Chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ

09:14, 24/09/2013

(TN) - Khoảng hai tuần gần đây bệnh đau mắt đỏ đã lan rộng ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, tại Thái Nguyên bệnh lan rộng và có nguy cơ thành dịch, từ giữa tháng 9-2013. Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt tỉnh, hàng ngày tại Khoa Khám bệnh có từ 40% đến 50% trong tổ số bệnh nhân đến khám đều trong tình trạng mắc bệnh đau mắt đỏ.

Hiện nay, bệnh đang có dấu hiệu lan rộng, gây ảnh hưởng đến lao động sản xuất, học tập và sinh hoạt của nhân dân. Đa số bệnh tiến triển lành tính, nhưng một số có biến chứng dẫn đến giảm thị lực. Vì vậy, người dân cần chủ động hiểu về bệnh, cách phòng và điều trị kịp thời, đúng phương pháp.


Bệnh đau mắt đỏ có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân do Adeno virus là dễ lây lan và có thể thành dịch. Bệnh mắc ở mọi lứa tuổi, rải rác quanh năm, ở mọi nơi, nhưng thường tăng lên vào mùa hè - thu và ở những nơi úng lụt.


Virus gây bệnh tồn tại ở người mắc bệnh, người lành mang mầm bệnh, môi trường xung quanh như bể bơi, các đồ vật dùng chung, ruồi nhặng…; virus gây bệnh có thể tồn tại ở môi trường tự nhiên tới 35 ngày; tuyp virus gây bệnh có thời gian miễn dịch ngắn, trong vòng 2 tháng, vì vậy một người có thể mắc bệnh hai lần trong một đợt dịch; virus gây bệnh tồn tại và vẫn có khả năng lây cho người khác trong vòng một tuần sau khi khỏi bệnh.


Bệnh lây qua đường hô hấp là nhanh và nguy hiểm nhất; lây qua đường tiếp xúc các đồ vật dùng chung, như: Khăn mặt, chậu rửa mặt, tay nắm cửa, vòi nước, bể bơi…


Triệu chứng: Thời gian ủ bệnh từ 12 đến 24 giờ, khi khởi phát triệu chứng rầm rộ. Bệnh thường xuất hiện ở một mắt trước 2 đến 3 ngày sau lan sang mắt kia; mắt đau rầm rộ, cộm như có cát trong mắt; chảy nước mắt, có nhiều rỉ mắt làm dính chặt hai mi khi ngủ dậy; một số trường hợp có giả mạc thường chảy dịch hồng lẫn nước mắt và rỉ mắt; mi mắt sưng, đỏ; kết mạc (phần lòng trắng và mặt trong của mi) sưng, phù, đỏ, những thể nặng kết mạc lòi cả ra ngoài mi; kèm theo có thể có ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai, hạch góc hàm.


Bình thường bệnh tiến triển rầm rộ khoảng 3-5 ngày đầu, sau đó thoái triển và khỏi sau 7-10 ngày, đa số các trường hợp lành tính không để lại di chứng; một số trường hợp nặng, tiến triển xấu: Một số có giả mạc ở kết mạc mi (mắt sưng nặng, chẩy dịch hồng lẫn rỉ và nước mắt), bệnh sẽ kéo dài cả tháng; một số có biến chứng viêm giác mạc khi đó sẽ ảnh hưởng đến thị lực; một số bệnh nhân có bệnh mắt mạn tính như: mắt hột, sẹo giác mạc, tắc lệ đạo… khi bị “đau mắt đỏ” sẽ tiến triển nặng thêm.


Khi chưa có dịch cách phòng bệnh là: dùng khăn mặt riêng, rửa mặt ít nhất 3 lần/ ngày, tốt nhất là rửa mặt dưới vòi nước chảy, chậu dùng chung phải được đánh thường xuyên bằng xà phòng; khăn mặt giặt thường xuyên bằng xà phòng và phơi nắng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; vệ sinh mắt hàng ngày bằng dung dịch nhỏ mắt Natriclorua 0,9% nhiều lần/ ngày nhất là sau khi đi bơi; không dùng chung nhau lọ thuốc nhỏ mắt; sử dụng nước sinh hoạt sạch; thường xuyên vệ sinh các đồ vật dùng chung như ấm chén, tay nắm cửa, vòi nước…

Khi có dịch, ngoài các biện pháp như khi chưa có dịch, người bệnh cần được điều trị đúng và cách ly (nghỉ học hoặc nghỉ làm, không nên tiếp xúc với người khác…); người chưa mắc bệnh hạn chế tối đa tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc nên đeo khẩu trang, rửa tay ngay sau khi cầm nắm vào các vật dùng chung, tránh đưa tay dụi mắt; hạn chế tập trung nơi đông người, thậm chí dịch lan rộng có thể phải cho nghỉ làm, nghỉ học; không nên đi bơi ở bể bơi công cộng.


Bệnh đau mắt đỏ không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc chữa trị chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp bệnh nhanh khỏi, giảm bớt khó chịu, giảm tỷ lệ biến chứng; một số thuốc nhỏ mắt người dân có thể tự sử dụng khi bị “đau mắt đỏ”, như: dung dịch Natriclorua 0,9%; dung dịch Chloramphenicol 0,4%, dung dịch Tobrammycin 0,3% (Tobrex), dung dịch Gentamycin 0,3%... (nhỏ cả 2 mắt 8 đến 10 lần/ngày); thuốc mỡ tra mắt, như: Gentamycin 0,3%; Tobramycin 0,3%... (tra mắt buổi tối khi đi ngủ). Người bệnh không tự ý sử dụng các thuốc có cocticoid (dung dịch polydexa, dung dịch dexaclor, mỡ chloroxid - H…); không tự sử dụng kháng sinh toàn thân đường uống hoặc tiêm; không tự pha nước muối để rửa mắt; không chữa bằng các biện pháp dân gian như đắp lá, xông lá…; sau khi mắc bệnh 5 ngày mà không đỡ hoặc có biểu hiện nhìn mờ, sợ ánh sáng, mắt ngày càng sưng thì cần đi khám ngay để tránh di chứng giảm thị lực…