Năm 2009, lần đầu tiên mô hình phòng khám và Trạm y tế “Tình chị em” (TCE) có mặt ở huyện Đại Từ. Đến nay, sau hơn 3 năm hoạt động, mô hình này đã tạo ra nhiều cơ hội cho chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS).
Một điều dễ nhận thấy khi đến các phòng khám TCE trên địa bàn huyện là bàn ghế, rèm cửa, tranh ảnh trang trí, sơn tường, logo và một số thiết bị y tế khác đều được trang bị giống nhau. Đây cũng chính là nét đặc trưng của mô hình này. Có mặt tại phòng khám TCE tại xóm 1, xã Phú Xuyên (khai trương tháng 8-2013), ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là cách bài trí đồ đạc ngăn nắp trong không gian riêng tư và sự thân thiện, nhiệt tình của cán bộ ở đây.
Bước ra từ phòng khám, chị Lương Thị Cảnh, 44 tuổi, xóm Làng Thượng, xã Phú Thịnh bộc bạch: Trước đây, chúng tôi chỉ đi bệnh viện khi có bệnh nặng, còn bảo đi khám bệnh của phụ nữ hay đến các trung tâm để nghe tư vấn về sức khỏe sinh sản, chăm sóc con cái là điều không bao giờ có. Từ hôm Phòng khám khai trương, nghe giới thiệu, tôi thử đến khám xem thế nào. Thái độ phục vụ của cán bộ ở đây rất tốt, hơn nữa so với các tuyến trên thì chi phí ở đây thấp hơn nhiều. Cán bộ thân thiện nên những chuyện vốn khó nói với người khác đến đây đều có thể tâm sự được. Hơn một tháng nay, không phải mình tôi, mà ở xã tôi cũng có nhiều chị em đến đây khám, nghe tư vấn. Cùng tâm trạng với chị Cảnh, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Chung, xóm Đức Long ở Trạm Y tế xã Khôi Kỳ, chị tâm sự: Việc lựa chọn và sử dụng các biện pháp tránh thai luôn là vấn đề khiến tôi băn khoăn. Đến đây tôi được chia sẻ, tư vấn cách lựa chọn phù hợp nên rất yên tâm, vợ chồng cũng vì thế mà hòa hợp hơn.
TCElà thương hiệu của mô hình nhượng quyền xã hội trong khuôn khổ dự án“Tăng cường năng lực CSSKSS của mạng lưới y tế xã/phường” do tổ chức Atlantic Philanthropies (AP) tài trợ với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức phi chính phủMarie Stopes International (MSI). Tham gia dự án, nhiều cán bộ y tế được đào tạo các kỹ thuật cao như: soi cổ tử cung, kiểm soát ung thư cổ tử cung; áp lạnh cổ tử cung, siêu âm, xét nghiệm… Bên cạnh đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn và tay nghề cao, tại mỗi phòng khám TCE đều có một nhóm gồm 5 y tế thôn bản được lựa chọn là “Đại sứ thương hiệu” chịu trách nhiệm quảng bá thương hiệu và dịch vụ nhượng quyền. Khoa CSSKSS thuộc Trung tâm Y tế huyện thực hiện hướng dẫn, giám sát chuyên môn, kỹ thuật và hỗ trợ trạm y tế xã, đồng thời giúp đỡ các trạm thực hiện được các dịch vụ kỹ thuật cao hơn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Dự án cũng trang bị các dụng cụ y tế thiết yếu, phương tiện làm việc cho các trạm y tế, từ đó nâng cao năng lực quản lý cho mạng lưới y tế cơ sở trong việc cung cấp và duy trì bền vững các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. Năm 2012, Trung tâm Y tế huyện đã nâng cấp, sửa chữa các phòng làm việc của khoa CSSKSS làm phòng khám TCE và bố trí các phòng tư vấn, kỹ thuật thuận lợi cho khách hàng theo dây truyền khép kín đảm bảo việc phòng chống nhiễm khuẩn..
Ông Vũ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Từ cho biết: Thương hiệu TCE đã đi vào hoạt động có hiệu quả, trở thành dịch vụ đầu tiên trong công tác chăm sóc sức khỏe. Lượng khách hàng hiện đang duy trì ổn định và có xu hướng tăng. Từ 6 cơ sở ban đầu, đến nay, huyện đã có 2 phòng khám và 12 trạm y tế mang thương hiệu này. Trong năm 2013 có 3 trạm y tê xã chưa nhận được hỗ trợ của dự án nhưng bằng nội lực và xã hội hóa vẫn đảm bảo các quy trình đào tạo cho cán bộ y tế, xây dựng hệ thống giám sát và trang thiết bị đồng bộ đảm bảo yêu cầu. Trong những năm tiếp, chúng tôi sẽ xây dựng khoảng 2-3 trạm y tế theo mô hình TCE chứ không nhân diện ồ ạt để đảm bảo chất lượng, giữ vững thương hiệu.
Lợi ích của thương hiệu TCE đã bước đầu được khẳng định, giúp khách hàng tiếp cận dịch vụ CSSK chất lượng cao một cách thuận tiện hơn, từ đó giảm chi phí đi lại và các chi phí liên quan khác. Đối với các TYT, diện mạo khang trang hơn nhờ những thiết bị đồng bộ, chuyên nghiệp hơn trước, lượng khách hằng năm đã tăng từ 20 đến 30% (Trạm Y tế Cù Vân tăng 40%). Lợi ích thiết thực nhất mô hình này mang lại là góp phần cải thiện SKSS và KHHGĐ của các nhóm dân cư có thu nhập trung bình và thấp và đóng góp nguồn lực cho ngành Y tế trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ lâm sàng theo chuẩn của Bộ Y tế.