Hãy quên để sống

09:27, 04/09/2013

Bước chân ra khỏi nơi giam giữ, trở về với cuộc đời thường, các anh, chị hãy quên đi quá khứ buồn để sống. Hãy là những công dân có ích, kiên quyết xa rời tệ nạn xã hội, tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại nơi cư trú… Đó là lời động viên của lãnh đạo tỉnh đối với các phạm nhân được đặc xá tha tù trước thời hạn nhân dịp ngày 2-9-2013 tại Trại giam Phú Sơn 4, Tổng cục VIII, Bộ Công an.

Trong hội trường, 409 phạm nhân đang chấp hành cải tạo tại trại được hưởng chính sách hoan hồng của Đảng, Nhà nước ngồi lặng yên vì xúc động. Mỗi người 1 tâm trạng khác nhau, họ ngồi, chờ Ban Giám thị Trại xướng lên tên mình trong danh sách đặc xá tha tù trước thời hạn. Cái giây phút ấy với mỗi người hết sức thiêng liêng, giống như cái giây phút chuyển giao năm cũ sang năm mới. Và hơn thế, đó là giây phút của người lầm lỗi phải trả giá bằng những năm tháng tù tội được gột rửa, rũ bỏ quá khứ buồn để  trở về cuộc sống đời thường. Nhiều người không cầm được nước mắt, từ đây, họ chính thức trở lại là một con người có đầy đủ quyền công dân.

 

 

Thấy anh Nguyễn Văn Trung (Hà Nội) tần ngần đọc nhiều lượt từng dòng chữ ghi trong tờ Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn, tôi hỏi:

 

-Trung thấy Quyết định ghi có đúng họ tên mình không?

 

- Đúng là tên em - Trung nhìn tôi trong nhạt nhòa nước mắt.

 

- Trung có người thân đến đón không?

 

- Em muốn cho người thân sự bất ngờ, nên không cho ai biết em được hưởng đặc xá.

 

Hơn 7 năm trước, Trung từng làm 1 điều khiến cả làng kinh hãi. Trung đã dùng dao đâm chết người. Trung phải trả giá bằng bản án 14 năm tù. Thời gian chấp hành án, nhờ cải tạo tốt, anh được 3 lần giảm án và lần này, anh được đặc xá tha tù trước thời hạn gần 7 năm. Còn chị Triệu Thị Xuân (Cao Bằng) phải chịu án tù chung thân vì tội giết chồng. Do phấn đấu cải tạo tốt, chị Xuân được giảm xuống án có thời hạn 20 năm. Rồi thêm một số lần khác được giảm án, và lần này chị Xuân được hưởng đặc xá tha tù trước thời hạn.

 

Cầm trên tay Quyết định đặc xá tha tù, chị Xuân bùi ngùi: Gần 15 năm (1999 -2013), tôi ở trong trại cải tạo, thời gian như liều thuốc cho tôi thay tâm, đổi tính. Ở trại, tôi được cán bộ giám thị dạy học chữ, học làm tính và học kỹ năng sống. Nay trở về đoàn tụ với gia đình, tôi mong những người thân tha thứ về những lỗi lầm mình đã gây ra.

 

Rất nhiều người do hạn chế nhận thức, do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc do không kiềm chế được bản thân đã trở thành hung thủ giết người, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo, hiếp dâm… nên phải trả giá bằng những năm tháng lao tù. Mỗi người 1 cảnh, một nỗi niềm đau đắng để lúc phải trả giá trong 4 bức tường bao mới rơi lệ hối tiếc, mong pháp luật khoan hồng, mọi người tha thứ. Anh Trần Quốc Quân (Vĩnh Phúc) kể: Vì cần có vốn làm ăn, tôi đã phải huy động vốn vay của nhiều người. Việc làm ăn đổ bể, tôi phá sản và trở thành kẻ lừa đảo, rồi vào tù. Tôi biết vì việc làm của mình mà nhiều gia đình phải tan nhà, nát cửa. Chuyện đã qua rồi, mong ngày về, mọi người không nhìn tôi bằng đôi mắt kì thị. Còn chị Dương Thị Duyên (Bắc Kạn) cố nén giọt nước mắt không bị trào ra, bảo: Vì ham lợi bất chính, em mắc phải tội mua bán trái phép chất ma túy. Tháng ngày ở trong trại cải tạo, em đã nhận thức được đầy đủ hơn về tội lỗi của mình đối với cộng đồng xã hội. Vì thế em quyết tâm cải tạo tốt, nên được đặc xá tha tù trước thời hạn 1 năm. Trước lúc về đến nhà, em gửi lời xin lỗi mẹ, mong mẹ tha thứ cho đứa con gái vì đã không biết vâng lời.

Trên một chiếc xe lăn vừa từ nơi giam giữ đi ra, 1 cụ bà tóc bạc màu sương, khuôn mặt khổ hạnh, nói trong hơi thở khó nhọc, bà Lê Thị Hoàng Tú, 82 tuổi, quê Bắc Giang, can tội giết người nên gần suốt cuộc đời phải sống cảnh tù tội khiến nhiều người không khỏi đắng lòng. Nay được Đảng, Nhà nước, đặc xá tha tù, cụ được về xum họp với con, cháu trước thời hạn. Tôi thầm mong những ngày cuối đời, cụ được sống yên hàn.

 

Phú Sơn ngày đặc xá đông vui như ngày hội, từ sáng sớm đã có hàng nghìn người đứng, ngồi chờ đón người thân trở về với đời thường. Cánh cổng Trại Phú Sơn dần mở, lau đi những giọt nước mắt, những người thân đón người thân mau mải trở về nơi tổ ấm của mình, tôi vô tình chứng kiến đôi vợ chồng còn khá trẻ, họ ôm chặt nhau trong vòng tay, nói với nhau giữa giàn giụa nước mắt: Ở nhà con đã lớn, từ đây, mình quên đi quá khứ xót xa để dạy các con đừng bao giờ mắc vào vòng lao lý như bố.