Gìn giữ nét đặc trưng làng quê Việt ở Nga My

09:41, 04/09/2013

Khoảng 3 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều hộ dân ở xã Nga My (Phú Bình) đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí là cả tỷ đồng để sửa chữa và xây mới nhà ở theo kiến trúc cổ. Những ngôi nhà ấy đã và đang góp phần gìn giữ một nét đẹp truyền thống, mang tính đặc trưng của làng quê Việt.

Bà Nguyễn Thị Hiền, xóm Trại An Châu: Gia đình tôi vừa làm xong ngôi nhà kiểu cổ có diện tích hơn 100m2. Với 3 lớp ngói, ngôi nhà rất mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Kiến trúc kiểu nhà cổ còn giúp các thành viên trong gia đình có điều kiện quây quần và quan tâm đến nhau nhiều hơn so với nhà cao tầng.





Thực hiện tâm nguyện của bố trước khi qua đời, cuối năm 2011, anh Tạ Văn Dưỡng, xóm Trại đã xây dựng ngôi nhà mới theo kiến trúc truyền thống của làng quê Việt Nam trị giá 1 tỷ đồng. Ngôi nhà có diện tích 300m2, trong đó diện tích sử dụng là 210m2, đủ 36 cột, với 5 gian, 2 trái. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là ngôi nhà kiểu truyền thống to, đẹp nhất ở xã Nga My. Để làm được ngôi nhà này, đối với anh Dưỡng, đó là cả một sự kỳ công và đầu tư lớn. Vốn có nghề mộc hơn 20 năm, cũng từng nhận tu sửa, làm mới nhiều nhà cổ, nhà truyền thống cho khách, nhưng khi tự tay làm nhà cho mình, anh Dưỡng vẫn kỳ công tìm đến những địa phương có nhiều nhà cổ đặc trưng như Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) để tham khảo kiểu dáng và cách bài trí. Anh bảo: Nhà mình làm để ở nhưng cũng là sản phẩm để khách tham khảo, từ đó họ sẽ có thêm niềm tin với nghề mộc của mình. Bởi thế, ngay việc đặt câu đối có nội dung thế nào cho có ý nghĩa và hợp với gia chủ, anh cũng phải thành lập cả “hội đồng thẩm định” là các cụ am hiểu về chữ Nho trong làng để chọn chữ. Câu đối được khắc vào các thanh gỗ đặt trên đỉnh nóc.

Nhà kiểu truyền thống rất thoáng mát, có không gian để tụ họp gia đình, trong khi giá thành so với nhà ống (mái bằng hoặc nhà tầng) là tương đương nhau. Tuy nhiên, do đòi hỏi diện tích mặt sàn rộng, có không gian vườn, sân nên nhà truyền thống thích hợp với vùng nông thôn. Để thuận tiện trong sử dụng và phù hợp với điều kiện thời tiết, các ngôi nhà kiểu truyền thống hiện nay thường có những điểm cách tân hơn so với trước. Đó là diện tích nhà thường rộng hơn, nền cao hơn (thường cao hơn mặt sân từ 1-1,25m), mái cũng cao hơn để khi bước vào nhà không phải cúi đầu. Phía trước ngôi nhà thường không xây thành bức tường mà được tạo bởi những cánh cửa gỗ, hoặc có thể chỉ là những tấm mành. Anh Dưỡng cho biết thêm, gian chính của ngôi nhà được xem là bộ mặt của gia chủ, là nơi thờ cúng tổ tiên nên thường được bài trí tỉ mỉ, công phu. Tuổi đời của mỗi ngôi nhà truyền thống lên tới vài trăm năm nên việc chọn nguyên vật liệu dựng nhà hết sức quan trọng. Một nét khác biệt so với những ngôi nhà hiện đại đó là nhà truyền thống thường không làm công trình vệ sinh trong nhà, mà làm ở bên ngoài.

