Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở các bếp ăn bán trú trong nhà trường là một trong những hoạt động đang được ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo thực hiện, mục tiêu là đảm bảo cho học sinh (HS) có sức khoẻ tốt, phát triển đồng đều cả về trí lực và thể lực.
Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP Thái Nguyên khuyến cáo: Hợp đồng cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể nói chung và các trường học bán trú nói riêng là điều kiện bắt buộc. Lãnh đạo các trường hàng năm phải lựa chọn những nhà cung cấp thực phẩm đảm bảo để ký hợp đồng cung cấp. Các nhà cung cấp thực phẩm (hoặc cán bộ được giao đi mua thực phẩm) phải chịu trách nhiệm trước nhà trường về thực phẩm do mình cung cấp và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có sự cố như ngộ độc thực phẩm do mình cung cấp. |
Đến Trường Tiểu học Phú Xá (T.P Thái Nguyên) vào đúng lúc học sinh chuẩn bị ăn trưa cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là Nhà trường rất quan tâm đến vấn đề VSATTP trong chế biến thức ăn cho HS. Nhà trường bố trí khu sơ chế thức ăn riêng trước khi đưa vào bếp nấu, các dụng cụ chế biến, đồ dùng đựng thức ăn đều được lau rửa sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, khô thoáng. Các chị ở khu vực nhà bếp, mặc đồng phục sạch sẽ, đeo khẩu trang, găng tay khi thực hiện phân chia khẩu phần thức ăn cho HS. Cô Vũ Thị Lâm, đầu bếp cho biết: Trước đây tôi làm đầu bếp ở Xí nghiệp vận tải đường sắt, Công ty Gang thép Thái Nguyên. Nghỉ hưu năm 2009 và từ đó tới nay tôi nấu ăn tại trường này. Hang năm tôi và 4 chị em nhà bếp đều tham gia các lớp tập huấn về ATVSTP do Phòng Giáo dục phối hợp cùng Trung tâm Y tế T.P tổ chức. Đồng thời, chúng tôi cũng được khám sức khoẻ định kỳ theo quy định.
Được biết, để đảm bảo có thực phẩm sạch, Nhà trường hợp đồng mua rau quả tươi của các hộ dân gần trường và phụ huynh HS, đảm bảo rõ nguồn gốc. Bếp ăn đều có sổ sách ghi chép theo hướng dẫn và lưu giữ các mẫu thức ăn đề phòng tình trạng ngộ độc thực phẩm. Nguồn nước sử dụng chế biến thức ăn cũng như dùng cho sinh hoạt của cô và cháu đều là nước máy, đạt tiêu chuẩn y tế. Thực đơn các bữa ăn được Nhà trường xây dựng theo mùa, đảm bảo khẩu phần và lượng dinh dưỡng. Hiện nay, Trường đang có 497 cháu ăn bán trú, mỗi ngày tiền ăn của một cháu là 12 nghìn đồng chưa kể tiền chất đốt.
Ở Trường Mầm non xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, cô Hiệu trưởng nhà trường Đoàn Thị Vân cho biết: Với số lượng trẻ ăn bán trú tương đối đông, gần 400 cháu ở 4 điểm trường là (xóm Hùng Vương, Mỏ Đá, Cây Thị và Thanh Chử), ngay từ đầu năm học, Nhà trường đã ký hợp đồng với một cơ sở chuyên cung cấp gạo và một hộ dân ở địa phương cung ứng dầu ăn, mắm, mì chính, rau quả tươi, thịt lợn, gà, cá. Theo thông tin mà Nhà trường nắm bắt được, cơ sở cung cấp rau quả, thịt, cá tại địa phương họ cũng đặt hàng những hộ dân có vườn rộng trồng rau sạch, các loại thực phẩm được chăn nuôi tại trang trại gia đình đảm bảo không có bệnh dịch, tươi ngon. Còn khi chế biến thức ăn, khâu đảm bảo VSATTP được Nhà trường rất coi trọng, yêu cầu giáo viên dinh dưỡng thực hiện đúng các bước trong quy trình chế biến theo quy định của Bộ Y tế. Theo đó, trẻ được ăn 1 bữa chính và 1 bữa phụ, thực đơn mỗi bữa gồm chất đạm, rau xanh, đảm bảo cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Nhiều năm qua, Nhà trường chưa có trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm…
Hiện nay, hầu hết các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh đều tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường. Nhiều trường tiểu học còn tổ chức cho các cháu ăn bán trú từ lớp 1 đến lớp 5. Trước thực tế nhu cầu HS ăn bán trú ở các trường học ngày càng tăng, hàng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản chỉ đạo các trường thực hiện tốt ở tất cả các khâu, từ mua, chế biến thực phẩm đến kiểm tra, lưu mẫu thức ăn, bảo đảm cung cấp các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và hợp vệ sinh cho trẻ. Yêu cầu các cán bộ, giáo viên, nhất là đội ngũ nhân viên nhà bếp, giáo viên dinh dưỡng tại các trường được tập huấn, học tập, phổ biến các quy định, Luật ATVSTP…đảm bảo trang bị đủ kiến thức để những người có trách nhiệm thực hiện tốt các nguyên tắc về chế biến thực phẩm, do đó nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trong các trường học.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mặc dù các trường đều có hợp đồng với người cung cấp thực phẩm và yêu cầu trong hợp đồng ghi rõ là các mặt hàng phải đảm bảo ATVSTP, nhưng khi được hỏi về nguồn gốc thực phẩm đó lấy từ đây, có đảm bảo ATVSTP hay không thì cán bộ quản lý các nhà trường đều tỏ ra lúng túng. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các bếp ăn của một số nhà trường còn hạn chế. Nhiều trường tận dụng các phòng cũ để dựng bếp nấu ăn cho các cháu. Hầu hết các trường đều chưa có nhà ăn riêng, phải chia cơm, thức ăn tại lớp, sau đó các cháu lại nằm ngủ ngay trên chiếc bàn (vừa là bàn học, bàn ăn, chỗ ngủ trưa) nên vẫn chưa đảm bảo ATVSTP theo quy định…
Qua kiểm tra của Chi cục ATVSSP tỉnh và các Trung tâm Y tế vẫn còn một số nhà trường chưa thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các quy định theo hướng dẫn, các đoàn kiểm tra đã lập biên bản để nhắc nhở. Được biết, hiện nay Chi cục ATVSTP tỉnh đang tham mưu cho Sở Y tế phân cấp quản lý ATVSTP, quy định rõ về trách nhiệm quản lý các bếp ăn bán trú trên địa bàn (trường có trên 500 suất ăn/ngày do cấp tỉnh quản lý; còn các trường có dưới 500 suất ăn/ngày do cấp huyện quản lý). Như vậy sẽ tránh được sự trùng chéo trong quản lý cũng như công tác thanh kiểm tra, giám sát.
Để phòng ngừa hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, mất ATVSTP các nhà trường cần tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng những bếp ăn đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, ngành y tế cần tiếp tục chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện phối hợp chặt chẽ với các nhà trường đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện ATVSTP trong các nhà trường, tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất với những cơ sở chế biến, cung cấp thực phẩm, các bếp ăn trong trường học, từ đó kịp thời nhắc nhở, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở vi phạm…