“Chóng yêu, cưới gấp, sớm… ra tòa” là những câu chuyện buồn xảy ra ở nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay. Ở huyện Phú Bình, tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng. Thậm chí, có cặp vợ chồng mới vừa tổ chức cưới, chữ ký trong giấy đăng ký kết hôn còn chưa ráo mực đã đường ai nấy đi. Mái ấm gia đình bỗng chốc chỉ còn vẳng “tiếng ru buồn”.
Những chuyện bi hài
Cuối năm 2012, chị D.T.H (sinh năm 1992, xã Tân Đức) và anh V.Đ.H (sinh năm 1987, xã Thanh Ninh) đã quyết định kết hôn sau một thời gian tìm hiểu ngắn ngủi. Chưa đầy 10 ngày sau đám cưới, chị H bỏ nhà chồng về ở với bố mẹ đẻ, rồi vào miền Nam làm ăn. Trước sự việc đó, anh H. đã gửi đơn ly hôn đề nghị Tòa án nhân dân (TAND) huyện Phú Bình giải quyết nhưng không được vì chị H vắng mặt và cũng không liên lạc được. Đến tháng 5-2013, chị H. trở về địa phương xin ly hôn với lý do không còn tình yêu với chồng và đã… có thai với người khác.
Đối với chị H.T.L (sinh năm 1993, xã Lương Sơn, T.P Thái Nguyên), hạnh phúc còn ngắn ngủi hơn chị H. Năm 2012, chị L. đăng ký kết hôn với anh D.V.C (sinh năm 1989, xã Điềm Thụy, Phú Bình) nhưng chưa hề có một ngày làm vợ, làm dâu, thì đã tan vỡ. Chuyện là trước ngày đón dâu, gia đình nhà trai sang nhà gái để làm một số thủ tục. Trong lúc giao lưu uống rượu, thanh niên giữa hai bên gia đình đã xảy ra xô xát, đánh chém nhau gây thương tích khiến 3 người họ nhà gái phải đi bệnh viện cấp cứu. Trong số đó, chú rể cũng trực tiếp “tham chiến”. Anh C. và một số thanh niên đã bị công an khởi tố bắt tạm giam. Hạnh phúc của chị L. đổ vỡ ngay trong ngày vu quy. Chị L. đã viết đơn xin ly hôn ngay sau đó.
Lại có những cặp vợ chồng từng chung sống hạnh phúc nhưng khi có con, gánh nặng gia đình bị nhân lên dẫn đến mâu thuẫn rồi chia tay. Vợ chồng chị D.T.L. (sinh năm 1992) anh L.V.Đ. (sinh năm 1987) cùng ở xã Nhã Lộng là một ví dụ. Hai người cưới nhau năm 2010, sống khá yên ổn, nhưng khi chị L sinh con (năm 2011), anh Đ. Lại tỏ ra không hề quan tâm, chăm sóc vợ con. Quá chán nản, chị L. bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Hai người sống ly thân cho đến khi ra tòa ly hôn (năm 2012).
Trên đây chỉ là một số minh chứng cho một thực trạng đáng báo động về việc ly hôn trong các cặp vợ chồng trẻ ở Phú Bình trong những năm gần đây. Theo thống kê của TAND huyện Phú Bình, từ năm 2010 trở lại đây, tình trạng ly hôn ở địa phương diễn ra ngày càng tăng. Trong đó, các cặp vợ chồng dưới 30 tuổi chiếm tỷ lệ từ 60 đến 70%. Cụ thể, năm 2010, Tòa ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn cho 87 vụ thì có đến 51 vụ là vợ chồng dưới 30 tuổi. Con số này của năm 2011 tăng lên là 75 vụ trên tổng số 151 vụ. Từ năm 2012 đến nay, Tòa thụ lý trên 300 vụ ly hôn thì độ tuổi dưới 30 chiếm gần 2/3.
