(TN) - "Ơ-khắp-ợp-ti"; "oeo-khăm-tu-mai-hôm"… sau mỗi câu đọc mẫu, tiếng người đồng thanh đọc theo như học sinh lớp 1 kéo tôi lên tầng 2 hội trường UBND xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Nơi ấy có bảng đen, phấn trắng, thầy giáo và 28 học trò đang say sưa học tiếng Anh. Họ là những nông dân chính hiệu đến từ 3 xã trong vùng chè đặc sản là Phúc Trìu, Quyết Thắng và Tân Cương. Đến đây, có người tay còn dính nhựa chè, có người áo còn vương mùi bùn.
- Thầy giáo ơi, câu ấy dài qua, chúng tôi không nhớ được đâu, thày cho câu ngăn ngắn thôi.
- Thầy ơi, tôi đọc là "em khăm" (welcome) có đúng không?
Thỉnh thoảng lớp học lại rộ lên tiếng cười. Ai nấy đều hào hứng, thoải mái.
- Học tiếng Tây khó phết, nhưng phải cố thôi, 3 bố con tôi đều học ở đây đấy - ông Đỗ Ngọc Phùng, xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) hồ hởi nói thế. Ông Phùng năm nay 66 tuổi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quyết Thắng, nổi tiếng với nghề trồng cây cảnh. Ông cũng là "cựu học sinh" 2 khóa tiếng Anh rồi. - Lần trước, giáo viên ở Hà Nội lên, họ dạy cả làm du lịch, cả tiếng Anh thông dụng. Lần này thì thầy giáo của Khoa Ngoại ngữ, Đại học Thái Nguyên, chuyên sâu về tiếng Anh giao tiếp cơ bản. Ngày đầu thầy dạy như dạy học sinh phổ thông, nhưng chúng tôi đề nghị: Dạy khác đi thầy ạ, miễn là chúng tôi nói người nước ngoài họ hiểu là được, chứ học chữ cái, ghép câu, động từ, tính từ, chúng tôi không nhớ được. Thầy giáo cũng đồng ý, mà học cách đấy "vào" hơn hẳn chị ạ. Giờ thì tôi đã làu làu các câu như chào, mời vào nhà uống nước, giới thiệu các phòng, mời ăn cơm… Sắp tới Festival Trà, chúng tôi có thể chuyện trò với khách nước ngoài chút ít rồi.
Hỏi chuyện chị Kiều Thị Liễu, chuyên viên Phòng Văn hóa Thông tin T.P Thái Nguyên ngồi dự phía sau, tôi mới biết lớp học cho bà con vùng chè đặc sản này có nguồn gốc ở tận… Canada.
Số là Hiệp hội Đô thị Việt Nam và Hiệp hội Đô thị Canada ký kết thực hiện Chương trình (CT) Đối tác đô thị phát triển kinh tế (MPED). Mục đích của CT này là xây dựng năng lực, kiến thức về phát triển kinh tế địa phương bền vững và bình đẳng cho chính quyền địa phương Việt Nam thông qua chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn của Canada. Tháng 9-2011, T.P Thái Nguyên được chọn là 1 trong 3 đô thị của 3 miền trong nước (Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Sóc Trăng) để thực hiện CT MEPD giai đoạn 2011-2015. Đối tác của T.P Thái Nguyên là T.P Vitorya, tỉnh British Columbia. Hoạt động của CT tập trung vào cải thiện dịch vụ, phát triển sản phẩm du lịch, hướng tới gia tăng thu nhập cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và địa phương. Cụ thể hơn, thành phố làm thí điểm mô hình Làng văn hóa du lịch cộng đồng (LVHDLCĐ) tại vùng chè đặc sản Tân Cương gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong đó nội dung chính là thành lập Câu lạc bộ tiếng Anh, mô hình lưu trú tại gia và đội văn nghệ. Lợi ích "nhãn tiền" là vậy nên người dân hưởng ứng hào hứng lắm, nhất là chỉ một tháng nữa, khi Festival Trà Thái Nguyên lần thứ 2 tổ chức, tại nơi Đệ nhất danh trà này, chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội cho bà con biến "học" thành "hành".
