Tiếp sức cho nhân viên y tế thôn bản

08:35, 19/09/2013

Nhân viên y tế thôn bản (YTTB) có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ ban đầu cho người dân tại khu dân cư. Đặc biệt ở một huyện miền núi như Định Hóa thì họ còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh và kế hoạch hóa gia đình. Bắt đầu từ năm 2009, việc nâng mức hỗ trợ hằng tháng cho YTTB bằng 0,5 mức lương tối thiểu (đối với các xóm bản thuộc xã), 0,3 (đối với các xóm thuộc thị trấn) và 0,15 (đối với các tổ dân phố) là nguồn động viên, tiếp sức cho YTTB thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Huyện Định Hóa hiện có 435 nhân viên YTTB, 100% đã có trình độ sơ cấp. Họ có nhiệm vụ thực hiện tuyên truyền các kiến thức bảo vệ sức khoẻ và an toàn cộng đồng; hướng dẫn thực hiện vệ sinh phòng bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý; tuyên truyền hướng dẫn vệ sinh 3 sạch (ăn sạch, ở sạch, uống sạch), 4 diệt (diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột, diệt bọ chét), sử dụng nguồn nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh... Ngoài ra YTTB còn thực hiện sơ cứu ban đầu và chăm sóc các bệnh thông thường, chăm sóc người mắc bệnh xã hội tại nhà. Điều đáng ghi nhận là mấy năm gần đây, trên địa bàn huyện không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiểm chủng đạt trên 90%, tình trạng sinh con tại nhà cơ bản đã không còn, người dân ít nhất cũng đã tiếp cận với các trạm y tế xã, chỉ trừ một vài trường hợp sản phụ trở dạ quá nhanh không kịp chuyển đến cơ sở y tế. Kết quả này có sự góp sức rất lớn của đội ngũ YTTB trong việc tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng chống dịch bệnh và thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ em.


Bác sĩ Mai Thị Sửu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Định Hóa cho biết: Cùng với việc đảm nhiệm khối lượng công việc khá lớn, YTTB ở những xóm, thôn vùng sâu của huyện rất vất vả bởi giao thông đi lại khó khăn. Là những người trực tiếp triển khai các chương trình y tế đến tận người dân, đồng thời cũng là người có mặt đầu tiên mỗi khi người dân cần, họ làm việc với lòng nhiệt tình, vì phụ cấp dành cho nhân viên YYTB không đáng kể. Từ năm 2011, theo Quy định của Chính phủ nhân viên YTTB được hưởng mức hỗ trợ bằng 0,5 hoặc 0,3 mức lương tối thiểu tùy theo khu vực. Cùng với đó, bắt đầu từ năm 2012, huyện được Dự án “Hỗ trợ hệ thống y tế do Quỹ toàn cầu tài trợ”, nhân viên YTTB ở các xã được hưởng thêm 5 đô la Mỹ/tháng. Đây là sự động viên rất lớn dành cho hệ thống YTTB để họ làm tốt hơn công việc của mình.


Chị Lý Thị Hương, nhân viên YTTB xóm Khuổi Tát, xã Quy Kỳ (xóm 135-pv), người đã có thâm niên 13 năm trong nghề chia sẻ: Xóm tôi có 56 hộ nhưng địa bàn rộng, trải dài đến 3 cây số. Có nhà để đến được tôi phải đi bộ nửa tiếng đồng hồ. Những trường hợp phụ nữ mang thai trở dạ sớm hơn dự tính, trẻ nhỏ lên cơn sốt, hoặc trường hợp nhà có người sắp qua đời, hầu hết người ta đều gọi tôi tới. Nhiều hôm tôi phải đi lúc 3, 4 giờ sáng. Vất vả nhưng cũng thấy vui vì mình làm được việc có ích và được mọi người coi như người thân trong gia đình. Từ khi được hưởng mức hỗ trợ bằng 0,5 mức lương tối thiểu và sự hỗ trợ của Quỹ toàn cầu, giờ mỗi tháng tôi cũng được phụ cấp gần 700 nghìn đồng. Tôi rất mừng và thấy mình cần có trách nhiệm hơn với công việc.


