Tết Độc lập ở bản người Dao

16:05, 02/09/2013

Từ UBND xã Vũ Chấn (Võ Nhai), chúng tôi chạy xe máy chừng 20 phút thì đến trung tâm xóm người Dao Khe Rạc. Thở phào, nhìn công tơ mét mới biết đoạn đường chúng tôi vừa đi chỉ vẻn vẹn hơn 3 km. Toàn những đất, đá lổng chổng, dốc gấp, cua vội làm đôi tay tê tức, mấy lần người, xe xuýt văng ra đường.

Vậy mà trên trục đường của xóm, chúng tôi gặp tíu tít những em nhỏ nô nghịch và những người dân tất bật đi nương, đi ruộng. Tuy bận rộn, nhưng trước nhà của một số gia đình đã treo cờ Tổ quốc, nền đỏ rực rỡ có sao vàng 5 cánh tung bay.


Xóm Khe Rạc có 58 hộ, 250 nhân khẩu, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đất canh tác, thiếu vốn đầu tư và thiếu kinh nghiệm sản xuất. Xóm có 34 hộ nghèo, chiếm hơn 57%. Tuy đời sống còn chưa hết khó khăn, nhưng đồng bào sống có tình, có nghĩa, tối lửa tắt đèn có nhau, cùng chung tay xây dựng cuộc sống dần thêm no ấm.


Ông Nông Văn Tuyền, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Không khí Tết Độc lập (2-9) năm nay gõ cửa những ngôi nhà sàn của bản người Dao Khe Rạc sớm hơn mọi năm. Bởi từ trung tuần tháng 8, đồng bào người Dao xóm Khe Rạc cùng bà con xóm Cao Sơn đã cùng nhau đi tu sửa lại đường làng ngõ xóm. Người dân 2 xóm này cũng đã tự góp tiền, góp gỗ ván và sức lao động cùng làm 1 cây cầu qua suối để việc ra vào xóm thuận lợi. 


Đây là đoạn suối thứ 3 vào Khe Rạc được nhân dân làm cầu. Ông Triệu Hữu Hưng, Trưởng xóm Khe Rạc nói mộc mạc: Năm nào vào mùa mưa cũng có vài đợt nước lũ tràn suối, mỗi đợt kéo dài từ 2 đến 4 ngày, bà con dân bản không ra, vào được. Vì lo ngày Tết Độc lập trời đổ mưa, nước lũ dâng to, dân trong xóm muốn ra xã, ra huyện hoặc về tỉnh xem hội lại như bị trói cái chân. Nên khi vận động bà con đóng góp công sức, tiền của tự làm cầu qua suối, ai nấy phấn chấn tham gia.


Đó là 1 ngày hội, ngày hội làm cầu sang suối của đồng bào xóm Khe Rạc và xóm Cao Sơn. Cả 2 xóm này có 100% dân số là người đồng bào dân tộc Dao. Hôm thi công cây cầu (11-8), Đặng Văn Hiện, Trưởng xóm Cao Sơn dẫn theo gần 40 người; Triệu Hữu Hưng cũng đưa theo gần 40 người, trên vai người Cao Sơn, người Khe Rạc đều mang theo gỗ, tre, và dây thép để làm cầu. Triệu Lăng Yên, xóm Khe Rạc bảo: Gần 80 con người, quật sức 1 ngày, làm xong cái cầu dài gần 20 mét, rộng 1,2 mét bắc qua suối. Hai bên bờ suối được đồng bào mở thêm đường lên cầu. Nhờ có cây cầu mới, xe máy, xe đạp và người đi bộ không còn lo cái nước lũ nó cuốn trôi.


Nghe chuyện làm cầu sang suối vào dịp trước Tết Độc lập, những người cao tuổi nhất của xóm khe Rạc bây giờ là cụ Bàn Thị Nẩy, 89 tuổi; cụ Hoa Thị Lều 80 tuổi vui lắm, Ai cũng mong được trẻ lại vài tuổi để chống gậy qua cầu đi thăm bà con dân bản người Dao bên Khe Rịa, Khe Cái và Khe Nọi cùng xã.


Trước đây, vào ngày Tết Độc lập, nhiều cụ trong xóm còn đi bộ lên Ba Nhất (Phú Thượng); đến Làng Mười (Dân Tiến) thăm nom bạn bè người Dao, hoặc có khi về T.P Thái Nguyên xem văn công, xem thi đấu thể thao 1, 2 hôm mới về. Còn lớp trẻ bây giờ không phải đi bộ, đi ngựa mà đã có xe máy chạy thay cho cái chân, nhanh mà tiện. Còn đám trẻ nhỏ không đi được xa lại rủ nhau về trung tâm xóm chơi đùa, chúng cười vui nắc nẻ.


Chuyện ngày Tết Độc lập, một cụ già khi được hỏi đã giải thích: Người Dao ăn Tết truyền thống như các dân tộc Việt Nam, còn ngày Tết Độc lập, nhiều gia đình cũng làm bánh, nấu xôi, thịt gà đãi khách.


Tết Độc lập không ăn to, nhưng vui chơi thoải mái, cháu Triệu Phúc Duy, học sinh lớp 2 nói vô tư… Vào xóm, chưa đến ngày 2-9, nên hầu hết các ngôi nhà đều khép cửa, chủ nhà đang đi nương. Nhà bà Triệu Thị Xuân cũng thế, cửa khép, mọi người trong nhà đều ra đồi hái chè, nhưng bất cứ ai qua đường cũng có thể vào nhà ngồi nghỉ ngơi.


Bước vào, chúng tôi thấy ngay dưới sàn nhà được kê bộ bàn ghế gỗ tiện, trên bàn để sẵn bật lửa, thuốc lào, ấm chén, phích đựng nước sôi. Bên cạnh còn có chiếc quạt cây chạy điện và chiếc đài chạy pin đang phát sóng chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chúng tôi ngồi đợi gần 2 tiếng thì bà Xuân, chủ nhà về. Mồ hôi nhễ nhại, bà đổ bao chè ra sàn nhà rồi quay lại trò chuyện với mọi người như đã quen biết từ lâu. Bà khoe: Không biết nhà mình có bao nhiêu diện tích cây chè, nhưng mỗi lần hái được 20 kg chè búp khô, 1 năm hái 6 lần, cộng lại được 120 kg/năm, mang bán được 60.000 đồng/kg. Ngoài chè, gia đình còn có 8 sào ruộng cấy 1 vụ lúa mùa, năm mưa thuận thu hoạch được 1 tấn thóc, năm khô hạn thu hoạch được hơn 5 tạ thóc.


Ở Khe Rạc, gia đình bà Xuân là hộ có kinh tế khá của xóm. Còn phần lớn các hộ phải đi đào củ măng, tìm lá cây thuốc nam bán lấy tiền mua lương thực ăn ngày giáp hạt. Khó khăn là thế, nhưng đồng bào không chặt cây lấy gỗ bán cho "lâm tặc", không đốt rừng làm nương rẫy như nhiều năm trước đây. Đặc biệt xóm Khe Rạc không có người nghiện hút, không có người trộm cắp. Nhà cửa chỉ khoá hờ. Người qua đường, vào chơi bất cứ nhà ai, gặp bữa đều được mời trình trọng như khách quý, nhất là vào những ngày Tết Độc lập và ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.