Sáng nay, 18-9, mưa lớn, kèm theo gió to từ các tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi khiến cho nhiều nơi bị ngập, nhiều cây đổ, trốc gốc gây ách tắc giao thông. Vùng động đất Sông Tranh 2 bị chia cắt, cô lập.
Các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam, Gia Lai và Kon Tum có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, lượng mưa phổ biến từ 20-30mm; các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông có mưa, lượng mưa phổ biến dưới 15mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) 50mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 53mm, Đà Nẵng 51mm, Thành Mỹ (Quảng Nam) 50mm…
Mực nước tại các trạm trên triền sông Thừa Thiên- Huế và Quảng Ngãi có biến động ở mức dưới BĐ1, các nơi khác có dao động. Mực nước lúc 4 giờ ngày 18-9: sông Bồ tại Phú Ốc: 0,63m, dưới BĐ1: 0,87m; sông Hương tại Kim Long: 0,71m, dưới BĐ1: 0,29m; sông Trà Khúc tại Trà Khúc: 2,34m, dưới BĐ1: 1,16m; sông Vệ tại trạm sông Vệ: 2,09m, dưới BĐ1: 0,41m.
Dự báo chiều và đêm nay, trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng ở mức BĐ1-BĐ2; riêng các sông ở Thừa Thiên- Huế, Quảng Ngãi có khả năng trên mức BĐ2-BĐ3; các sông ở khu vực Nam Tây Nguyên ở mức BĐ1 và trên BĐ1.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Ea H’leo, huyện Krông Búk, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh trong ngày 16 và 17-9 đã có mưa vừa đến mưa to, xuất hiện một đợt lũ gây thiệt hại trên địa bàn các huyện Ea Súp và Ea H’leo.
Trong ngày 18-9, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Phú Yên và Đắk Lắk đã có công điện, thông báo về công tác chủ động triển khai ứng phó với bão số 8 và diễn biến mưa, lũ.
Các hồ chứa trong khu vực đang vận hành bình thường. Dung tích các hồ chứa các tỉnh khu vực miền Trung phổ biến đạt từ 50-80% so với dung tích thiết kế. Một số hồ xả điều tiết như hồ Núi Ngang (Quảng Ngãi); Định Bình (Bình Định). Hiện một số hồ đập nhỏ tại huyện Krông Búk (Đắk Lắk) có nguy cơ mất an toàn, như đập Ea Gin, đập Buôn Thia, đập thủy điện xã Chứ Kbô.
Tại Đà Nẵng: Hàng trăm ngư dân các phường Mân Thái, Thọ Quang (Sơn Trà) đã đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão. Trong khi đó, lực lượng phòng chống bão của quận Sơn Trà cũng điều xe chạy dọc theo tuyến đường ven biển để thông báo tình hình bão lũ và yêu cầu người dân chèn chống nhà cửa tránh bão.
Tại Quảng Nam: Mưa lớn kèm với gió giật mạnh từ chiều qua đến sáng nay. Tại T.P Tam Kỳ đã có nhiều cây xanh bị bật gốc, gây ách tắc giao thông.
Sáng 18-9, có mặt ở biển Tam Thanh, T.P Tam Kỳ, nhiều ngư dân đã đội mưa gấp rút đưa tàu thuyền vào bờ. Các hàng quán, nhà dân đã chằng chống lại nhà cửa để tránh bão. Tuy nhiên, một số người dân ở vùng biển vẫn tỏ ra khá thờ ơ, chủ quan cho rằng bão nhỏ nên vẫn chưa có biện pháp gia cố lại nhà cửa, vật dụng.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8, vùng động đất thủy điện Sông Tranh 2, huyện Trà My tỉnh Quảng Nam liên tục có mưa lớn kéo dài. Lượng mưa trung bình hai ngày qua khoảng gần 80mm, làm nước lũ các sông suối dâng cao, gây ngập lụt, chia cắt cục bộ tại nhiều nơi. Đêm 17 và rạng sáng 18-9, điện lưới vùng Trà My cũng bị mất và gián đoạn liên tục.
Đặc biệt, tại ngầm Sông Trường trên tuyến 616, thuộc thôn Mậu Long, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My, khoảng 7 giờ 30 sáng 18-9, nước lũ đã băng qua ngầm và dâng cao gần cả mét, chia cắt và cô lập hoàn toàn huyện Nam Trà My và 6 xã vùng cao của huyện Bắc Trà My trong nhiều giờ liền.
Công an huyện và công an xã Trà Sơn buộc phải lập chốt chặn, bố trí lực lượng túc trực nghiêm cấm người và phương tiện qua lại ngầm để đảm bảo an toàn. Hàng trăm người và phương tiện bị mắc kẹt hai bên đầu cầu ngầm này.
Từ trưa 18-9, mưa ở Trà My đã nhiều hơn, khu ngầm bị ngập sâu và cắt đứt lưu thông toàn bộ tại nút giao thông huyết mạch này.
Mưa lũ lớn làm nước đổ về hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 tăng đột biến. Theo ông Nguyễn Văn Lân, Phó giám đốc Công ty thủy điện Sông Tranh, trưa 18-9, nước đổ về lòng hồ bình quân 768,89m3/s, khiến nước hồ chứa dâng lên cao trình 142,25m, cao hơn mực nước chết 2,25m (mực nước chết cao trình 140m). Công ty huy động động phát liên tục tối đa 2 tổ máy để hạn chế việc tích nước. Song, lượng nước thoát tối đa qua tuốc-bin của 2 tổ máy chỉ khoảng 220m3/s nên mực nước hồ chứa sẽ tiếp tục tăng.
Dự báo, sẽ dễ dâng cao đến cửa xả tràn (cao trình 160m) nếu tiếp tục có mưa lớn. Công ty đã mở sẵn toàn bộ 6 cửa xả tràn để đón và xả lũ trong trường hợp lũ về lớn, hạn chế thấp nhất việc tích nước hồ chứa.
Ông Nguyễn Nhuần, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bắc Trà My nhận định, đây là đợt mưa lũ kéo dài và lớn nhất kể từ khi thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra các biến cố thấm, chảy nước và động đất kích thích liên tục cho đến nay. Vì vậy, công tác phòng chống lụt bão đã được huyện và Công ty thủy điện Sông Tranh triển khai rất khẩn trương, đồng bộ và chủ động.