Hãy giúp đỡ cậu học trò nghèo hiếu học

07:39, 04/09/2013

Được lớn lên trong vòng tay yêu thương, che chở của bố, mẹ là hạnh phúc lớn nhất của mỗi đứa trẻ, song em Bế Văn Sự, ở xóm Làng Thường, xã Phú Thịnh, Đại Từ không được hưởng hạnh phúc ấy.

Mẹ em - bà Âu Thị Tâm bị bệnh thần kinh từ lúc còn trẻ, bà khao khát được làm mẹ nên chấp nhận xây dựng gia đình với ông Bế Văn Chấn, người đàn ông góa vợ đã có 5 con. Khi Sự được 3 tháng tuổi, cả nhà chuyển vào miền Nam nhưng vì sức khỏe yếu nên 2 mẹ con em phải ở lại Phú Thịnh, sau đó bố em lâm bệnh rồi qua đời. Bế Văn Sự lớn lên trong chuỗi ngày khó khăn, vất vả khi căn bệnh thần kinh của mẹ ngày càng nặng theo tuổi tác: không có cảm nhận, ăn không biết no... Hằng ngày, ngoài giờ đi học, Sự phải làm đủ mọi việc để kiếm tiền. Từ khi còn học tiểu học, em đã phải đi hái chè, cấy gặt thuê... để có tiền đong gạo. Em tâm sự: “Mẹ bị bệnh thần kinh nên em không được mẹ mong ngóng, thúc giục như các bạn, em phải tự giác học cũng như tự nghĩ việc để làm. Từ lâu lắm rồi, em chưa bao giờ được may quần áo mới vì xoay sở để có miếng ăn hằng ngày đã khó, quần áo đều do các cô giáo cho”.

Khó khăn là thế nhưng Sự luôn nỗ lực vươn lên trong học tập, em luôn được nêu gương trong mỗi cấp học, được thầy cô giáo, bạn bè, hàng xóm quý mến. 9 năm học tiểu học và THCS, em đều đạt học sinh giỏi, 3 năm học ở Trường THPT Nguyễn Huệ, em luôn đạt học sinh tiên tiến và là học sinh duy nhất của Trường đỗ tốt nghiệp loại Khá trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua. Khi đăng ký thi đại học, em phải lựa chọn những trường không phải nộp học phí vì hơn ai hết, em hiểu gia cảnh của mình và với sự tự học của bản thân, em đã thi đỗ Trường Đại học Chính trị với 19 điểm (22,5 điểm cả ưu tiên). Một học sinh dân tộc, không được học thêm và không có cả thời gian để học vào ban ngày, vừa làm lo nuôi mình, nuôi mẹ thì kết quả ấy thật đáng khâm phục. Cầm giấy báo nhập học vào ngày 3-9-2013, niềm vui đến với em cùng nỗi lo: lo không có tiền xe đi về, lo không có tiền mua đồ dùng cá nhân và trăm ngàn nỗi lo khác. Rồi đây em đi học, ai sẽ ở nhà trông mẹ, lấy gì nuôi mẹ?

Nhìn ngôi nhà cũ hoang tàn, xác xơ và góc học tập của Sự với chiếc bàn cũ kỹ càng thêm khâm phục cậu học trò nghèo hiếu học đã biết vượt lên hoàn cảnh với nghị lực phi thường, song cũng thật ái ngại cho những ngày sắp đến của em. Em rất cần được sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền, các nhà hảo tâm để em tiếp tục được đi học và yên tâm về mẹ.