Chia sẻ nỗi đau da cam

10:05, 25/09/2013

Ở nơi ấy, 157 nạn nhân của chiến tranh, mang trên mình những vết thương vô hình hay hữu hình đã, đang cùng nhau chia sẻ vui buồn, giúp nhau vượt qua khó khăn… Nơi ấy được họ gọi với cái tên ấm áp "Mái nhà của những nạn nhân da cam", Đó là Hội Nạn nhân chất độc da cam phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên).

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam phường Cam Giá cho biết: Được thành lập từ năm 2008, với 86 hội viên, đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam của phường có 157 hội viên, tham gia sinh hoạt ở 13 chi hội. Hơn 5 năm qua, công tác Hội đã thu được những kết quả tích cực, mang lại quyền lợi, giúp cải thiện và nâng cao đời sống cho hội viên. Gần 100% hội viên có đầy đủ giấy tờ theo quy định của Nhà nước đã được hưởng các chế độ chính sách da cam; toàn Hội hiện không còn hộ nghèo và cận nghèo. Hội đã vận động ủng hộ được gần 500 triệu đồng, hỗ trợ 6 hội viên xây mới và sửa nhà; phối hợp với các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tặng gần 500 suất quà cho hội viên, trị giá hàng trăm triệu đồng…

 

Cùng với các nguồn tài trợ, Hội chủ động xây dựng được gần 100 triệu đồng quỹ Hội. Số tiền này được sử dụng để tổ chức các hoạt động Hội và luân phiên cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế, giúp đỡ hội viên những lúc khó khăn, hoạn nạn… Để làm được điều đó, ngay từ đầu năm, Hội lập ra kế hoạch hoạt động cụ thể, làm tốt công tác điều tra gia cảnh của từng hội viên để có hướng giúp đỡ. Với nhiều trường hợp hội viên khó khăn, Hội phối hợp với các đoàn thể đến từng nhà để thăm hỏi động viên. Đồng thời, Hội cũng chủ động tham mưu với các cấp ủy đảng về công tác Hội; giữ mối liên hệ với các đoàn thể, cá nhân trong và ngoài phường để vận động sự ủng hộ, giúp đỡ hội viên…

 

Ông Dương Đức Hợp (tổ 14) là một trong những hội viên thoát nghèo nhờ được vay vốn phát triển kinh tế của Hội. Tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước từ năm 1964, đến năm 1974, ông Hợp bị thương khi đang làm nhiệm vụ, sau đó, do sức khỏe giảm sút, ông được chuyển về địa phương công tác. Về với đời thường, ông mang trên mình 73% thương tật, thị lực giảm sút, những lúc trái gió trở trời, chân tay ê buốt, thỉnh thoảng những cơn ho kéo dài làm cơ thể bủn rủn, rồi cơn đau tim lại quặn lên khiến ông choáng váng. Cuộc sống nghèo khó, sức khỏe giảm sút nhưng hàng ngày, ông vẫn vượt lên nỗi đau, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Tham gia vào Hội từ những ngày đầu thành lập, ông được vay 15 triệu đồng từ quỹ Hội. Với số tiền ấy, cùng với 200 gốc đào đã có của gia đình, ông đầu tư thêm 400 cây đào con về trồng, tập trung chăm sóc vườn đào. Ông cùng vợ đầu tư nuôi gần 100 con gà đẻ, cấy lúa, trồng ngô. Nhờ đó, từ năm 2009 đến nay, gia đình ông không những đã thoát nghèo mà còn trở thành một trong những hộ kinh doanh giỏi của thành phố, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng.

 

Bằng sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong xã hội, nhiều hội viên của Hội đã được quan tâm, chia sẻ khó khăn. Vào mỗi dịp lễ, Tết, hay trong lúc hoạn nạn, nhiều phần quà ý nghĩa đã được Hội trao đến tận tay các hội viên. Ông Nguyễn Văn Thân (tổ 10) may mắn trở về từ "cõi chết" sau lần mổ ung thư dạ dày, được Hội thường xuyên quan tâm, giúp đỡ. Vợ ông bị tai biến, không có khả năng lao động 5 năm nay. Cậu con trai cả qua đời do bệnh hiểm nghèo. Năm 2012, cậu con trai út cũng mất do ung thư gan trong khi ông đang nằm điều trị tại bệnh viện. Những lúc ấy, cùng với gia đình, người thân thì tình đồng đội, tình người trong xã hội là những động lực giúp ông vượt qua khó khăn. "Được Hội hỗ trợ gần 5 triệu đồng để điều trị bệnh, các đồng đội, hội viên thường xuyên đến chuyện trò vui vẻ, với tôi đó là nguồn động viên to lớn" - ông Thân chia sẻ.

 

Nói về hoạt động này của Hội, ông Thanh cho biết thêm: Hiện nay, cùng với 157 nạn nhân là hội viên của Hội thì 40 con, cháu của các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam cũng được Hội giúp làm thủ tục để được hưởng đầy đủ chính sách của Nhà nước và được giúp đỡ. Từ nguồn quỹ do Hội xây dựng do sự đóng góp của các hội viên và sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhiều nạn nhân đã được hỗ trợ xây nhà như hộ ông Đặng Văn Liên (tổ 12), Lương Xuân Miện (tổ 11)…

 

Có thể thấy, với sự động viên, chia sẻ của các đoàn thể, cá nhân thông qua sự hoạt động tích cực của Hội, rất nhiều nạn nhân da cam của phường Cam Giá đã được giúp đỡ, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống. Trước nỗ lực ấy của toàn Hội, những năm qua, Hội đã vinh dự nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, Tỉnh hội, Thành hội vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội.