Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước thời gian qua đã giảm nhưng chưa bền vững. Năm 2012, có hơn 1.700 trẻ em tử vong do đuối nước. Tuy nhiên, số liệu thực tế có thể cao hơn do thông tin về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em còn hạn chế.
Giảm nhưng vẫn cao
Tại hội nghị sơ kết kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012 - 2015 diễn ra ngày 11-9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, tình hình trẻ em tử vong do đuối nước có xu hướng giảm hơn so với năm 2010, nhưng vẫn còn cao.
Năm 2012, có khoảng 1.700 em tử vong vì đuối nước trong tổng số 2.769 ca tử vong do tai nạn thương tích. Ngay trong sáu tháng đầu năm nay đã có khoảng 700 em tử vong do đuối nước. Tuy nhiên, con số này trong thực tế sẽ cao hơn vì hiện nay công tác thu thập thông tin về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em vẫn còn hạn chế do thiếu đội ngũ cộng tác viên tại cộng đồng.
Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và người chưa thành niên do tai nạn thương tích (TNTT) ở Việt Nam, vượt xa những nguyên nhân tử vong khác. Kết quả điều tra toàn quốc về TNTT-VNIS 2010 cho thấy, Việt Nam nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất trong khu vực. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em nước ta cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Trong năm 2011, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với một số bộ, ngành, đoàn thể xây dựng Kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012-2015, nhằm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị tử vong và tàn tật do đuối nước. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015, giảm 1/4 số trẻ em bị tử vong đuối nước so với năm 2010.
Đến nay, hơn 40 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch phòng, chống đuối nước trẻ em tại địa phương. Việc xây dựng môi trường an toàn tại gia đình, trường học, cộng đồng được đẩy mạnh với hơn 324 nghìn hộ gia đình đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn, gần 200 xã đạt cộng đồng an toàn, 500 lớp dạy bơi tại trường học, cộng đồng cho 9.500 trẻ em.
Riêng về tình hình an toàn sông nước với trẻ em, đại tá Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát đường thủy (Bộ Công an), dẫn chứng, trong hơn 4.000 bến thủy ngang sông trên cả nước, có hơn 1.100 bến thủy thường xuyên có học sinh đi học. Hơn 1.800 phương tiện thường chở học sinh đến trường bằng đò. Tình trạng bến và phương tiện không bảo đảm các điều kiện an toàn chở trẻ em đi học còn diễn ra khá phổ biến.
Ông Tiến nhận xét, thực trạng tình hình tai nạn đường thủy hiện nay cho thấy, tỷ lệ trẻ em bị đuối nước giảm không bền vững, tập trung các địa phương có nhiều vùng sông nước. Một số chủ phương tiện, người lái, do nhu cầu vụ lợi thể hiện thiếu trách nhiệm với tính mạng hành khách như chở quá tải, phương tiện không an toàn, chưa quan tâm đến an toàn của người đi trên phương tiện như yêu cầu ngồi đúng quy định, mặc áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh.
Thời gian tới, lực lượng cảnh sát đường thủy sẽ triển khai chương trình “Vì an toàn trẻ em trên sông nước” ở các địa phương gắn liền với cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Hoạt động này từng bước đưa văn hóa giao thông vào cuộc sống, đồng thời thiết thực giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em.
Cục Cảnh sát đường thủy cũng xác định những tuyến, địa bàn, loại phương tiện có nhiều nguy cơ tiềm ẩn tai nạn đuối nước để triển khai xây dựng các mô hình có lợi cho trẻ em như địa bàn an toàn, bến an toàn, phương tiện an toàn…
Vẫn còn những khó khăn
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho rằng, một trong những khó khăn của công tác phòng, chống đuối nước trẻ em hiện nay là việc dạy bơi cho các em chưa được triển khai rộng rãi tại các địa phương. Số lượng cán bộ, giáo viên thể dục trong trường học được tập huấn các kỹ năng dạy bơi cho trẻ em còn ít, chưa có chương trình đào tạo cụ thể. Các trường học không đủ điều kiện, cơ sở vật chất dạy bơi cho trẻ em ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Ngoài ra, các khóa tập huấn, các tài liệu hướng dẫn xử trí sơ cấp cứu khi bị đuối nước và các kỹ năng an toàn khi tiếp xúc nước.
Ông An cũng nhấn mạnh, nhận thức của cộng đồng về các nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn chưa cao. Nhiều nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em chưa được loại bỏ tại gia đình, cộng đồng dẫn đến những trường hợp đáng tiếc. Do đó, nâng cao nhận thức, kêu gọi sự chung tay của xã hội là điều cần thiết trong thời gian tới.