Từ năm 2006, khi Nhà máy Kẽm điện phân (Công ty TNHH Một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên) được đầu tư và đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp (KCN) Sông Công thì vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực này thực sự trở nên nóng bỏng. Đã không ít lần người dân địa phương “bao vây” đòi đóng cửa Nhà máy và cũng không ít phương án khắc phục được đưa ra, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Hiện nay, Nhà máy đang đầu tư hằng trăm tỷ đồng để thay đổi công nghệ tiên tiến, hiện đại xử lý ô nhiễm môi trường.
Từ những thiệt hại của người dân
Gần 8 năm qua, việc thỉnh thoảng để xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy Kẽm điện phân đã làm thiệt hại đến hoa màu, vật nuôi và sức khỏe của người dân, gây bức xúc trong dư luận. Gần đây nhất, vào các ngày từ 15 đến 17-7-2013, Nhà máy đã xảy ra sự cố rò rỉ chất thải độc hại ra ruộng lúa, ao cá của nhân dân hai tổ dân phố Chương Lương và Dọc Dài của phường Bách Quang (T.X Sông Công) gây nên hiện tượng táp lá lúa và làm chết cá trong ao. Tiếp đó, đêm 31-7, người dân đã phát hiện nước thải chưa qua xử lý từ Nhà máy chảy ra bên ngoài.
Sau sự cố gây ô nhiễm môi trường xảy ra, chúng tôi đã tới nhà bà Nguyễn Thị Nụ, tổ dân phố Chương Lương, nằm ngay phía sau Nhà máy Kẽm. Lúc này, bà Nụ đang phải ngậm ngùi phá bỏ vườn quất đã bị héo khô của gia đình. Bà cho biết: Cả vườn có khoảng 1.000 gốc quất thì hiện đều bị rụng hết lá, trơ lại những cành cây khô. Trước kia, thỉnh thoảng còn cho thu hoạch, nhưng thời gian gần đây do ảnh hưởng của khí thải, nước thải độc hại của Nhà máy Kẽm điện phân nên quất không còn ra quả nữa và dần chết khô. Bà Nụ chỉ cho chúng tôi những cây vải, cọ, bạch đàn trong vườn nhà, cây nào cũng có nhiều cành chết khô, lá bị táp vàng úa. Ngay cả cánh cổng sắt mới sử dụng được mấy năm của gia đình bà cũng bị khí thải ăn mòn nham nhở, có chỗ sắt bị mủn đến nỗi dùng tay ấn mạnh là gẫy vụn.
Còn ông Dương Văn Y, tổ dân phố Dọc Dài bày tỏ bức xúc: Do vị trí của tổ dân phố ở thấp hơn Khu Công nghiệp, nên mỗi khi trời mưa, nước thải đều tràn hết cả xuống ruộng, ao, đất vườn và nhà ở của người dân. Gia đình tôi ở ngay sát tường rào của KCN Sông Công, nên bị ảnh hưởng nhiều hơn. Trong tháng 7 này, nước thải tràn ra ruộng làm táp lá toàn bộ diện tích lúa và chết hết cá nuôi trong 3 sào ao của gia đình. Giếng khơi của nhà và nhiều hàng xóm khác đều không sử dụng được do nước có mùi lạ và vẩn đục. Người dân ở đây phải đi chở nước từ các nơi khác về để ăn uống và tắm giặt.
Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức về thiệt hại, song theo tính toán sơ bộ thì chỉ riêng hai tổ dân phố Chương Lương và Dọc Dài thôi cũng có tới hàng chục héc ta lúa và nhiều diện tích cây ăn quả, cây lấy gỗ, ao cá… bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường từ Nhà máy Kẽm điện phân.
Trước thực trạng ô nhiễm đó, hầu hết các hộ dân sống trong khu vực chịu ảnh hưởng đều bức xúc cho rằng cần phải đóng cửa Nhà máy hoặc di chuyển Nhà máy ra vị trí khác. Mặt khác, nhiều hộ dân cũng bày tỏ mong muốn được chuyển đi ở nơi khác bảo đảm hơn. Ông Cao Văn Minh, Tổ trưởng Tổ dân phố Chương Lương cho rằng: Một nhà máy gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân như vậy thì nên cho dừng hoạt động. Bà Nguyễn Thị Ngọc, tổ dân phố Chương Lương cũng kiến nghị, cần phải có những quan tâm thỏa đáng cho các hộ bị ảnh hưởng và chấm dứt vĩnh viễn hoạt động của Nhà máy Kẽm tại KCN. Ông Dương Văn Y, tổ dân phố Dọc Dài thì bày tỏ: Chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền nhanh chóng di chuyển người dân đến khu tái định cư mới để mọi người yên tâm sinh sống và sản xuất.
