Được công nhận là một trong ba trung tâm đầu tiên của cả nước đạt chuẩn Quốc gia về Y tế dự phòng tuyến tỉnh năm 2011, đến nay, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh (TTYTDP) đã có những đóng góp quan trọng cho công tác dự phòng, giám sát, khống chế dịch bệnh trên địa bàn.
Thái Nguyên là tỉnh tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, đồng thời các khu công nghiệp phát triển nhanh chóng đã đặt ra những thách thức mới cho lĩnh vực YTDP như: kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, ô nhiễm nguồn nước, quản lý bệnh nghề nghiệp... Trước những khó khăn đó, bên cạnh làm tốt công tác tham mưu với Sở Y tế, hàng năm Trung tâm đều chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường giám sát dịch tễ học các bệnh truyền nhiễm, củng cố mạng lưới YTDP từ tuyến huyện đến cơ sở. Đối với các chương trình mục tiêu Quốc gia, Trung tâm luôn đảm nhiệm khoảng 80% khối lượng công việc trong lĩnh vực YTDP trên phạm vi toàn tỉnh. Chương trình tiêm chủng mở rộng luôn vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được triển khai rộng khắp đến từng xóm, bản. Nhờ vậy, 5 năm trở lại đây, không phát hiện trường hợp mắc các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sốt rét... Để đáp ứng nhu cầu được chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn và các tỉnh lân cận, từ tháng 9-2010, Trung tâm đã liên kết với tập đoàn AMV triển khai tiêm phòng gần 60 loại vắc xin ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng.
Năm 2013, Trung tâm YTDP tỉnh tiếp tục được Bộ Y tế xác định đầu tư, nâng cấp để đảm nhiệm tốt chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của một Trung tâm chuyên sâu hỗ trợ về công tác dự phòng cho các tỉnh vùng Đông Bắc. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được Trung tâm xác định là mục tiêu quan trọng bậc nhất. Hằng năm, Trung tâm đều cắt cử cán bộ đi học nâng cao trình độ và tham gia tập huấn nghiệp vụ. Đến nay, Trung tâm đã có hơn 80 cán bộ ở 10 khoa, phòng, gồm 17 thạc sĩ, 13 bác sĩ chuyên khoa I, 16 bác sĩ và đại học khác (Số cán bộ, bác sĩ có trình độ sau đại học đã tăng gần 3 lần so với 5 năm trước). Bác sĩ Phạm Huy Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Ngoài chuyên môn chính của mình, các cán bộ ở Trung tâm còn được đào tạo chéo các chuyên ngành khác nhằm hỗ trợ nhau khi có dịch bệnh xảy ra.
Bên cạnh đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, Trung tâm còn xây dựng được phòng thí nghiệm (labo) hiện đại bậc nhất trong nước để phục vụ công tác y tế cộng đồng trong và ngoài tỉnh. Năm 2010, cùng với nguồn kinh phí của Bộ Y tế, Trung tâm đã vận động được sự ủng hộ của nhiều dự án trong và ngoài nước tài trợ xây dựng với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng và là một trong ba labo đầu tiên của hệ YTDP tuyến tỉnh trong cả nước đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 (chứng nhận dành cho các labo xét nghiệm y tế và xét nghiệm liên quan đến sức khỏe cộng đồng), với gần 50 chỉ tiêu kỹ thuật xét nghiệm được công nhận đạt chuẩn gồm những thiết bị hiện đại như: hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử để xác định chính xác các virus gây hại như cúm A (H1N1, H5N1), EV71 gây bệnh tay chân miệng…; máy sinh hóa tự động 86 chỉ tiêu; hệ thống xét nghiệm i-ốt niệu… Nhờ vậy, TTYTDP tỉnh đã hoàn toàn có thể làm được những xét nghiệm và có kết luận chính thức trong trường hợp phát hiện bệnh nhân nghi nhiễm virus cúm A, EV71 thay vì phải gửi mẫu bệnh phẩm về các viện đầu ngành như trước đây.
Có thể nói thành công lớn nhất trong công tác YTDP 5 năm trở lại đây (từ 2009) là khống chế và bao vây thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: Sars, tả, cúm A(H1N1, H5N1), chân tay miệng... đặc biệt không để xảy ra ca tử vong nào. Mới đây nhất, tháng 7 và tháng 8 vừa qua, trên địa bàn các huyện Phổ Yên, Đại Từ và thị xã Sông Công đã có hàng trăm trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn, Trung tâm đã phối hợp với cơ quan thú y tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh từ động vật lây sang người; chỉ đạo các TTYT các huyện, thành, thị lập danh sách toàn bộ các đối tượng bị phơi nhiễm tổ chức khám, tư vấn, tiêm phòng bệnh đúng lịch, an toàn. Đồng thời thực hiện tiêm miễn phí vắc xin phòng bệnh dại cho 18 đối tượng thuộc diện hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và tổ chức tập huấn cho toàn bộ đội ngũ cán bộ y tế của 18 xã, thị trấn của huyện Phổ Yên về công tác phòng, chống bệnh dại; mở 9 lớp tuyên truyền giáo dục cộng đồng về phòng, chống bệnh dại tại các xã vùng dịch ở 2 huyện Đại Từ và Phổ Yên... Những công việc này hiện nay vẫn đang tiếp tục được triển khai thực hiện. Đến nay, mức độ lây lan của bệnh dại tại các huyện Phổ Yên, Đại Từ, thị xã Sông Công đã có xu hướng giảm.
Để có thể hướng tới mục tiêu trở thành đơn vị y tế chuyên sâu trong lĩnh vực dự phòng, TTYTDP tỉnh đang tiếp tục ứng dụng rộng rãi công nghệ kỹ thuật, làm chủ công nghệ hiện đại nhằm phát huy hiệu quả của labo xét nghiệm. Để trở thành Trung tâm chuyên sâu của cả nước (theo chủ trương của Bộ Y tế và thực hiện Đề án Phát triển Y tế chuyên sâu của tỉnh từ nay đến 2020). Đồng thời, tham gia phối hợp đào tạo với các trường trong khu vực, là cơ sở đào tạo về xét nghiệm cho các tỉnh Đông Bắc; mở rộng các xét nghiệm về VSATTP; duy trì chuẩn ISO 17025, tiến tới đạt chuẩn ISO 15189; chuẩn đoán sớm, phân lập được một số loại viruts, vi khuẩn gây bệnh giúp không chỉ đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương và còn hướng tới hỗ trợ cho hoạt động y tế dự phòng của các địa phương lân cận.