Thực hiện quy định mới về sang tên đổi chủ: Những phản hồi tích cực

09:21, 20/09/2013

(TN) - Sau hơn 5 tháng thực hiện Thông tư số 12/2013/TT-BCA sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12-10-2010 quy định về đăng ký xe của Bộ Công an, đa số người dân trong tỉnh đều có phản hồi rất tốt. Bởi quy định mới về thủ tục sang tên, đổi chủ đã gỡ khó cho người đang sử dụng xe qua nhiều lần chuyển nhượng nhưng chưa thực hiện các thủ tục sang tên, đổi chủ.

Quy định mới không yêu cầu khắt khe việc người đứng tên giấy đăng ký xe hoặc người bán cuối cùng trực tiếp làm giấy khai sang tên di chuyển; đồng thời cũng giải quyết đối với trường hợp hồ sơ không có giấy chuyển nhượng của người đứng tên xe và người bán cuối cùng.


Anh Vũ Đức Hạnh, tổ 13, phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) vừa làm thủ tục sang tên, đổi chủ chiếc xe ô tô Toyota mua của một người bạn. Chiếc xe này được đăng ký lần đầu tại tỉnh Nghệ An, đã qua nhiều chủ nên anh Hạnh rất lo lắng khi làm thủ tục sang tên, đổi chủ. Anh cho biết: Trái với suy nghĩ của tôi, việc sang tên, đổi chủ khá thuận lợi. Cán bộ của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) hướng dẫn tôi rất nhiệt tình.


Có mặt tại Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) vào một ngày giữa tháng 9, chúng tôi thấy rất nhiều người dân đến đây làm thủ tục sang tên, đổi chủ phương tiện giao thông. Anh Mai Văn Chinh, xóm Ấp Chè, xã Văn Hán (Đồng Hỷ), một người dân đến làm thủ tục sang tên, đổi chủ xe máy chia sẻ: Tôi mới mua lại một chiếc xe máy (Wave - Honda). Tưởng xe mua lại thủ tục phức tạp nhưng đến đây, tôi thấy việc làm thủ tục rất đơn giản, thuận tiện. Đăng ký năm 2012, lại cùng tỉnh nên xe của tôi vẫn được giữ nguyên biển số, chỉ phải đổi tên chủ sở hữu.


Không chỉ riêng anh Hạnh, anh Chinh mà rất nhiều người dân đến đây làm thủ tục sang tên, đổi chủ xe ô tô, mô tô đều có chung nhận xét như vậy. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Ninh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông cho biết: Trước khi Thông tư số 12 có hiệu lực, chúng tôi đã cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ đăng ký xe tham gia lớp tập huấn do Công an tỉnh tổ chức. Do đó, anh em đều đã nắm rõ các quy định mới về thủ tục sang tên, đổi chủ. Từ khi Thông tư có hiệu lực đến nay (hơn 5 tháng), chúng tôi đã tiếp nhận 502 hồ sơ trong tỉnh, trong đó có 57 xe ô tô và 445 xe mô tô. Theo đó, số hồ sơ chuyển từ các tỉnh khác đến là 48 hồ sơ (44 ô tô và 4 xe mô tô). Các hồ sơ này đã và đang được xem xét, giải quyết theo đúng trình tự. Trong quá trình thực hiện quy định sang tên, đổi chủ, Phòng Cảnh sát giao thông đã phát hiện một số sai phạm. Trong đó, đã phát hiện ra 5 trường hợp tẩy xóa đăng ký xe mô tô; 3 trường hợp tẩy xóa số máy, số khung nguyên thủy của xe mô tô để đóng lại số khác và 4 trường hợp  xe mô tô bị trộm cắp.


Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Văn Minh, xóm Huống Trung, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ). Do không biết rõ nguồn gốc xe nên khi thấy có đăng ký chính tên, chính chủ, anh đã mua lại chiếc xe Yamaha và mang đến Phòng Cảnh sát giao thông làm thủ tục sang tên, đổi chủ. Sau khi tiếp nhận hồ sơ của anh Minh, Phòng Cảnh sát giao thông phát hiện đây là chiếc xe của ông Hoàng Minh Đức ở xóm Đầm Dín, xã Phú Lạc (Đại Từ), đã bị lấy trộm ngày 8-2-2013. Ngay sau đó, Phòng đã chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đại Từ để điều tra, giải quyết theo thẩm quyền.


Thực tế, việc thực hiện quy định sang tên, chuyển quyền sở hữu phương tiện trong các giao dịch dân sự vừa là quyền và nghĩa vụ nhằm đảm bảo lợi ích của người dân đối với tài sản là phương tiện do mình sở hữu. Đây cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm mà người dân cần ý thức được và nghiêm túc thực hiện. Khi người dân sở hữu tài sản là phương tiện giao thông sẽ giúp cơ quan chức năng có căn cứ để giải quyết các tranh chấp dân sự, giải quyết tai nạn, xe bị mất cắp, xe liên quan đến các vụ án hình sự. Theo Trung tá Võ Hồng Thái, Đội trưởng Đội Đăng ký xe (Phòng Cảnh sát giao thông), đây cũng được xem như một hình thức cung cấp thông tin với cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng có thông tin để truy nguyên nguồn gốc xe, từ đó đưa ra biện pháp xử lý phù hợp…


Qua hơn 5 tháng thực hiện Thông tư số 12 có thể thấy các quy định mới này là giải pháp tổng thể, hữu hiệu để giải quyết những tồn tại, bất cập đã tích tụ từ nhiều năm nay trong công tác quản lý hành chính của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; giúp tăng cường hiệu lực quản lý phương tiện giao thông, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền cơ bản của người dân về sở hữu đã được Hiến pháp quy định.
 

Theo Thông tư số 12, với xe đăng ký sang tên trong cùng một tỉnh, hồ sơ đăng ký gồm: Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe, có xác nhận của cơ quan công an địa phương (phường, xã, thị trấn) nơi người đang sử dụng xe thường trú; chứng từ nộp lệ phí trước bạ theo quy định; chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng; giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (trường hợp bị mất phải trình bày rõ lý do). Đối với xe đăng ký sang tên không cùng một tỉnh, hồ sơ nơi chuyển đi sẽ tương tự như trên trong khi hồ sơ nơi chuyển đến phải có thêm phiếu sang tên di chuyển kèm theo hồ sơ gốc của xe.