Cần có sự quản lý chặt chẽ ở đền Đá Thiên

07:52, 04/09/2013

Đền Đá Thiên ở tổ 17, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) đã có lịch sử hàng trăm năm, là nơi thờ phụng, sinh hoạt tâm linh của người dân trong tổ và cộng đồng dân cư lân cận. Trước đây, nơi này rất đơn sơ, ít người lui tới. Nhưng từ năm 2008, khi có thông tin truyền miệng đền Đá Thiên là nơi chôn cất ông Hoàng Bảy, nhiều người dân trong, ngoài tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên... đã tìm về đây dâng hương, cầu tài, cầu lộc, cầu may.

Ông Hoàng Bảy hay thường gọi là ông Bảy Bảo Hà, là con Đức Vua Cha, giáng phàm trần, trở thành con trai thứ bảy trong danh tộc họ Nguyễn, cuối thời Lê. Vào triều Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), có giặc Trung Quốc từ Vân Nam tràn sang cướp bóc, đốt phá. Triều đình cử ông, lên đánh đuổi quân giặc và trấn giữ vùng biên ải nơi Bảo Hà, Lào Cai. Tại đất Bảo Hà, ông thống lĩnh lục thủy, đánh đuổi quân giặc về vùng Vân Nam, sau đó ông chiêu dụ các thổ hào địa phương lên khẩn điền lập ấp. Sau này trong một trận chiến đấu không cân sức, Ông đã anh dũng hy sinh… Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt” và đền thờ ông cũng được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là “Thần Vệ Quốc”. 

 

Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau cho biết: Vào các ngày rằm, mùng một, dịp Tết Nguyên đán, ngày tiệc chính của ông Hoàng Bảy (17-7)... lượng người về dâng hương tại đền đông đột biến, có thể lên đến 5 đến 6 nghìn người mỗi ngày, trong đó nhiều đối tượng đã có tiền án, tiền sự hoặc “tay anh chị” trong giới giang hồ đến cầu vận may đỏ đen. Lượng người đổ về đây (gồm cả những người dân lương thiện và các thành phần bất hảo) đông khiến cho việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn rất khó khăn.

Để kiểm chứng lời nói của ông Khoa, ngày 17-7 (âm lịch) vừa qua chúng tôi đã tìm về đền Đá Thiên. Mặc dù đoạn đường tỉnh 269 dài gần 20km từ thị trấn Chùa Hang vào thị trấn Trại Cau nhiều ổ trâu, ổ voi rất khó đi nhưng lượng người đổ về đền vẫn rất đông. Chị Lê Bích Hạnh, tổ 10, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nói: Mọi người đều cho rằng đến cầu tài, cầu lộc vào đúng ngày tiệc chính của ông Hoàng Bẩy sẽ rất linh nghiệm nên dù đường rất khó đi, nhiều người vẫn cố gắng tìm về đây để dâng hương với mong muốn cầu được, ước thấy.

Tại thời điểm chúng tôi đến, hoạt động tâm linh ở đây diễn ra rất sôi động; các hàng quán đông đúc người mua; những bãi đỗ xe hầu như chật cứng... Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đáp ứng nhu cầu của khách thập phương, người dân sinh sống quanh khu vực đền đã tự ý phá rừng sản xuất san lấp mặt bằng để dựng quán bán hàng; làm bãi đỗ xe... Do hoạt động tự phát, việc thu tiền vé xe máy, ô tô ở khu vực này cũng vượt “khung” gấp 2-5 lần so với quy định của Nhà nước. Gia vé gửi xe máy là 5-10 nghìn đồng/lượt xe; giá vé gửi ô tô là 30-50 nghìn đồng/lượt xe. Không dừng lại ở đó, một bộ phận người dân còn tự ý trùng tu, tôn tạo đền từ tiền công đức của khách thập phương (từ năm 2008 đến nay số tiền đầu tư vào khu vực này là khoảng 5 tỷ đồng). Khi phát hiện những sai phạm ở khu vực đền Đá Thiên, chính quyền địa phương có đến lập biên bản, đình chỉ xây dựng nhưng chỉ bằng mang tính chất thủ tục hành chính (trên văn bản, giấy tờ) chứ chưa tổ chức lực lượng tháo dỡ. Ông Khoa cho hay: Phải thừa nhận là chính quyền địa phương chưa kiên quyết trong xử lý các vi phạm tại đền Đá Thiên. Tuy nhiên chúng tôi cũng đang gặp khó bởi đây là vấn đề liên quan đến tâm linh. Hơn nữa, nơi này lại chưa được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh hay cấp Quốc gia nên việc phối hợp trong công tác quản lý tại khu vực đền Đá Thiên gặp nhiều trở ngại.

Trong khi việc quản lý tại đền Đá Thiên bị buông lỏng thì ngày ngày, nguồn tiền công đức của người dân vẫn đổ về đây một cách bất hợp pháp. Bởi, theo quy định của Nhà nước, chỉ những di tích lịch sử, văn hóa được công nhận cấp tỉnh, cấp Quốc gia mới được phép thu tiền công đức. Theo đó, UBND tỉnh sẽ quy định việc sử dụng số tiền công đức như thế nào, trong đó quy định mức chi cụ thể cho hoạt động của bộ máy Ban Quản lý di tích; điện, nước, đèn dầu, tổ chức các lễ hội và trùng tu, tôn tạo di tích... Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, số tiền công đức tại đền Đá Thiên mỗi năm có thể lên đến hàng tỷ đồng nhưng ai quản lý và quản lý số tiền đó như thế nào thì đến nay vẫn còn bỏ ngỏ…

Thực tế ở đền Đá Thiên cho thấy tỉnh ta đang bị thất thu một nguồn tiền lớn từ thu phí, lệ phí cũng như tiền công đức của người dân. Do đó, mong rằng các cấp, ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Theo ông Khoa, hiện nay, một doanh nghiệp ở Quảng Ninh đang có nhu cầu đầu tư, phát triển nơi này thành khu du lịch tâm linh. Nếu doanh nghiệp có đủ năng lực về tài chính, địa phương rất mong tỉnh sớm chấp thuận cho đơn vị được đầu tư xây dựng dự án này. Đây có thể sẽ là giải pháp khả thi để chấm dứt tình trạng lộn xộn ở đền Đá Thiên.