớp học cho trẻ nhỏ.

 

Ông Dương Quang Điều, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm cho biết: Sau khi hiến tặng nhà văn hóa cho trường học, bà con đã chọn khu vực đình Thuần Pháp làm địa điểm xây dựng nhà văn hóa. Ngoài diện tích đất rộng 5.700m2,  nhân dân trong xóm tự nguyện đóng góp mua thêm gần 500m2 đất của 2 gia đình có 2 thửa đất liền thổ với đất đình để xây dựng nhà văn hoá, tạo thành một khu vực rộng rãi làm nơi sinh hoạt, vui chơi, giải trí chung cho nhân dân trong xóm, xã.

 

Trong vòng 60 ngày (từ đầu tháng 3 đến hết tháng 4), bà con trong xóm đã xây dựng hoàn thiện nhà văn hóa cùng các hạng mục liên quan. Ngôi nhà rộng 200m2, lợp mái tôn, nền lát gạch đỏ. Trước nhà là sân bê tông rộng gần 300m2. Tổng trị giá công trình lên tới hơn 355 triệu đồng. 100% tiền xây dựng do nhân dân đóng góp, và con em xa quê cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tài trợ.

 

Nhớ lại những ngày thi công, cụ Dương Đức Đàm, ngoài 70 tuổi, thành viên ban kiến thiết của xóm luôn có mặt để đôn đốc thợ làm đúng tiến độ. Các cụ: Cao Thị Tý, 82 tuổi; Dương Văn Liên, 79 tuổi cũng thường tranh thủ đến động viên mọi người làm việc khẩn trương, bảo đảm chất lượng.

 

Trưởng xóm, ông Dương Văn Tôn cho biết thêm: Thuần Pháp có 273 hộ, 1.020 nhân khẩu, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Tuy cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình chưa hết khó khăn, nhưng do ở xóm triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ, mọi việc đều được đưa ra bàn bạc trước dân, như việc mua đất, xây dựng nhà văn hoá, nhân dân được biểu quyết, thống nhất mức đóng góp mỗi hộ 500.000 đồng.

 

Chi bộ vận động các đảng viên, gia đình đảng viên gương mẫu đi đầu trong đóng góp. Điển hình như các gia đình đảng viên Dương Văn Tôn, Phạm Văn Số, đóng góp 1 triệu đồng/hộ; 28 gia đình đảng viên còn lại đều tham gia đóng góp ở mức từ 600.000 đồng/hộ trở lên.

 

Trong gần 50 ngày, Ban Xây dựng của xóm đã hoàn thành việc thu tiền đóng góp xây dựng nhà văn hoá. Trong xóm có 24 hộ nghèo, thì cả 24 hộ đều tham gia đóng góp đầy đủ. Trong danh sách thu tiền của Ban Xây dựng xóm, bà Dương Thị Thé, gần 70 tuổi là người thứ 3 tham gia nộp tiền. Bà Thé là hộ nghèo, 1 thân nuôi con gái ngoài 40 tuổi bị ngớ ngẩn từ nhỏ. Bà Thé bảo: Tôi nghèo, song việc xây dựng nhà văn hóa của xóm thì đó là việc nên làm. Tôi cũng như mọi người cùng tự nguyện đóng góp tiền xây dựng.

 

Thông qua công tác dân vận, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn cũng tham gia đóng góp, như Công ty Kim loại màu Việt Bắc ủng hộ 110 triệu đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện ủng hộ 10 triệu đồng. Con em của xóm đi làm ăn ở xa cũng gửi tiền về để đóng góp xây dựng, trong đó có ông Dương Hoàng Toán, từ Hà Nội gửi tặng 5 triệu đồng; ông Dương Thuỷ Bình từ T.P Thái Nguyên gửi 2 triệu đồng; ông Dương Văn Cừ, Công an huyện Phú Bình gửi 2 triệu đồng. Đặc biệt, ông Dương Duy Khánh đi làm ăn ở T.P Thái Nguyên, khi về thăm nhà thấy bà con phấn chấn đóng góp xây dựng nhà văn hóa, cũng đã bỏ tiền mua 3 tấm bia đá lớn, thuê thợ khắc tên từng người, kèm theo số tiền tham gia đóng góp. 3 tấm bia được gắn lên tường, phía ngoài cửa ra vào để bà con cùng biết.

 

Hằng ngày, từ sáng sớm, các cụ trong Câu lạc bộ dưỡng sinh đã thẳng hàng lối, uyển chuyển với từng đường kiếm, đường quyền rèn luyện thân thể. Vào chiều thứ Bẩy hằng tuần, 32 hội viên trong Câu lạc bộ thơ ca tụ họp, để hát cho nhau nghe, đọc thơ cho nhau bình. Nhà văn hoá xóm Thuần Pháp vì thế trở thành địa chỉ để người dân trong xóm đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm xoá đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hoá.