Dịch chuyển việc làm: “Phép thử” với nhiều doanh nghiệp

14:47, 28/09/2013

Có thể nói, chưa năm nào tình trạng dịch chuyển việc làm của người lao động từ doanh nghiệp (DN) này sang DN khác ở tỉnh ta lại nhiều như năm nay. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi chúng ta đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn, cần tuyển dụng nhiều lao động, hơn nữa chế độ đãi ngộ đối của từng DN cũng đã thay đổi theo hướng cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Đây là cơ hội để người lao động tìm kiếm việc làm ổn định, phù hợp, nhưng cũng là “phép thử” đối với các DN.

Gần đây, tại một buổi tiếp xúc với chúng tôi, Chủ nhiệm HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công (HTX), ông Đinh Huy Chiến thông tin: Từ đầu năm 2013 đến nay, đã có khoảng 50 lao động của HTX xin nghỉ việc và chuyển sang làm cho Tập đoàn Samsung và một số dự án khác trên địa bàn. Về phía mình, HTX hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện về thủ tục, chế độ để số lao động này an tâm sang làm việc ở đơn vị khác. Tuy nhiên, việc dịch chuyển lao động cùng một lúc cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho đơn vị. Phải sắp xếp lại tổ chức, bố trí tuyển dụng lao động mới tốn nhiều thời gian của DN. Điều quan trọng là những lao động chuyển đi đều có thâm niên công tác và đã rất thạo việc. Một lao động tên Tuấn hiện đang làm việc cho Dự án Khu tổ hợp điện tử Samsung tâm sự: Tôi đã gắn bó với HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công mấy năm rồi và cuộc sống, việc làm ở đây cũng khá đảm bảo. Tuy nhiên, tôi quyết định chuyển sang chỗ mới là bởi muốn được thử sức với môi trường làm việc khắc nghiệt hơn, đòi hỏi trí tuệ và chất xám nhiều hơn. Hơn nữa, tại đây thu nhập cũng cao và ổn định hơn.


Cũng tương tự, tại một số Nhà máy luyện kim, sản xuất xi măng lớn trên địa bàn, tình trạng cán bộ kỹ thuật, công nhân “nhảy” việc sang làm ở đơn vị khác là khá phổ biến. Ngay như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, đơn vị luôn ổn định việc làm và thu nhập cho trên 6.000 lao động, thời gian gần đây, số lượng lao động cũng thụt giảm tới cả trăm trường hợp. Một phần do Công ty chủ trương cắt giảm lao động, phần khác là bởi cán bộ, công nhân tự nguyện xin chuyển sang DN khác. Thông tin mới đây từ hai Nhà máy sản xuất xi măng là Quan Triều và Quang Sơn cho thấy, chỉ trong năm 2013 đã có hàng chục lao động của hai đơn vị này xin chuyển sang DN khác làm, tạo ra những lỗ hổng vị trí quan trọng, gây khó cho DN. Anh Cao Việt B. một cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao của Nhà máy Xi măng Quang Sơn (do chính Nhà máy cử đi đào tạo để về tiếp cận dây chuyền sản xuất hiện đại) cũng đã rời Nhà máy để sang làm việc cho Dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo từ đầu năm nay. Anh B. cho biết: Tôi làm việc tại Xi măng Quang Sơn từ khi Nhà máy bắt đầu hoạt động. Lý do tôi chuyển việc là bởi sức hút về chế độ đãi ngộ và thu nhập của đơn vị mới cao hơn rất nhiều so với đơn vị cũ. Mặc dù thời gian làm việc và áp lực công việc ở Núi Pháo là rất lớn song ở đây chúng tôi được phát huy hết khả năng, sức trẻ của mình. Ở đây, tiền lương và thu nhập thêm của tôi với mức bình quân là 18 triệu đồng/tháng có thể nuôi cả gia đình ổn định và có tích lũy. Một số người bạn cùng làm lúc trước cũng đang đề nghị tôi “làm mối” để họ chuyển về “đầu quân” cho Núi Pháo. Được biết, hầu hết lao động kỹ thuật ở các Nhà máy này đều do các đơn vị tự bỏ kinh phí, thời gian để đào tạo và bố trí làm việc ở những vị trí quan trọng.


