Bất cập trong quản lý quỹ bảo hiểm thất nghiệp

07:45, 10/09/2013

BHTN là một trong những chính sách an sinh xã hội, hướng đến bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc làm thiếu ổn định. Kể từ năm 2009, chính sách này bắt đầu được thực hiện, bước đầu đã phát huy tốt hiệu quả và thu hút ngày càng đông người lao động tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ nhiều bất cập.

Qua thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, năm 2011 số người tham gia BHTN là 85.297 người, năm 2012 là 86.410 người và 8 tháng đầu năm 2013 đã tăng lên làgần 87 nghìn người. Cùng với số người tham gia BHTN tăng, số người hưởng BHTN cũng tăng từ 1.097 người năm 2011 lên 2.649 người năm 2012  và 8 tháng đầu năm 2013 đã có trên 2.000 người với tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng. Ưu điểm là vậy, song quá trình thực hiện đã bộc lộ không ít những bất cập trong khâu quản lý, mà nguyên nhân bắt đầu từ các thông tư, hướng dẫn thực hiện chính sách.


Ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại TNG cho biết: Năm 2012, bình quân mỗi tháng số công nhân của đơn vị giảm 200 người, năm 2013 giảm mỗi tháng gần 100 người, trong khi thời gian này Công ty chưa khi nào thiếu việc làm, vẫn liên tục tuyển dụng. Sự biến động về lực lương lao động đã khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là trong các dây chuyền sản xuất liên hoàn. Doanh nghiệp cũng đã có nhiều hình thức khuyến khích để giữ chân người lao động, song về Luật là không thể cấm người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Có nhiều nguyên nhân khiến lao động giảm, nhưng ở góc độ quản lý BHTN đã bộc lộ những bất cập, khiến cho mốt số công nhân nảy sinh những tính toán và “tranh thủ” hưởng chế độ. Ví dụ như: Ở một số doanh nghiệp khác cùng ngành nghề, khi họ nhận được đơn đặt hàng có lợi nhuận cao, cần tuyển công nhân gấp, họ có thể “mua” công nhân lành nghề ở các doanh nghiệp đang sẵn có, bằng cách hỗ trợ một khoản tiền ban đầu, rồi tư vấn để người lao động hưởng hỗ trợ BHTN. Theo Luật thì người lao động khi đã tham gia BHTN đủ 12 tháng và được 36 tháng thì khi đủ hồ sơ nhận BHTN họ sẽ được hưởng 3 tháng BHTN, trên 36 tháng họ được hưởng 6 tháng BHTN, và khi tìm được việc làm mới, họ được nhận ngay toàn bộ 3 tháng hoặc 6 tháng tùy theo thời gian đã tham gia, thay vì nhận theo từng tháng, mỗi tháng tương ứng với 60% lương. Và nếu chuyển đến doanh nghiệp mới, họ sẽ được thêm một khoản hỗ trợ ban đầu.

Như vậy vô hình chung đã khuyến khích người lao động trục lợi quỹ BHTN, doanh nghiệp sản xuất bất ổn. Nhiều lao động đã đến xin thôi việc, tất cả đều đưa ra những lý do hoàn cảnh gia đình, chuyển vùng... tuyệt đối chưa ai nói rằng vì thiếu việc làm. Cũng có những trường hợp không cố tình, hoặc cố ý vi phạm kỷ luật lao động, doanh nghiệp chỉ trừ lương, phạt thi đua... và cuối cùng là sa thải. Trong quyết định thôi việc thì không thể ghi là vi phạm kỷ luật hay bị sa thải được, chỉ một mẫu duy nhất là ngừng hợp đồng lao động đưa cho họ, kèm theo sổ BHXH đã chốt đến thời điểm nghỉ việc. Như vậy là họ đủ điều kiện đi làm thủ tục nhận BHTN, mà thực tế doanh nghiệp không phải không có việc cho họ. Có trường hợp mới nghỉ việc rồi nhanh chóng làm thủ tục BHTN để hưởng, ngay lập tức họ đến doanh nghiệp khác làm việc chưa thất nghiệp đã được hưởng BHTN. Đáng lẽ ra thất nghiệp ngày nào thì hưởng ngày đó, nhưng chính sách hiện tại lại thực hiện hỗ trợ BHTN cả 3, hoặc 6 tháng ngay cả khi người lao động tìm được việc làm mới.


Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ: Do quy định về điều kiện hưởng BHTN còn chưa cụ thể, chưa xét tới nguyên nhân bị thất nghiệp, xuất hiện tình trạng người lao động tự ý xin nghỉ việc để hưởng BHTN, thậm chí sau đó quay trở lại làm việc tại chính đơn vị đó. Sự bất cập về chính sách rất cố thể sẽ nảy sinh tình trạng chủ sử dụng lao động thoả thuận, thông đồng, bắt tay với người lao động để làm các thủ tục hưởng BHTN nhưng thực tế người lao động vẫn làm việc bình thường tại đơn vị hoặc chủ sử dụng lao động bố trí cho người lao động nghỉ việc từng đợt để giải quyết BHTN. Nếu các cơ quan hữu quan ban hành chính sách không kịp thời kê chỉnh việc thực hiện chính sách BHTN, rất có thể xảy ra hiện tượng người sử dụng lao động bắt tay với người lao động để trục lợi từ chính sách và sẽ có hiện tượng gia tăng đăng ký thất nghiệp,thực chất là thất nghiệp ảo.

Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện cụ thể cá nhân nào và đơn vị nào lợi dụng chính sách này, song đây đang là vấn đề cảnh báo cần được các cơ quan hữu quan thường xuyên thanh, kiểm tra và giám sát. Theo bà Liên: “Vì đây là chính sách chung, nhưng qua thực hiện, ở góc độ chuyên môn của cơ quan bảo hiểm xã hội, chúng tôi nghĩ, trước khi hoàn tất hồ sơ để người lao động hưởng chế độ BHTN thì cần xác định đơn vị chủ quản có thật sự thất nghiệp hay không; Trường hợp cá nhân chủ động chấm dứt hợp động lao động thì sẽ không được hưởng chính sách này, mà phải do đơn vị chủ quản không bố trí được việc làm thì người lao động mới được hưởng BHTN”.


Thực tế khi tham gia, cả chủ sử dụng lao động và người lao động đều chỉ phải trích 1% tiền lương, tiền công để đóng. Ví dụ, người lao động có mức lương 2 triệu đồng/tháng khi đóng BHTN chỉ mất 240.000 đồng/năm, doanh nghiệp đóng 240.000 đồng/năm. Trong khi đó, nếu người lao động mất việc, nghỉ việc, doanh nghiệp không phải trả trợ cấp nửa tháng lương/năm (1 triệu đồng) và người lao động được nhận trợ cấp thất nghiệp 3 tháng x 60% lương (3,6 triệu đồng). Rõ ràng cả doanh nghiệp và người lao động đều có lợi từ chính sách BHTN. Chưa kể, có trường hợp người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận với nhau ra quyết định nghỉ việc cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng trên thực tế người lao động vẫn làm việc, hưởng lương. Như vậy, cả doanh nghiệp và người lao động đều có lợi từ chính sách BHTN.