Thiết thực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/điôxin

08:32, 26/09/2013

Chính thức hoạt động được trên 5 năm nhưng Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin (NNCĐDC) Phú Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin trên địa bàn. Với sự trợ giúp của Hội, hàng nghìn lượt nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin đã được hỗ trợ làm nhà, sửa chữa nhà, tặng quà, được hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí…

Đã gần 3 năm ở trong ngôi nhà xây kiên cố do Hội NNCĐDC huyện hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng, nhưng niềm vui dường như chưa hề tắt đối với nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin Ngọ Ngọc Tuyết và vợ là bà Dương Thị Bộ ở xóm Thơm, Thị trấn Hương Sơn. Ông Tuyết tâm sự: “Tôi ra trận, đóng góp phần sức lực nhỏ bé cho sự nghiệp giải phóng đất nước, đến khi về già, sức khỏe yếu, gặp lúc khó khăn lại được giúp đỡ xây nhà thì quả thật rất hạnh phúc. Tôi thấy lòng mình ấm áp như nhận được tấm lòng của những người đồng đội cùng kề vai chiến đấu nơi chiến trường xưa”.

 

Ông Tuyết là bộ đội tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam từ năm 1968 đến năm 1976. Trở về quê hương khi đã bị nhiễm chất độc da cam/điôxin, ông Tuyết mắc nhiều bệnh mãn tính khiến sức khỏe yếu. Hàng chục năm, ông Tuyết và vợ ở trong căn nhà xiêu vẹo do không có điều kiện xây dựng nhà kiên cố. Trước hoàn cảnh khó khăn của ông, năm 2010, Hội NNCĐDC huyện đã vận động hỗ trợ 10 triệu đồng để ông xây dựng nhà, đồng thời vận động người thân trong gia đình cùng trợ giúp về tiền, vận động bà con làng xóm trợ giúp công lao động. Kết quả là chỉ sau 2 tháng thi công, căn nhà mới rộng 3 gian kiên cố trị giá 70 triệu đồng đã hoàn thành trong niềm vui của gia đình ông Tuyết.

 

Tương tự như gia đình ông Tuyết, gia đình bệnh binh Dương Chí Nghĩa ở tổ dân phố Nguyễn 1, Thị trấn Hương Sơn cũng được Hội NNCĐDC huyện Phú Bình vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây mới nhà ở. Ông Nghĩa là bệnh binh hạng 2/4, bị nhiễm chất độc da cam/điôxin từ chiến trường miền Nam. Nhiều năm nay, ông không còn khả năng lao động do mắc nhiều bệnh như: huyết áp, tiểu đường và đặc biệt là bệnh u gút. Toàn thân ông Nghĩa nổi nhiều hạch to khiến cho việc đi lại, sinh hoạt của ông gặp nhiều khó khăn. Sau những đợt mưa đầu năm 2011, căn nhà tre vách đất của vợ chồng ông bị sập hoàn toàn. Trước khó khăn của gia đình, Hội NNCĐDC huyện thông qua Hội NNCĐDC tỉnh vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 35 triệu đồng, giúp gia đình ông xây mới căn nhà khang rộng 3 gian ngay trên nền ngôi nhà cũ trước đây. Tâm sự với chúng tôi, ông xúc động nói: “Không có sự trợ giúp của Hội, người nhiều bệnh như tôi chắc không xây nổi ngôi nhà khang trang thế này”.

 

Được biết, 5 năm đi vào hoạt động, Hội NNCĐDC Phú Bình đã luôn chú trọng công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và coi đây là chức năng chủ yếu của Hội. Bằng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ Hội, sự phối hợp của các cơ quan chức năng, những năm qua, nạn nhân nhiễm chất độc da cam/điôxin đã nhận được sự chăm sóc, giúp đỡ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: thăm hỏi, tặng quà nhân ngày Tết cổ truyền, Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8); hỗ trợ làm nhà, sửa nhà; tặng xe lăn...

 

Hội NNDC huyện đã vận động được gần 1,3 tỷ đồng ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân nhiễm chất độc da cam/điôxin trên địa bàn ổn định cuộc sống. Trong đó, Hội đã hỗ trợ gần 500 triệu đồng cho 36 nạn nhân xây dựng nhà mới; hỗ trợ trên 155 triệu đồng khám bệnh, cấp thuốc miễn phí hàng năm cho gần 3,8 nghìn lượt nạn nhân nhiễm chất độc da cam/điôxin; hỗ trợ 285 triệu đồng vốn tăng gia cho 57 lượt người; hỗ trợ trên 17 triệu đồng cho nạn nhân mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn rủi ro…

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Lực, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC huyện Phú Bình cho biết: Sau 5 năm đi vào hoạt động, chúng tôi đã rút ra bài học kinh nghiệm đó là để công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân có hiệu quả cao nhất thì Hội phải là cầu nối giới thiệu các địa chỉ cần quan tâm giúp đỡ tới cá nhân, tổ chức hảo tâm. Mặt khác, Hội phải động viên các nạn nhân vươn lên trong cuộc sống, chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ bài học này, thời gian tới chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ, đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân nhiễm chất độc da cam/điôxin, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.