Năm 2013, việc Tập đoàn Samsung đầu tư mạnh mẽ vào Thái Nguyên với hàng chuỗi dự án liên kết, tuyển dụng khoảng 30 nghìn lao động, đã tạo ra làn sóng tác động đến nhu cầu lựa chọn việc làm của người lao động địa phương. Hơn nữa, cơ chế tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và môi trường, điều kiện làm việc của họ đối với người lao động bước đầu hơn hẳn các DN khác trên địa bàn. Cùng với Samsung, nhiều dự án đầu tư có nguồn vốn trực tiếp nước ngoài khác cũng đang lên lịch tuyển dụng hàng chục nghìn lao động, trả lương bằng tiền USD, đã hút lao động của nhiều DN trên địa bàn. Thời gian qua, mặc dù chưa có con số thống kê chính thức, song việc hai Nhà máy may của Hàn Quốc là Shinwon (tại T.X Sông Công) và Banpo (tại huyện Phú Lương) cũng đã hút hàng trăm lao động của các DN may mặc khác trong tỉnh. Các nhà phân tích cho rằng, vấn đề “nhảy” việc của công nhân ngành may là rất dễ hiểu bởi DN may mặc nào cũng muốn nhận lao động đã sẵn có tay nghề, kinh nghiệm sản xuất, để tránh khoản chi phí đào tạo ban đầu.


Trong tình hình hiện nay, xu thế dịch chuyển việc làm là tất yếu khách quan, phản ánh đúng thực tế về nhu cầu nâng cao chất lượng làm việc và đời sống của người lao động. Thời gian qua, chúng ta phải thừa nhận nhiều DN chưa thực sự quan tâm đến đời sống, việc làm của người lao động. Việc công nhân phải lao động trong điều kiện khói bụi, độc hại, tiếng ồn, độ rung… vượt quá tiêu chuẩn cho phép mà chưa được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định là khá phổ biến. Mặt khác, không ít DN đã không những không làm tốt chế độ đãi ngộ lại còn nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương công nhân khiến đời sống của một bộ phận lao động trong tỉnh đã khó càng thêm khó. Nhiều lao động đã bức xúc về sự chênh lệch quá lớn giữ thu nhập của công nhân và cán bộ quản lý trong DN dẫn đến tình trạng công nhân bỏ việc tìm đến môi trường làm việc khác. Ở một số DN, người lao động thường phải chịu cảnh tăng ca, nhưng không tăng lương, hoặc bị nhiều sức ép khác về việc làm, tiền lương. Hiện nay, tình hình kinh tế đang tiếp tục khó khăn, giá cả leo thanh, nhiều lao động có thu nhập thấp, tiền lương tháng chỉ đủ chi tiêu nhu cầu thiết yếu (lương thực, thực phẩm), số còn lại dành cho thuê nhà, đi lại, may mặc, phương tiện sinh hoạt cá nhân…, không có tích lũy.


Chính từ những vấn đề đó đã tạo cho người lao động ý thức phải dịch chuyển việc làm càng sớm càng tốt, mục tiêu là có chỗ đứng ổn định hơn. Đây là điều mà nhiều DN trong tỉnh đang phải đau đầu suy ngẫm, tìm cách giữ chân lao động. Tuy nhiên, theo chúng tôi đây là xu hướng phát triển hợp lý, có lợi về nhiều mặt cho xã hội. Ít nhất thì người lao động cũng có quyền được lựa chọn công việc phù hợp và hưởng chế độ tương xứng với sức lao động mình bỏ ra, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân, gia đình. Mặt khác, một lần nữa chính các DN cũng tự nhìn lại mình để kịp thời cân nhắc, điều chỉnh các chế độ đãi ngộ sao cho hợp lý, nhằm giữ chân người lao động. Qua đây, nhà quản lý cũng thấy rõ vấn đề để xây dựng các cơ chế, chính sách, bố trí lao động sao cho phù hợp…


Được biết, trong tất cả các trường hợp người lao động dịch chuyển việc làm, gần như các DN trong tỉnh đều tạo điều kiện thuận lợi cho họ cả về thủ tục chuyển đi lẫn cơ chế nhận về. Đó là tín hiệu đáng mừng không chỉ đối với người lao động, DN mà cho cả sự phát triển của toàn xã hội trong điều kiện khó khăn hiện nay.