Sở dĩ nhà cổ, nhà truyền thống ở Nga My trong những năm qua được nhiều gia đình khôi phục, làm mới là bởi nghề mộc ở xã khá phát triển, lại có thể tận dụng được một số nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương như: cát, sỏi, gạch, ngói, gỗ… Đặc biệt là họ có thể thuê thợ trong xã làm với tiền công hợp lý. Theo nhiều người dân địa phương, việc khôi phục nhà cổ ở Nga My xuất phát từ hộ gia đình anh Trần Văn Thả, xóm Ngọc Thượng. Sau khi gia đình anh sửa lại ngôi nhà đang ở có tuổi đời vài trăm năm, ngôi nhà trở nên thoáng mát và tiện dụng nên nhiều người đã quyết định làm nhà theo kiểu truyền thống thay vì nhà ống. Giá trung bình của 1 ngôi nhà kiểu truyền thống với diện tích từ 100-120m2 khoảng 400-500 triệu đồng, thời gian thi công từ 6-7 tháng. Tuy nhiên, với những ngôi nhà có diện tích như thế này thường chỉ có từ 18-24 cột (nhà ẩn cột), chứ không đủ 36 cột (nhà đủ cột). Hiện, cả xã có trên 10 ngôi nhà cổ và cũng đã có trên 10 ngôi nhà được làm theo kiểu truyền thống. Nhiều người trong nghề cho rằng, thời gian tới, chắc chắn số gia đình làm nhà theo kiến trúc truyền thống sẽ nhiều lên, khi mà làng nghề thủ công mỹ nghệ An Châu của xã chính thức được UBND tỉnh cấp bằng công nhận.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nga My: Nghề mộc ở xã có từ rất lâu đời. Tuy nhiên, thời gian trước, do không có vốn nên nhiều người thiếu điều kiện mở xưởng, phát triển sản xuất. Thêm vào đó, tuyến đường dẫn vào xã cũng như các đường nhánh trên địa bàn quá xấu, đã gây cản trở không nhỏ đến việc vận chuyển gỗ cũng như sản phẩm… nên nghề mộc ở đây bị mai một, khiến nhiều người dân phải đến các địa phương khác để làm thuê. Từ năm 2000 trở lại đây, nghề mộc ở xã dần được khôi phục do nhu cầu của người dân đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngày càng cao, tập trung nhiều nhất ở là ở làng An Châu, với 202 hộ, 1.050 nhân khẩu, hiện làng có tới 76 hộ tham gia sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Các sản phẩm chủ yếu được làm ra ở đây là: bàn, ghế, giường, tủ, sập, kệ… cao cấp, theo cả kiểu dáng truyền thống cũng như đồ Đồng Kỵ của Bắc Ninh. Đặc biệt, khác với nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ khác, từ hàng chục năm nay, ở Nga My, không ít cơ sở mộc còn nhận tu bổ, tôn tạo và làm mới những ngôi nhà theo kiến trúc cổ. Ở xã hiện có hàng chục ngôi nhà có tuổi đời trên dưới 200-300 năm, nhiều nhất cũng vẫn là ở làng An Châu. Cũng tại làng này, hiện có gần 20 ngôi nhà có kiến trúc cổ (cả duy tu và xây mới). Nghề mộc lâu nay đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong xã, với tổng doanh thu trung bình 3 năm trở lại đây đạt hàng chục tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm ổn định với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng cho hàng trăm lao động địa phương và vùng lân cận. Đáng mừng hơn, ngày càng có nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh thuê thợ của xã cải tạo, xây mới nhà cổ, nhà truyền thống.

Thiết nghĩ, việc người dân ở một vùng quê còn nhiều khó khăn như Nga My làm nhà theo kiến trúc truyền thống là điều cần được khuyến khích và nhân rộng, bởi điều đó đã, đang và sẽ góp phần gìn giữ một nét đẹp văn hóa truyền thống của làng quê Việt. Đây cũng chính là nét độc đáo trong đời sống văn hóa của vùng quê thuần nông mời gọi nhiều người đến tìm hiểu.