Xây dựng nhà ở sinh viên: Vẫn còn chuyện phải bàn

10:50, 09/09/2013

Mặc dù 9 dự án với 52 công trình nhà ở sinh viên được xây dựng tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ đầu năm 2011, nhưng đến nay, vẫn còn một số vướng mắc chưa giải quyết xong. Bên cạnh đó, chất lượng công trình và công tác quản lý nhà ở sinh viên cũng đang được xem là vấn đề đáng quan tâm.

Tại Khu ký túc xá mới xây của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, không khó để thấy sự xuống cấp của một số công trình. Đi từ tầng 1 đến tầng 5 của Khu ký túc K4, chúng tôi thấy nhiều chỗ nền gạch lát hành lang bị nứt vỡ và tróc thành mảng. Vữa xi măng dùng để lát nền có thể dùng tay bóp vỡ được. Tường nhà nhiều chỗ bị mốc và bong hết lớp sơn bên ngoài. Sinh viên Phạm Thị T, lớp Môi trường, K43 đang ở trong Khu ký túc K4 nói: “Gạch lát bên ngoài hành lang đã bị vỡ và bong ra từ gần 1 năm nay, nhưng Ban Quản lý trả lời là do không có kinh phí nên chưa sửa chữa được”. Còn sinh viên Nguyễn Mai P, lớp Trồng trọt K43, tại Khu ký túc K1 cho biết, thời gian trước đây có phòng ở tầng dưới bị nước từ nhà vệ sinh tầng trên ngấm qua tường và nhỏ giọt xuống rất khó chịu. Cũng may là Nhà trường đã cho khắc phục tạm.


Khu ký túc của Trường Đại học Khoa học có 3 dãy nhà với tổng số 135 phòng ở. Tại đây, có một số phòng đã xuống cấp phải đóng cửa không cho sử dụng. Hệ thống quạt điện trong các phòng cơ bản bị hỏng mà chưa được thay. Sinh viên Trần Quang H. cho biết, chẳng hiểu sao quạt mới lắp được khoảng 1 năm mà đã hỏng, không phải chỉ ở một phòng mà rất nhiều phòng. Theo một cán bộ Phòng Công tác học sinh - sinh viên Nhà trường thì một số cống thoát nước bên ngoài của Khu ký túc thường xuyên bị úng, nhất là mỗi khi mưa to. Đáng lẽ hệ thống thoát nước bên ngoài phải làm to vì lượng nước thải hằng ngay lớn thì lại thiết kế quá nhỏ, khiến nước không thoát kịp.


Tại một số khu ký túc của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp khác, tình trạng một số phòng phải đóng cửa vì bị sụt lún nền và thấm nước tường nhà là vẫn còn; một số phòng bị rò rỉ ống nước, chảy ngầm trong tường; hố ga, rãnh thoát nước xây dựng không đảm bảo kỹ thuật, phía ngoài lại cao hơn bên trong khiến nước thải không thể thoát được…


Ngoài việc nhiều công trình nhà ở sinh viên đang có dấu hiệu xuống cấp nhanh thì vấn đề thanh quyết toán và một số bất hợp lý khác của các trường cũng rất đáng quan tâm. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh thì hiện tại còn 3 dự án nhà ở sinh viên chưa được phê duyệt quyết toán hoàn thành, đó là: Dự án nhà ở sinh viên thuộc Đại học Thái Nguyên (15 công trình), Trường Cao đẳng Y tế (3 công trình) và Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch (2 công trình). Lý do được các trường đưa ra là đang trong quá trình kiểm toán độc lập; một số bảng biểu chi phí chưa tính toán xong hoặc còn chờ Sở Tài chính thẩm tra hồ sơ quyết toán… Theo đánh giá chuyên môn thì việc một số chủ đầu tư sau hơn 2 năm hoan thành công trình mà giờ vẫn còn vướng mắc về quyết toán là quá chậm.


Mặt khác, trong quá trình quyết toán công trình, có 6 chủ đầu tư đã thanh toán sai cho các nhà thầu. Thanh tra Bộ Xây dựng đã phải vào cuộc và phát hiện có trên 3,4 tỷ đồng thanh toán sai, phải giảm trừ, thu hồi và hoàn trả lại ngân sách Nhà nước. Dự án do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư đã phải giảm trừ gần 900 triệu đồng, Dự án của Đại học Thái Nguyên giảm trừ trên 1 tỷ đồng; Dự án của Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức giảm trừ 729 triệu đồng; Dự án của Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp giảm trừ 105 triệu đồng; Dự án của Trường Cao đẳng Kinh tế tài chính giảm trừ 235 triệu đồng và Dự án của Trường Cao đẳng Công nghiệp bị thu hồi 474 triệu đồng.


Mặc dù các Dự án đã hoàn thiện và đi vào sử dụng mấy năm nay, nhưng nhiều trường vẫn chưa hoàn thiện phần hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (sân, đường, hàng rào, hệ thống cấp thoát nước…). Trong quãng thời gian này, sinh viên phải chịu nhiều khó khăn trong sinh hoạt, nhất là vấn đề cấp nước. Đã có thời điểm một số khu ký túc do chưa hoàn thiện hệ thống cấp nước đã phải thuê chở từng téc nước từ bên ngoài vào phục vụ sinh viên. Điểm đáng lưu ý là trong quá trình xây dựng, một số chủ đầu tư đã phân bổ nguồn vốn cho các hạng mục không hợp lý, khiến phát sinh vướng mắc. Có dự án tổng giá trị là khoảng 15 tỷ đồng thì riêng hệ thống đường và sân đã chiếm tới 7,8 tỷ đồng, dẫn đến việc chủ đầu tư luôn kêu thiếu vốn, muốn được bổ sung. Ngoài ra, khi bố trí xây dựng, một số trường đã không chú ý đến xây dựng nhà ăn, khu để xe… khiến sinh hoạt của sinh viên gặp khó khăn. Ông Nguyễn Công Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính cho biết: Khi quyết toán công trình nhà ở sinh viên, nguồn vốn vẫn còn thừa tới cả tỷ đồng, nhưng chúng tôi lại thiếu vốn để xây dựng nhà ăn…


Qua đây cho thấy, dù được Sở Xây dựng đánh giá là “tất cả các công trình thi công xây dựng đều đảm bảo chất lượng, an toàn và sử dụng hiệu quả…”, nhưng thực tế đã chứng minh vẫn còn những tồn tại, vướng mắc tại một số công trình nhà ở sinh viên mặc dù đã đưa vào sử dụng hơn 2 năm nay.