Vậy là, những thành viên lớp tiếng Anh đều là những hộ dân làm mô hình lưu trú tại gia. Có 10 người của xóm Hồng Thái II (Tân Cương), 9 người của xóm Gò Móc (Quyết Thắng), 9 người của xóm Khuôn II (Phúc Trìu). Anh Bùi Trọng Đại (Hồng Thái II) là một trong những thành viên tích cực của lớp "xì xồ". Anh cũng "mát duyên" đón được nhiều "tua" du lịch đến với gia đình mình. Nhà anh có gần 1ha đồi chè bát úp xanh mỡn là phong cảnh đẹp khiến du khách trầm trồ. Chưa kể, anh còn có hệ thống sao sấy cho ra sản lượng chè khô khoảng 3 tấn/năm, thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.
- Nhà tôi có 4 phòng cho khách du lịch. Mới đây chúng tôi đón 2 đoàn khách của Anh và Tây Ban Nha ở lại ăn cơm nhà nấu.
Đã có 8 hộ sẵn sàng về khuôn viên, phòng ở đón khách lưu trú tại gia (homestay) như hộ các ông: Lê Quang Nghìn, Lê Văn Toán (xóm Hồng Thái II); Nguyễn Văn Tiến, Lăng Văn Hợi, Long Hách Thăng, Lăng Văn Quyến (xóm Khuôn II)… mỗi nhà đã chuẩn bị 2 phòng để đón khách lưu trú. Những hộ khác đang tích cực hoàn thiện cơ sở theo hướng dẫn của CT, sau khi kiểm tra đạt yêu cầu, họ sẽ được cấp Giấy chứng nhận đón khách.
Trở lại lớp học tiếng Anh, thầy giáo Phạm Hùng Thuyên cười tươi rói: Đây là lớp học đặc biệt nhất tôi được dạy. Đối tượng học nhiều lứa tuổi, nhiều trình độ nên tôi cũng phải có cách dạy đặc biệt. Các bác, anh, chị, cô, chú say sưa mà cũng hiểu bài nhanh lắm.
Chúng tôi theo chân một học viên của lớp - chị Nguyễn Thị Thu - về thăm nhà chị ở Hồng Thái II. Hóa ra chị là Chủ nhiệm Hợp tác xã chè Minh Thu (HTX), người đang bận rộn chuẩn bị đón Festival Trà. Chị cho chúng tôi xem maket tờ rơi do chính HTX in để quảng bá tại Festival.
- Mỗi tháng 7 xã viên của HTX sản xuất khoảng 1 tấn chè đặc sản. Chúng tôi chủ yếu bán buôn ra các tỉnh: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nam Định. Thời gian trước, tôi được về Trung ương dự Hội nghị Asean, có một chị ở Campuchia đề nghị tôi gửi mẫu sang để chào hàng bên đó, tôi đã gửi mỗi loại chè 0,5kg. Thú thực là chúng tôi chưa có kinh nghiệm gì với việc chuyển hàng sang nước ngoài, nhưng tôi tự tin nếu phải qua các khâu kiểm dịch vì nguyên liệu của HTX là chè sạch, không bón phân đạm mà dùng chế phẩm EMZ-USA tạo nên các vi sinh vật làm giàu dinh dưỡng nuôi cây, lượng thuốc trừ sâu vì thế cũng giảm tối đa. Ngoài in tờ rơi, chúng tôi sẽ cho trang hoàng lại bộ mặt của HTX, đóng thêm tủ trưng bày sản phẩm. Và tất nhiên là tiếp tục luyện nói để trao đổi thuần thục khi có khách nước ngoài - Chị Thu chia sẻ.
Nhiều cơ hội đang đến với người dân vùng chè đặc sản Tân Cương. Học nói, học nấu, học ăn, học cười, học tôn vinh văn hóa Việt đang được người dân ở đây nhiệt tình hưởng ứng. Đó cũng là cách nhìn xa trông rộng để họ phát triển kinh tế gia đình bền vững.