Tương tự, chị Nguyễn Thị Phương, nhân viên YTTB xóm Làng Chủng, xã Trung Hội bất kể nắng hay mưa vẫn đều đặn hàng tuần đến các hộ dân trong xóm để thực hiện nhiệm vụ của mình khi người dân cần. Chị cho biết: Làm hết trách nhiệm của được giao sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi tôi cũng là lao động chính trong nhà nên kinh tế gia đình cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng nghĩ bà con trong xóm cần mình nên tôi đã cố gắng không tính toán kinh tế mà làm việc để không uổng công đã được đi đào tạo. 3 năm gần đây, chúng tôi được hưởng thêm nhiều chế độ ưu đãi, mức phụ cấp của tôi được tăng, cuộc sống gia đình vơi bớt khó khăn, được khích lệ tôi thấy mình gắn bó với công việc hơn.


Không giống như những khó khăn của các YTTB ở các xóm, thôn vùng sâu đi lại khó khăn nhưng YTTB ở các xóm phố thuộc thị trấn Chợ Chu lại chịu thiệt thòi vì không được hưởng trợ cấp từ năm 2009 đến 2012. Bác sĩ Nguyễn Thị Hôm, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Chợ Chu chia sẻ: Không có đội ngũ YTTB hoặc hoạt động không hiệu quả là khó khăn lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của Trạm. Năm 2011, có một vài nhân viên YTTB ở các phố của thị trấn xin nghỉ việc, mọi việc cán bộ của Trạm phải gánh thêm, chúng tôi phải cắt cử nhau xuống cơ sở thường xuyên như báo tiêm chủng, thăm trẻ, tư vấn cho bà mẹ mang thai... anh em gần như không biết đến ngày nghỉ. Đang trong lúc khó khăn, năm 2012, HĐND thị trấn ra nghị quyết hỗ trợ cho chức danh YTTB 100 nghìn đồng/tháng, đến tháng 1-2013, tỉnh có quyết định hỗ trợ cho nhân viên YTTB ở các xóm của thị trấn bằng 0,3 mức lương tối thiểu và các phố là 0,15 mức lương tối thiểu. Nhờ đó chúng tôi đã củng cố được hệ thống YTTB có trình độ giúp công tác y tế trên địa bàn ngày càng được triển khai sâu, rộng. Thị trấn có tất cả 22 xóm, phố. Năm 2011 chúng tôi thiếu 8 YTTB ở các phố, thì đến nay chỉ còn 3 đơn vị phố Hợp Thành, phố Thống Nhất và xóm Bãi Á 3 nhân viên YTTB đang được đi đào tạo, công việc ở những đơn vị này tạm thời hiện nay do YTTB ở các đơn vị liền kề đảm nhiệm, dù không được hưởng thêm phụ cấp nhưng tất cả đều làm việc rất có trách nhiệm.


Theo bác sĩ Ma Thị Sửu, sự quan tâm hỗ trợ thù lao cho YTTB của các cấp, các ngành là điều kiện giúp nâng cao chất lượng của đội ngũ làm công tác y tế, giúp bản thân họ có trách nhiệm hơn trong công việc. Đồng thời việc đào tạo và từng bước thay thể đội ngũ YTTB trước đây bằng những người trẻ tuổi, có trình độ cũng dễ dàng hơn. Từ năm 2012 đến nay, toàn huyện đã cử đi đào tạo được 53 YTTB theo chương trình học 6 tháng tại Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên. Cũng nhờ đó đến nay, 100% các bà mẹ sinh con trên địa bàn huyện đều được thăm khám sau sinh trong 7 ngày đầu, phụ nữ mang thai được quản lý thai nghén, khám thai ít nhất ba lần trở lên. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trong ba năm trở lại đây đều đạt cao (trên 95%, tăng khoảng 2% so với những năm trước). Nếu như năm 2009, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chiếm trên 20%, trẻ thấp còi chiếm trên 26^ thì đến năm 2013, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm xuống còn 17%, trẻ thấp còi 21%; không còn người mắc bệnh sốt rét do ký sinh trùng nội địa.