Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm PCLB khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đến sáng 4-10, tổng thiệt do bão lũ số 10 gây ra cho 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình lên đến 10.498 tỷ đồng (tăng 5.583 tỷ so với ngày trước).
Trong đó, Quảng Bình bị thiệt hại nặng nhất với 8.069 tỉ, Quảng Trị (2.114,26 tỷ) và Thừa Thiên - Huế (314,8 tỷ).
Hiện nay, lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục lên. Ở Quảng Ngãi, mực nước các sông dao động ở mức báo động (BĐ)2 đến dưới BĐ3; các sông ở Quảng Nam, từ Bình Định đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên dao động ở mức BĐ1 - BĐ2.
Các hồ chứa ở các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế đần đã đầy hoặc sắp đầy. Hiện có 6/55 hồ chứa hồ đã đầy và qua tràn như: Tiên Lang, Minh Cầm, Trung Thuần (Quảng Bình); Phú Dụng (Quảng Trị); Hòa Mỹ (Thừa Thiên - Huế); Khe Tân (Quảng Nam).
Các hồ chứa các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum đến Đắk Nông) đang ở mức cao, hầu hết trên 80% dung tích thiết kế. Hiện có có 5/13 hồ lớn đã đầy và qua tràn như: Đắk Uy, Đắk Yên (Kon Tum); Biển Hồ, Tân Sơn (Gia Lai); Buôn Yong (Đắk Lắk).
Hiện có 6 trên tổng số 21 hồ thủy điện lớn gần đầy và xả tràn mức cao như Thủy điện A Lưới (Thừa Thiên - Huế); Đắk Mi 4A (Quảng Nam); Sông Ba Hạ (Phú Yên); Sê San 3, Sê San 4, Sê San 4A (Gia Lai); Yaly. Một số hồ xả tràn để điều tiết như: Hương Điền (Thừa Thiên - Huế); Pleikrông (Kon Tum); Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Sêrêpôk 3 (Đắk Lắk).
Trước đó, lúc 12 giờ ngày 2-10, thủy điện Đắk Mi 4 (Quảng Nam) đã xả lũ với lưu lượng 2.744 m3/s làm cho mực nước các sông vùng hạ du lên nhanh bất thường. Vụ việc sao đó được báo lên Ban chỉ đạo PCLB Trung ương và cơ quan này có chỉ đạo phía thủy điện Đăk Mi 4 giảm lưu lượng xả lũ xuống 814m3/s.