Cần lắm sự sẻ chia

11:29, 09/09/2013

(TN)- Cùng với một số địa phương trong tỉnh, T.X Sông Công cũng chưa có nhóm đồng đẳng cho những người bị nhiễm HIV/AIDS (viết tắt là H) sinh hoạt. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý, tuyên truyền nhằm giảm thiểu tác hại và triển khai các hoạt động phòng, chống H.

Nhóm đồng đẳng được thành lập thông qua các dự án của nhiều tổ chức trong và ngoài nước tài trợ với mục đích tập trung những người bị nhiễm H tham gia sinh hoạt. Các đồng đẳng viên trong nhóm sẽ được chia sẻ kiến thức về H cũng như tiếp cận, giúp đỡ những đối tượng nghiện ma túy, nhiễm H khác nâng cao nhận thức về tác hại cũng như phương pháp phòng tránh làm giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan cho người khác căn bệnh này.

 

Chị Dương Thị Hoài Ánh, phường Mỏ Chè biết mình bị nhiễm H từ chồng năm 2008. Được một số người cùng cảnh giới thiệu, chị và chồng đã tham gia nhóm đồng đẳng (NĐĐ), điều trị ARV tại huyện Phổ Yên hơn 3 năm nay. Chị cho biết: Tham gia NĐĐ, vợ chồng tôi có thêm nhiều kiến thức về căn bệnh H để có thể chăm sóc sức khỏe cho bản thân và tránh lây nhiễm cho mọi người. Tôi cũng tuân thủ theo phác đồ điều trị ARV nên hiện sức khỏe tốt, có thể lao động, sinh hoạt bình thường. Nhóm sinh hoạt ở huyện khác nhưng từ nhà tôi đến đó chỉ chưa đầy 10km nên có thể đi lại được.

Chị Phạm Thị Hiên, và Hà Thị Hoa, cùng ở xã Bình Sơn cũng bị nhiễm H gần 10 năm nay. Qua lời giới thiệu của người quen, hai chị đã nhận thức được lợi ích của việc sinh hoạt NĐĐ và tham gia 2 nhóm "Hoa Hướng Dương" (T.P Thái Nguyên), "Bạn giúp bạn" (Phổ Yên). Tuy nhiên, do không ở gần nơi sinh hoạt NĐĐ như vợ chồng chị Ánh nên hai chị đã tạm nghỉ mấy năm nay. Chị Hiên và chị Hoa có chung tâm sự: Bận việc đồng, đường đến nơi sinh hoạt lại xa nên chúng tôi không đi nữa. Việc điều trị bệnh vì vậy không được thường xuyên, nếu ở địa phương có NĐĐ chúng tôi sẽ tham gia ngay.

Anh Nguyễn Văn Đinh, xóm B.Đ, xã Bình Sơn là đối tượng nghiện ma túy bị H và đã điều trị ARV từ năm 2007 tại Bệnh viện A Thái Nguyên. Anh bảo: "Tôi nghe các bác sĩ ở Bệnh viện tuyên truyền về NĐĐ và những lợi ích cho người bị H khi tham gia nhưng ở địa phương không có, mà đi nơi khác tôi lại không đủ điều kiện". Anh Đinh là đối tượng nghiện ma túy, đã nhiều lần cai nhưng lại tái nghiện. Mỗi lần anh đi điều trị ARV, vẫn phải có mẹ hoặc vợ đi cùng để quản lý. Vì vậy, bản thân anh và gia đình rất mong muốn có NĐĐ tại địa phương để việc sinh hoạt thuận tiện hơn.

Nói về những khó khăn khi địa phương chưa có NĐĐ, ông Đỗ Mạnh Tường, Phó Trưởng Trạm y tế, thư ký Chương trình phòng chống HIV/AIDS xã Bình Sơn cho biết: Số người bị H còn sống ở xã hiện nay là 20 người. Ở thị xã chưa có NĐĐ nên chúng tôi phải tiếp cận những đối tượng này thông qua đội ngũ y tế thôn bản. Cả xã có 25 xóm, nên việc đến nhà nắm tình hình và tuyên truyền về căn bệnh H khá khó khăn. Hơn nữa, dù ở cùng địa phương, hiểu rõ hoàn cảnh từng người nhưng để họ cảm thấy gần gũi có thể, chuyện trò, tâm sự với mình không dễ.

Còn ông Dương Văn Huy, Phó Trưởng Trạm y tế phường Mỏ Chè thì cho biết: Các tổ dân phố trên địa bàn không có đội ngũ y tế thôn bản nên là thư ký chương trình phòng chống H của phường, tôi đảm nhiệm vai trò quản lý, trực tiếp liên hệ với những người nhiễm H (số người bị H do phường quản lý đến nay là 15, nhưng hiện chỉ có 8 người đang ở tại địa phương). Chưa có NĐĐ để họ tham gia sinh hoạt nên mời họ ra tuyên truyền không được, tôi phải đến tận nhà. Nhiều khi tới, họ còn tránh không tiếp chuyện.

T.X Sông Công gồm 10 xã, phường, trong đó 6 phường không có “chân rết” là các y tế thôn bản nên việc phối hợp quản lý các đối tượng nhiễm H cũng như việc tuyên truyền và điều trị cho các đối tượng bị H gặp nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 7-2013, số người bị nhiễm H trên địa bàn T.X Sông Công là 123 người. Trong đó phường Thắng Lợi có số người nhiễm H cao nhất (hiện có 22 người còn sống, sau đó đến phường Mỏ Chè với 15 người). Ông Nguyễn Kim Vinh, Trưởng Khoa kiểm soát dịch bệnh xã hội - HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thị xã, thư ký Chương trình phòng, chống H của T.X Sông Công băn khoăn: Hiện nay, chúng tôi quản lý đối tượng nhiễm H qua thư ký Chương trình phòng, chống H cấp xã, phường (cán bộ hoặc nhân viên thuộc trạm y tế). Họ có trách nhiệm trực tiếp liên hệ với những đối tượng H. Nếu có NĐĐ ở địa bàn, hiệu quả các hoạt động triển khai phòng, chống H sẽ tốt hơn. Ví dụ như những người cùng bị H động viên nhau đi điều trị ARV dễ dàng hơn là khi nhân viên y tế tuyên truyền.

Ông Vinh cũng cho biết, năm 2000, ông đã đề xuất với UBND thị xã thành lập NĐĐ cho các đối tượng nhiễm H sinh hoạt nhưng được trả lời là chưa bố trí được kinh phí nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Thực tế hiện nay thì các NĐĐ trên địa bàn tỉnh và cả nước đều được thành lập thông qua dự án tài trợ của các tổ chức thế giới, chưa có NĐĐ cũng đồng nghĩa với việc theo dõi và điều trị ARV cho các đối tượng do Trung tâm Y tế thị xã quản lý cũng bị hạn chế.

Các hoạt động của NĐĐ có vai trò quan trọng góp phần phòng, chống lây nhiễm H trong cộng đồng cũng như giảm tải công việc để chất lượng quản lý, điều trị cho người bị nhiễm H của cán bộ y tế được nâng cao. Bởi vậy, cũng như Định Hóa, Võ Nhai, T.X Sông Công rất cần được các ngành chức năng quan tâm, đầu tư hỗ trợ các dự án thành lập NĐĐ cho người bị nhiễm H tham gia sinh hoạt.

*Tên các nhân vật bị nhiễm H trong bài viết đã được thay đổi.