Cuộc đời con người bắt đầu từ mẹ. Lịch sử Việt Nam cũng bắt đầu từ người mẹ. Có lẽ, không ở đâu trên trái đất này, khái niệm Mẹ Tổ quốc lại đúng như ở Việt Nam. Ba tiếng “Mẹ Việt Nam” từ ngàn đời, như biểu tượng cao quý khắc sâu vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Mẹ đã đi vào trang sách học trò, vào lời ru, câu hát, vào những vần thơ thấm đượm tình người. Có thể nói, người mẹ là biểu tượng vĩ đại nhất của người phụ nữ toàn nhân loại.
Người mẹ Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện là bằng hành động lịch sử mang tính sáng tạo ra dân tộc-mẹ Âu Cơ. Và từ hành động lịch sử ấy mà những hành động lịch sử tiếp theo của người Mẹ Việt Nam đều lung linh màu sắc huyền thoại với những phẩm chất anh hùng. Mở đầu trang sử chống Bắc thuộc là chiến công của hai nữ tướng: “Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”- Hai Bà Trưng. Chỉ vài thế kỷ sau đó, người thiếu nữ Triệu Thị Trinh đã phải tự khẳng định mình vượt lên trên thường tình nhi nữ: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Đông, quét sạch quân Ngô ra ngoài bờ cõi chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”.
Lịch sử không chỉ có chiến tranh và khởi nghĩa. Ỷ Lan từ cô gái hái dâu trở thành nguyên phi, rồi Thái hậu; hai lần nhiếp chính thay chồng, thay con trị nước là hai lần để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người. Trần Thị Thái và Nguyễn Thị Lộ đóng vai trò rất lớn trong cuộc đời danh nhân Nguyễn Trãi. Văn thơ hay danh phận được nhiều đời truyền tụng, nhưng hậu thế hiểu đến đâu tâm hồn phụ nữ của những Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Thị Hinh (mà người đời thường chỉ biết dưới danh xưng bà Huyện Thanh Quan), Hồ Xuân Hương, Lê Ngọc Hân. Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu, chị Út Tịch, nữ tướng Nguyễn Thị Định…Thời hòa bình thống nhất, xây dựng đất nước có những phụ nữ được phong tặng anh hùng lao động, như chị Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), chị Đỗ Thị Liên - Chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc Công ty cổ phần bê tông – thép Ninh Bình; chị Phạm Thị Việt Nga - Tiến sĩ kinh tế – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG Pharma)…Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn của đất nước họ đều để lại những ấn tượng, những hình mẫu minh họa sinh động cho phẩm hạnh tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam nói chung.
Xuyên suốt lịch sử giữ nước và xây dựng đất nước, người phụ nữ Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng. Dù trong hoàn cảnh nào, thời đại nào, người phụ nữ cũng luôn vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến và luôn vững chắc. Từ khi ra đời, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có nhiều phong trào động viên chị em hăng hái tham gia lao động sản xuất, chiến đấu, xây dựng hậu phương vững mạnh..., điển hình như phong trào “Năm tốt”, phong trào “Ba đảm đang”. Ở miền Nam, nơi trực tiếp đương đầu với đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, nhiều chị em đã tích cực tham gia lực lượng vũ trang, giao thông liên lạc, trực tiếp đấu tranh với kẻ thù. Chia lửa với đồng bào miền Nam ruột thịt, đông đảo chị em miền Bắc tham gia phong trào thi đua, bảo vệ và xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến.
Ngày nay, đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), vai trò của người phụ nữ lại tiếp tục được khẳng định. Đó là những tấm gương đang từng ngày, từng giờ tỏa sáng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, họ là những nhà khoa học, những công nhân lao động sáng tạo, hay là những nông dân làm giàu chính đáng bằng ý chí và nghị lực vượt khó. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cả cuộc đời vì cách mạng, vì nhân dân, đã dành cho phụ nữ Việt Nam sự quan tâm to lớn, ân cần và sâu đậm nhất. Người đã khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam đối với công cuộc dựng nước và giữ nước: “Non sông, gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”; “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”.
Tiếp nối truyền thống hào hùng đó, phụ nữ Việt Nam ngày nay tiếp tục cống hiến, đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các phẩm chất đạo đức truyền thống được nhân lên bằng những phẩm giá mới, đó là Tự tin -Tự trọng - Trung hậu- Đảm đang cũng là mục tiêu Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ X đã đề ra. Đặc biệt, tinh thần Nghị quyết Đại hôi Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2012-2017, vai trò của phụ nữ được khẳng định rõ hơn nữa, trong đó chú trọng vai trò chủ thể, tính chủ động, phát huy nội lực của phụ nữ trong phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình; khẳng định vai trò quan trọng, nòng cốt của tổ chức Hội không chỉ trong công tác phụ nữ mà còn trong thực hiện bình đẳng giới.