Đâu là nguyên nhân
Cũng theo TAND huyện Phú Bình, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các cặp vợ chồng ly hôn là do mâu thuẫn gia đình. Từ năm 2010 đến nay, trong tổng số trên 450 vụ ly hôn, nguyên nhân này chiếm trên 70%. Còn lại là do các nguyên nhân khác như: ngoại tình, chồng nghiện ma túy hay mắc tệ nạn xã hội…
Ông Đồng Huy Hưởng, Chánh án TAND huyện Phú Bình cho biết: Mâu thuẫn gia đình của các trường hợp ly hôn thì “mỗi nhà mỗi cảnh”. Nhưng, chủ yếu là do mâu thuẫn về kinh tế và lối sống. Nhiều cặp vợ chồng sau khi cưới nhau không có việc làm ổn định, cuộc sống bấp bênh dẫn đến bực tức, cãi vã nhau. Cũng có nhiều người do mải đi làm ăn xa, không có điều kiện quan tâm, chăm sóc gia đình, con cái dẫn đến mâu thuẫn. Khi bất đồng, mỗi người lại không nhường nhịn, tôn trọng nhau khiến “vết nứt” ngày càng trầm trọng. Nhiều thanh niên chưa nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình, quen lối sống buông thả, chỉ biết thỏa mãn sự ích kỷ cá nhân… Nhìn chung, phần lớn là do các bạn trẻ chưa chuẩn bị về mặt tinh thần, kỹ năng cho việc lập gia đình, thích thì cưới, không thích thì chia tay.
Cũng theo ông Hưởng và nhiều thẩm phán, cán bộ của TAND huyện Phú Bình, mỗi khi xét xử hay giải quyết ly hôn, người chịu hậu quả lớn nhất vẫn là những cháu nhỏ. Chúng chẳng có tội tình gì nhưng phải chịu thiệt thòi về tình thương, chăm sóc của cha hoặc mẹ. Có cặp vợ chồng tranh nhau quyền nuôi con, trong khi con khóc đòi cả cha lẫn mẹ. Có trường hợp không thể sống tiếp với nhau đã đành còn muốn rũ bỏ trách nhiệm làm cha, làm mẹ với chính đứa con mình đứt ruột sinh ra.
Trường hợp ly hôn giữa chị P.T.T. (sinh năm 1991) và anh N.T (sinh năm 1988, cùng trú tại xã Tân Thành) ngày 19-6 vừa qua khiến nhiều người không khỏi chua xót. Cặp vợ chồng này có một đứa con sinh năm 2010 nhưng khi quyết định đường ai nấy đi thì hai bên lại đưa ra mọi lý do để từ chối việc nuôi con.
Làm sao để có những “tế bào” khỏe mạnh
Chúng ta vẫn thường nói, gia đình là tế bào của xã hội. Do đó, sự đổ vỡ của mỗi gia đình tất yếu gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Sau những cuộc hôn nhân không thành, những người đã từng “một lần đò” chắc không dễ tìm được hạnh phúc mới. Thậm chí có người còn sống khép mình, nghi ngờ, thiếu niềm tin, ảnh hưởng đến tâm sinh lý… Nhưng, tội hơn cả là những đứa trẻ phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ, thậm chí cả cha lẫn mẹ. Chúng rất dễ trở thành nạn nhân của nạn mua bán người hoặc sa vào các tệ nạn xã hội...
Thiết nghĩ, để tránh thực trạng đáng buồn trên, các bạn trẻ nên tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình trước khi kết hôn. Các cặp vợ chồng nên hiểu rõ vai trò, vị trí của mình trong việc xây dựng tổ ấm, biết yêu thương, tôn trọng và sẻ chia lẫn nhau. Điều đó chỉ được tích lũy khi hai bên có đủ thời gian tìm hiểu nhau, thật sự yêu thương lẫn nhau. Cùng với đó, sự gương mẫu của thế hệ đi trước luôn là tiền đề, nền tảng quan trọng cho các thế hệ sau noi gương. Ngoài ra, các cấp, ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của người Việt trong cuộc sống gia đình. Hơn nữa, việc thành lập Trung tâm hoặc mở các lớp tư vấn tiền hôn nhân và hỗ trợ gia đình ở cấp huyện và cấp xã sẽ là địa chỉ, chỗ dựa tin cậy, thiết thực cho các bạn trẻ trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân hoặc hóa giải những mâu thuẫn trong gia đình.