Bảo tồn và phát triển các bài thuốc quý

10:34, 21/10/2013

Được thành lập từ tháng 8-2006, Trung tâm Kế thừa ứng dụng y dược học cổ truyền trực thuộc Hội Đông y tỉnh có nhiệm vụ phối hợp thực hiện các nghiên cứu khoa học; bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho hội viên; tập hợp, kế thừa và phát triển các bài thuốc hay, các phương pháp chữa bệnh trong đông y để phổ biến áp dụng rộng rãi trong chăm sóc sức khỏe nhân dân... Đến nay, Trung tâm đã tập hợp được hàng trăm bài thuốc, trong đó nhiều bài thuốc có giá trị đang được ứng dụng tại Trung tâm.

Trung tâm hiện có 6 cán bộ, gồm: 1 thạc sĩ, 1 bác sĩ chuyên khoa Đông y, 1 y sĩ y học cổ truyền, 2 y tá và 1 dược sĩ. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã khám chữa bệnh cho trên 2 nghìn lượt người, điều trị không dùng thuốc (điều trị bằng phương pháp xoa bóp, nghiên cứu, bấm huyệt) cho trên 1.200 lượt người; bán 2.500 thang thuốc. Trong đó, khám và điều trị miễn phí cho trên 200 lượt trẻ em dưới 6 tuổi và người già có hoàn cảnh khó khăn (trị giá trên 50 triệu đồng). Bác sĩ Mai Quốc Tuấn, Phó trưởng Phòng khám của Trung tâm cho biết: Hiện, Trung tâm đang ứng dụng trên 30 bài thuốc gia truyền do các lương y cống hiến trong điều trị cho bệnh nhân. Chúng tôi thực hiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân dưới 2 hình thức, đó là khám, cấp thuốc điều trị tại Trung tâm hoặc tổ chức đi khám tư vấn và hướng dẫn người dân cách lấy và sử dụng cây thuốc. 70% bệnh nhân sau khi được tư vấn đã tự chữa bệnh có hiệu quả.

 

Những bài thuốc gia truyền hiện đang được Trung tâm ứng dụng trong điều trị bệnh là những bài thuốc đã được chọn lọc dựa trên kết quả ứng dụng thực tế. Trung tâm đang nhận điều trị nhiều loại bệnh bằng phương pháp đông y như sỏi thận, suy nhược cơ thể, thần kinh, các bệnh về phổi, thiếu máu cơ tim, đau tức ngực, phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não, gút, giảm men gan, các bệnh ngoài ra, sinh lý yếu... Thạc sĩ Ma Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh kiêm Giám đốc Trung tâm cho biết: Việc tập hợp các bài thuốc hay, các phương pháp chữa bệnh trong đông y không chỉ để ứng dụng trong việc chữa bệnh tại Trung tâm mà còn nhằm mục đích phổ biến rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt là bảo tồn và phát triển các bài thuốc quý. Thực tế có rất nhiều bài thuốc gia truyền trong dân gian có giá trị nhưng đã mai một hoặc thất truyền. Chúng tôi mong muốn lưu giữ lại các bài thuốc gia truyền, từ đó phổ biến rộng rãi trong nhân dân để bài thuốc phát huy được hiệu quả một cách tốt nhất. Muốn như vậy, chúng tôi phải thường xuyên trao đổi và vận động các thầy thuốc chia sẻ, hiến tặng các bài thuốc gia truyền của mình. Sau khi nghiên cứu và ứng dụng, nếu phương thuốc đó thực sự có hiệu quả chữa bệnh, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền cho lương y đó.

 

Không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ “bí kíp” của mình, chị Liên cho biết thêm: Có những bài thuốc rất hay có tính đặc trị nhưng lại là bí truyền, thậm chí họ chỉ dùng để chữa bệnh cho người trong nhà. Như vậy rất đáng tiếc, chúng tôi đã phải kiên trì đến nhà tuyên truyền, vận động để họ hiểu bài thuốc sẽ có giá trị hơn khi giúp cho được nhiều người. Nhiều khi phải sau năm, bảy lần đi lại chúng tôi mới được chủ nhân đồng ý giao lại phương thuốc. Chính nhờ những nỗ lực đó mà trong khoảng 5 năm trở lại đây, Trung tâm Kế thừa ứng dụng y dược học cổ truyền tỉnh đã sưu tầm, tập hợp được trên 500 bài thuốc có giá trị.

 

Cùng với việc gia tăng các nhu cầu khám chữa bệnh bằng phương pháp Đông y, nhu cầu khai thác loài cây dược liệu làm thuốc cũng ngày càng tăng. Điều này đã dẫn tới hoạt động khai thác cây dược liệu liên tục trong nhiều năm mà không chú ý tới bảo vệ tái sinh, cộng với nhiều nguyên nhân khác đã làm cho nguồn tài nguyên dược liệu trên địa bàn bị giảm sút nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với Hội Đông y các cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn các thầy thuốc đông y biết cách khai thác nhưng vẫn bảo tồn và phát triển được cây thuốc Nam trên rừng cũng như vườn cây thuốc Nam của mình, thông qua các buổi trao đổi, tổ chức cho các thầy thuốc đi thăm quan thực tế các vườn thuốc kiểu mẫu. Trong quá trình đi sưu tầm các bài thuốc, cán bộ của Trung tâm đã phát hiện ra nhiều loại cây thuốc quý nằm trong danh sách bảo tồn của Viện Dược liệu Việt Nam, nhưng trên địa bàn tỉnh vốn được coi là không có, đó là cây thuốc: Giảo cổ lam, Thất diệp nhất chi hoa, Địa liền, Xạ đen. Việc tìm ra và khoanh vùng được những loài cây thuốc quý này có giá trị rất lớn trong việc xây dựng hoàn chỉnh bản đồ dược liệu của tỉnh.

 

Làm thế nào để phát triển được những bài thuốc gia truyền quý, đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến thuốc đông y sạch ở tỉnh là trăn trở không của riêng của Thạc sĩ Ma Thị Kim Liên mà là điều mong muốn chung của rất nhiều thầy thuốc Đông y. Chị Liên bày tỏ: Theo tôi, chúng ta cần có cơ chế khuyến khích để các thầy thuốc Đông y cống hiến các bài thuốc gia truyền quý, đồng thời cũng cần có chính sách để thu gom nguồn nguyên liệu vào một mối, tránh tình trạng để nguồn dược liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường và có kế hoạch  phát triển nguồn nguyên liệu bền vững.