Tôi không sợ mất lòng, chỉ sợ làm sai

09:46, 14/10/2013

Nói thẳng, làm thật, có nhiều sáng kiến liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng… là những nhận xét đầu tiên của các đồng nghiệp khi nói về anh Bế Văn Kính, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Phú Lương.

- Trước khi gắn bó với “nghiệp” kiểm tra, giám sát Đảng, tôi đã từng có hơn chục năm phục vụ trong quân đội chỉ quen với súng đạn, quân lệnh. Không ngờ… nghề nghiệp cũng là cái duyên. Vậy mà cũng đã gần 20 năm, trở thành “gạo cội” của ngành vốn bị nhiều người ghét - Người đàn ông có mái tóc muối tiêu, cách nói chuyện sôi nổi, chân thành mở lòng với tôi như vậy.

 


Anh Kính sinh năm 1962. 19 tuổi, anh nhập ngũ, biên chế vào Quân đoàn 26, đóng quân ở tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. 20 tuổi, anh được kết nạp Đảng. 12 năm binh nghiệp, trải qua nhiều chức vụ chỉ huy với những chiến công xuất sắc của mình, Đại úy - Đại đội trưởng Bế Văn Kính được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 2 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.

 


Năm 1993, phục viên chuyển về địa phương công tác, anh được Huyện ủy Phú Lương “triệu” lên công tác tại Ban Tuyên giáo. Nhưng vì lúc đó UBKT Huyện ủy đang thiếu người nên anh lại được phân công làm cán bộ kiểm tra của UBKT (giai đoạn này Đảng chưa đề ra nhiệm vụ giám sát). Để đáp ứng yêu cầu công việc mới mẻ này, anh chuyên tâm nghiên cứu các tài liệu, hướng dẫn nghiệp vụ, đồng thời không ngại học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp và những người đi trước. Có điều gì không hiểu, hay thắc mắc anh luôn hỏi cho cặn kẽ. Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, anh quyết tâm theo học tại Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, chuyên ngành Kinh tế (khóa học 1999-2003). Các lớp tập huấn nghiệp vụ do tỉnh tổ chức anh cũng đều tham dự đầy đủ. Sau này, được bổ nhiệm là Phó chủ nhiệm (năm 2004) rồi Chủ nhiệm UBKT, anh vẫn luôn có ý thức tự học, tự trau dồi kiến thức và tận tình hướng dẫn, chỉ bảo những đồng nghiệp trẻ. Được biết, anh vừa hoàn thành lớp tập huấn nghiệp vụ do UBKT Trung ương tổ chức tháng 7-2013.

 


Anh tâm sự: Gần 20 năm làm công việc vốn nhạy cảm, chuyên “vạch lá tìm sâu”, có lẽ “cái mất nhiều hơn cái được”. Sau những cuộc kiểm tra, giám sát, kết luận có sai phạm cần phải xử lý kỷ luật, bao giờ chúng tôi cũng chịu những áp lực nhất định. Có khi, đảng viên hoặc lãnh đạo tổ chức đó là người từng có nhiều cống hiến, được tổ chức và nhân dân ghi nhận. Có khi, người này người khác lại nhờ mối quan hệ hoặc cách này cách nọ để can thiệp... Nhưng, tôi chưa một lần dao động. Biết là không được nhiều người quý mến nhưng quan trọng là mình làm đúng nguyên tắc để cho họ “khẩu chưa phục” nhưng “tâm phải phục” bằng những minh chứng cụ thể.

 


Năm 2011, qua các nguồn thông tin về dấu hiệu làm sai chính sách hộ nghèo của lãnh đạo ở xã Y, anh Kính cùng các cộng sự của mình đã tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ sai phạm. Khi đã có kết luận và đề xuất xử lý, nhiều người góp ý với anh nên “giơ cao đánh khẽ” vì đồng chí đó là một lãnh đạo năng động, có nhiều cống hiến cho địa phương. Những ý kiến đó anh đều ghi nhận, để tham khảo, vận dụng nhưng anh vẫn có quan điểm riêng. Cuối cùng, đồng chí ấy phải nhận hình thức kỷ luật cách chức Đảng ủy viên và Chủ tịch UBND xã. Hay gần đây, sau khi kiểm tra và làm rõ sai phạm của một đồng chí Huyện ủy viên, anh cũng nhận được không ít ý kiến trái chiều trong áp dụng hình thức xử lý. Nhưng nhờ bám sát các văn bản hướng dẫn, anh đã bảo vệ được quan điểm và đưa ra hình thức kỷ luật xác đáng.

 


Anh chia sẻ: Các quy định, văn bản hướng dẫn ngày càng hoàn thiện, đầy đủ. Hơn nữa, trong các hoạt động đều công khai, dân chủ nên rất thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật. Khi mình “nói có sách, mách có chứng” lập luận sắc thì họ phải thừa nhận. Tôi không sợ mất lòng, chỉ sợ làm sai hoặc làm chưa hết trách nhiệm thôi!

 


Được biết, trong cương vị là một người lãnh đạo cơ quan, anh luôn gương mẫu, nghiêm túc thực hiện giờ giấc, quy tắc công sở. Trong phân công giao việc cho cán bộ dưới quyền, anh đều cân nhắc, chọn người phù hợp để đảm bảo công tâm, khách quan và sẵn sàng cầm tay chỉ việc.

 


Trải qua thực tế công việc gần 20 năm qua, những kinh nghiệm công tác kiểm tra, giám sát đều được anh đúc kết lại trong các đề tài sáng kiến. Với anh, viết đề tài sáng kiến không vì thành tích cá nhân mà mong muốn lớn nhất là được chia sẻ với đồng nghiệp, với các tổ chức xây dựng Đảng.  Bởi vậy, liên tục từ năm 2008 đến nay, năm nào anh cũng có sáng kiến kinh nghiệm. Năm 2012, anh đã nêu các giải pháp khá toàn diện và cụ thể trong đề tài “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”. Hiện nay, anh đang tiếp tục nghiên cứu và hoàn thành sáng kiến nâng cao chất lượng “Tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra, giám sát”. Bởi theo anh, đối tượng vi phạm thường tinh vi, phức tạp, có mối quan hệ rộng… Một số ít cán bộ, đảng viên thiếu tự giác rèn luyện, chưa gương mẫu, trong khi sự kiểm tra, giám sát và quản lý cán bộ của một số cấp ủy chưa thật chặt chẽ hay còn e ngại, nể nang gây khó khăn cho các tổ chức Đảng trong việc kiểm tra, kết luận. Với đề tài này, anh đề xuất 3 giải pháp đó là: mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể trong đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện; kết hợp cả tự giác và kiên trì giáo dục; làm tốt công tác kiểm tra, xác minh làm sáng tỏ đúng sai, kết luận rõ ràng và xử lý nghiêm minh khi có vi phạm.

 


Với bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, cách làm việc công tâm, liên tục 5 năm trở lại đây, anh Kính đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh, là đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.