Năm học 2013-2014, toàn tỉnh có trên 270 nghìn học sinh, sinh viên (đối tượng trong diện bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế - BHYT), chiếm gần 24% dân số toàn tỉnh. Đây là lực lượng chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu dân số tham gia BHYT.
Những năm gần đây, việc tham gia BHYT của học sinh, sinh viên (HSSV) trên địa bàn toàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực song tính bền vững chưa cao. Điều này được thể hiện qua kết quả tham gia BHYT hằng năm: Năm 2010, toàn tỉnh có trên 260 nghìn HSSV, trong đó số tham gia BHYT đạt trên 60%; năm 2011, đạt trên 65%; năm 2012, đạt gần 70% số lượng HSSV. Nguyên nhân của sự thiếu ổn định thông qua số thu hằng năm được xác định do ý thức chấp hành Luật BHXH và nhận thức của đối tượng tham gia chưa cao, trong đó tập trung chủ yếu ở khối các trường đại học, trung cấp nghề và cao đẳng.
Từ kết quả hoạt động thu BHYT và công tác cấp phát thẻ BHYT năm 2012, có thể thấy rõ tỷ lệ tham gia BHYT trong hai nhóm đối tượng là HS (từ trung học phổ thông trở xuống đến tiểu học) và nhóm sinh viên (từ đại học đến trung học chuyên nghiệp, dạy nghề) có sự chênh lệch: Trong tổng số gần 270 nghìn HSSV, thì Sv là trên 88 nghìn em, trong đó, gần 18 nghìn SV có thẻ BHYT thuộc diện thân nhân sỹ quan, hộ nghèo, dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn... (gọi tắt là đối tượng khác), số sinh viên còn lại tham gia BHYT chỉ có hơn 43 nghìn em. Như vậy, tổng số sinh viên có thẻ BHYT chỉ chiếm gần 70%. Nhóm đối tượng học sinh có trên 175 nghìn em, trong đó, gần 64 nghìn em có thẻ BHYT đối tượng khác, trên 85 nghìn em tham gia BHYT theo đối tượng học sinh và tương ứng gần 85% số học sinh có thẻ BHYT. Và các năm 2011, 2010 tỷ lệ học sinh có thẻ BHYT cao hơn sinh viên từ 15-20%.
Phân tích kết quả thực hiện BHYT đối tượng HS phổ thông, ông Trần Ngọc Kháng, Trưởng phòng Thu Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: “Thực tế nhóm đối tượng là HS do đặc điểm còn phụ thuộc kinh tế vào gia đình, vì vậy, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thông báo rõ các khoản thu, phụ huynh HS đã có sự chủ động chuẩn bị các khoản đóng góp, đặc biệt là ít xảy tình trạng thất thoát tiền nộp, nên tỷ lệ tham gia BHYT của nhóm đối tượng này bao giờ cũng đạt cao”. Còn ông Bùi Việt Quảng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội T.P Thái Nguyên phân tích: “Đối với khối SV thuộc các trường chuyên nghiệp, việc tham gia BHYT phụ thuộc nhận thức, ý thức tự giác của mỗi SV, bởi lẽ họ chủ động về kinh tế hơn nhóm đối tượng là HS. SV thường tham gia BHYT đầy đủ, các năm học sau, tỷ lệ tham gia thường giảm. Một số đối tượng SV đào tạo theo hệ tín chỉ, liên kết... nên không thường xuyên có mặt tại trường, dẫn đến khó quản lý thu BHYT. Có không ít SV nhận thức chưa đầy đủ về BHYT, họ cho rằng, nộp BHYT mà chẳng mấy khi sử dụng đến, trong khi bản chất của BHYT là nhằm mục đích an sinh xã hội, bù đắp hỗ trợ trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, không vì mục đích kinh doanh, lợi nhuận. Cũng có một số người thì so sánh giữa BHYT với các loại hình bảo hiểm thương mại khác nên bản chất vấn đề bị hiểu sai lệch, không đúng với đường lối của Đảng về chính sách BHYT”.
Được biết, tại địa bàn T.P Thái Nguyên, mỗi năm học chỉ có 20-30% sinh viên năm thứ hai trở đi tham gia BHYT. Đơn cử như năm học 2011-2012, trên địa bàn T.P Thái Nguyên có 81.835 sinh viên, trong đó sinh viên thuộc diện phải tham gia BHYT là 64.848 em, thực tế chỉ có trên 41 nghìn em tham gia, tương ứng hơn 63%. Sang năm học 2012-2013, số lượng sinh viên cũng tương đương năm học trước, song chỉ có hơn 73% sinh viên tham gia.
Ngày 30-8-2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định kế hoạch thực hiện chương trình hành động Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020, theo đó, đến 2015, 100% HSSV trên địa bàn tỉnh đều tham gia BHYT. Được biết, hiện nay toàn ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh đã triển khai việc đưa nội dung tham gia BHYT vào một trong những tiêu chí bình xét thi đua sau mỗi năm học của các trường. Đối với các trường đại học, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã hoàn thiện tiêu chí bình xét thi đua cho mỗi sinh viên, trong đó có đề cập đến tiêu chí chấp hành pháp luật về BHYT, thậm chí ngừng cấp học bổng cho sinh viên khi chưa hoàn thành trách nhiệm, quyền lợi tham gia BHYT. Tin rằng, đây sẽ là những động lực mới góp phần nâng cao hiệu quả công tác BHYT trong HSSV thời gian tới.