Những bức xúc và đòi hỏi của người dân là hoàn toàn chính đáng, song các phương án, đề xuất đưa ra đều thiếu tính khả thi, hoặc khó thực hiện, nhất là trong thời điểm hiện tại. Thứ nhất, việc đóng cửa vĩnh viễn Nhà máy hoặc di chuyển Nhà máy đi nơi khác là không thể thực hiện. Nhà máy Kẽm điện phân là khối tài sản khổng lồ với giá trị đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đang giải quyết việc làm cho gần 500 lao động. Bởi vậy chỉ có thể đóng cửa Nhà máy tạm thời cho đến khi vấn đề ô nhiễm được kiểm soát, chứ không thể đóng cửa vĩnh viễn hoặc di chuyển đi nơi khác vì như thế sẽ gây lãng phí, tổn thất lớn cho doanh nghiệp, Nhà nước. Thứ hai, về di chuyển dân cư, được biết từ lâu T.X Sông Công đã có chủ trương đưa các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng song nhiều năm nay vẫn chưa thể làm được. Nhiều cân nhắc được đưa ra, vấn đề di chuyển cả trăm hộ dân đi nơi khác là không dễ, ngoài liên quan đến kinh phí còn là việc bố trí ruộng đất canh tác, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết lao động… Hơn nữa, việc di chuyển nhân dân ra nơi khác cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề. Bởi lẽ, di chuyển các hộ dân là để tránh cho họ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường của Nhà máy Kẽm, vậy còn hàng nghìn công nhân, người lao động đang làm việc trong KCN Sông Công thì sao. Họ là đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng từ khí thải, nước thải độc hại của Nhà máy. Do đó, lúc này không có phương án nào hiệu quả bằng giải pháp thay đổi công nghệ, đầu tư dây chuyền xử lý môi trường đảm bảo tại đây.
Tập trung đầu tư dây chuyền công nghệ
Theo kết quả đo kiểm tra ngày 8.7.2013 tại Nhà máy Kẽm điện phân của các cơ quan chức năng cho thấy: Chỉ tiêu H2S trong không khí xung quanh Nhà máy vượt từ 31,4 lần đến 61,6 lần cho phép; chỉ tiêu SO2 trong không khí vượt từ 1,1 đến 7,1 lần; chỉ tiêu HCL trong không khí vượt từ 1,2 đến 11,07. Tiếp đó, ngày 19.7, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tổ chức lấy mẫu và phân tích mẫu nước từ nhà máy nước điện phân chảy vào mương La Vang gần đó để đánh giá mức độ ô nhiễm. Kết quả phân tích cho thấy nhiều chỉ tiêu đã vượt ngưỡng chỉ tiêu chất thải nguy hại.
Ông Lê Đức Thành, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên cho biết: Khi xây dựng Nhà máy thì nguồn khí thải, nước thải của đơn vị đều nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng theo tiêu chuẩn mới ở thời điểm này thì lại không đảm bảo. Bởi thế thời gian gần đây Nhà máy không dám hoạt động hết công suất. Công nghệ xử lý môi trường của Nhà máy hiện đã lạc hậu, cần phải đầu tư dây chuyền mới, hiện đại hơn. Chúng tôi đã được phê duyệt Dự án đầu tư, cải tạo và nâng cấp Nhà máy với tổng kinh phí 312 tỷ đồng. Thời gian qua, Công ty đã giải ngân khoảng 100 tỷ đồng để xử lý các bãi thải, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, mở rộng hồ chứa nước thải, xây dựng nhà chứa thải bên trong và bên ngoài, lắp đặt các bơm rửa lốp xe chở thải... Về lâu dài, chúng tôi đang triển khai Dự án đầu tư lắp đặt dây chuyền xử lý ô nhiễm với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Đây là dây chuyền khá hiện đại, khi lắp đặt xong sẽ xả thải đảm bảo theo tiêu chuẩn mới của Nhà nước. Ngoài ra, về nguồn nước thải, Công ty đang cho xây dựng phương án bao che toàn bộ bãi thải trong và ngoài, tránh tối đa tình trạng nước mưa làm rửa trôi chất thải ra bên ngoài. Do hệ thống thoát nước thải của Nhà máy đã xuống cấp nghiêm trọng, nên tới đây Công ty sẽ cho cải tạo lại toàn bộ. Đồng thời, hợp đồng với Công ty Hạ tầng KCN để cùng tham gia xử lý nước thải từ Nhà máy. Ông Thành khẳng định thêm: Thời gian tới, bằng mọi giá sẽ không để Nhà máy xảy ra sự cố đáng tiếc như trước nữa. Mọi vấn đề về ô nhiễm môi trường sẽ được Công ty kiểm soát kỹ lưỡng. Những thiệt hại của người dân, Công ty đã triển khai hỗ trợ và bồi thường hợp lý...
Việc Nhà máy Kẽm điện phân đang nỗ lực triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường gây ra, đồng thời đầu tư thay đổi công nghệ, nhất là công nghệ xử lý ô nhiễm, được xem là những động thái tích cực, có trách nhiệm bước đầu đối với đơn vị xả thải. Hy vọng, thời gian tới, những sự cố môi trường tương tự không còn xảy ra để không chỉ đời sống của người dân được bảo đảm mà hoạt động sản xuất của Nhà máy cũng ổn định hơn.
Sau khi xác minh, làm rõ sự cố môi trường xảy ra tại Nhà máy Kẽm hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, Ban lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên khẳng định: Để xảy ra sự cố là do một số cán bộ, công nhân phụ trách khu vực cửa xả khí thải còn thiếu trách nhiệm. Công tác quản lý chất thải, bãi thải trong Nhà máy thời gian qua đã bị buông lỏng. Hơn nữa, công nghệ xử lý ô nhiễm đã quá lạc hậu; khi tiến hành cải tạo thay thế mới một số bộ phận, nhất là khu vực lò hơi thì cán bộ, công nhân không làm chủ được công nghệ… Ngay sau đó, Công ty đã quyết định xử lý kỷ luật 3 cán bộ gồm: Giám đốc Nhà máy; Phó trưởng Phòng an toàn phụ trách môi trường của Công ty và Quản đốc Phân xưởng Năng lượng của Nhà máy. Công ty cũng điều động cán bộ về thay vị trí Giám đốc, Quản đốc của Nhà máy và chuyển Tổ xử lý nước thải của Phân xưởng Năng lượng sang Phân xưởng Hòa tách điện phân. |