Ký ức lần được về thăm Đại tướng

10:00, 07/10/2013

Gần 20 giờ tối ngày 4-10, nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trút hơi thở cuối cùng, tôi đã hy vọng đó không phải là sự thật. Mở máy tính, tay gõ tên ông, nước mắt tôi cứ trào ra khi thông tin về Đại tướng là đúng.

Tôi không thể quên vào một buổi sáng mùa Thu của gần 20 năm trước, tôi đã may mắn được gặp Đại tướng. Giờ đây, nghe tin Đại tướng mất những ký ức ấy lại ùa về vẹn nguyên như ngày tôi còn là cô học sinh đeo khăn quàng đỏ.

 

Ngày đó tôi vui mừng, háo hức bởi phần thưởng dành cho người đoạt giải Nhất trong Cuộc thi Chỉ huy đội giỏi cấp huyện là được cùng đoàn thiếu niên, nhi đồng của tỉnh về Hà Nội báo công với Bác Hồ và đến nhà thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước lúc ấy tôi chỉ hình dung ra người Anh hùng của dân tộc qua sách sử và đặc biệt qua lời kể của bố tôi. Ngay từ khi tôi chưa đủ lớn để biết thế nào là lịch sử, chưa hiểu thế nào là nhà thiên tài quân sự, tôi đã được nghe bố kể về Đại tướng, người Thủ trưởng bình dị, nhất mực thương quân trong những năm tháng bố tôi còn là cảnh vệ được ở bên bảo vệ Đại tướng tại Bộ Tổng tham mưu. Kể từ khi đó, trong trí tưởng tượng non nớt của tôi đã có hình ảnh về một vị tướng khiến kẻ thù nể sợ và một “ông thủ trưởng của bố” bình dị, ân cần, thương lính như người trong gia đình. Đó cũng là động lực giúp tôi có được quyết tâm phải thi thật tốt để có cơ hội được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi đã nỗ lực trong các vòng thi và cuối cùng được xướng tên trong danh sách những chỉ huy đội được vinh dự về Thủ đô thăm Đại tướng. Tôi vui sướng, nhưng lúc đó vẫn còn quá nhỏ để hiểu được vinh dự ấy lớn đến nhường nào. 

 

Đó là một buổi sáng mùa Thu năm 1994, khi đoàn xe chở chúng tôi đến, Đại tướng không có nhà, một chú cán bộ nói với chúng tôi “Bác Giáp bận lắm nhưng biết có đoàn thiếu niên, nhi đồng của Thái Nguyên xuống thăm, Bác sẽ về ngay bây giờ”. Một lúc sau xe của Đại tướng về đến nơi, Đại tướng giản dị trong bộ quân phục, mái tóc bạc trắng như cước. Lũ nhóc chúng tôi chẳng đợi xếp được hàng ngay ngắn như lời thầy cô dặn mà ùa hết ra vây quanh Đại tướng và tranh nhau gọi “Bác ơi”. Đại tướng cười thật hiền vẫy tay chào cả đoàn, xoa đầu chúng tôi rồi dẫn chúng tôi vào phòng khách. Một chú giúp việc bảo: Có rất nhiều đoàn khách muốn đến gặp Đại tướng, nhưng Đại tướng bận lắm không mấy khi có thời gian tiếp được. Riêng đoàn thiếu niên, nhi đồng của tỉnh Thái Nguyên Đại tướng bảo bận mấy cũng phải gặp các cháu. Đại tướng đã căn dặn các cô, chú phục vụ phải chuẩn bị thật nhiều bánh kẹo ngon và nước uống để các cháu đi từ xa xuống ăn, uống cho đỡ khát. Mọi thứ đã được bày ở phía ngoài, chỉ chờ có thế, lũ trẻ con chúng tôi đều chạy ào ra phía hành lang, trên các dãy bàn bày rất nhiều bánh kẹo và nước uống. Đó là tình cảm thân thương mà Đại tướng dành cho chúng tôi, những đứa con về từ Thủ đô kháng chiến. Sau khi nghe các thầy, cô giáo báo cáo về thành tích của đoàn thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thái Nguyên, Đại tướng đã khen và ân cần căn dặn chúng tôi phải cố gắng để luôn là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, phải học tập và rèn luyện để xứng đáng là người con của quê hương cách mạng. Lúc đó, ngồi trước mặt tôi, Đại tướng giống một người ông với các cháu của mình. Phải rất nhiều năm sau đó tôi mới ý thức rằng, được đến nhà riêng gặp Đại tướng là tôi đã có một cơ hội vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời mình và đến giờ đó là cơ hội duy nhất trong đời.

 

Những hình ảnh về vị Đại tướng, người ông hiền từ như hiện ra trước mắt tôi, lời dặn dò ân cần vẫn văng vẳng bên tai... Ôm chặt trong tay tấm ảnh được chụp chung với Đại tướng, mắt tôi nhòe đi, cổ tôi nghẹn đắng, Đại tướng vẫn còn đây, chúng tôi đều đang đứng bên cạnh nhưng giờ đã ngàn thu xa cách. Mãi đến lúc này tôi mới nghĩ ra tôi phải báo tin cho bố. Vừa nghe tôi nói, đôi mắt đã đục màu thời gian của bố ngân ngấn nước. Bố tôi hỏi lại: Đại tướng mất khi nào? - Dạ, Đại tướng mất 2 tiếng trước ạ. Bố tôi nói rất khẽ như chỉ để riêng mình nghe thấy: “Vậy là Thủ trưởng mất thật rồi sao” rồi bố tôi đi ra phía góc sân nơi để chiếc ghế gỗ ngồi lặng lẽ. Đêm mùa Thu, sương rơi mỗi lúc một dày hơn, bố tôi đã kể lại rất nhiều những kỷ niệm khi làm nhiệm vụ bảo vệ Đại tướng. Tôi biết trong lòng bố tôi, trong lòng tôi và triệu triệu người dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hóa thành tượng đài bất tử.