(TN)- Những năm trước, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) do Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) thực hiện đã đem lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để tỉnh ta đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, trong năm 2013, hoạt động đấu giá QSDĐ đã không còn sôi động do thị trường bất động sản trầm lắng và hạ tầng một số khu dân cư chưa được xây dựng hoàn thiện nên số tiền thu được từ công tác này để bổ sung vào ngân sách của tỉnh giảm đáng kể…
Tính đến thời điểm đầu tháng 9, Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh mới đấu giá thành công QSDĐ 115 lô đất, thu được 45 tỷ đồng vào ngân sách. So với kết quả các năm trước, đây là sự tụt giảm quá lớn (năm 2011 tỉnh ta thu được 254,6 tỷ đồng, năm 2012 thu được 182,5 tỷ đồng). Số lô đất do các địa phương như: T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công, huyện Phổ Yên và các đơn vị khác đã ký hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh để đưa ra đấu giá trong 8 tháng năm 2013 còn tồn lại tới trên 600 lô (giá trị khoảng 230 tỷ đồng). Theo bà Nguyễn Thị Quyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh, hiện đơn vị đang tăng cường tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này; chủ động phối hợp với chính quyền các huyện, thành, thị của tỉnh trong quá trình hoàn tất thủ tục đấu giá QSDĐ; bố trí lực lượng cán bộ, chuyên viên có năng lực để đảm bảo thực hiện việc đấu giá QSDĐ đạt hiệu quả cao nhất nhưng số tiền thu được từ đấu giá QSDĐ cũng khó có thể đạt được con số 100 tỷ đồng trong năm nay.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến kết quả đấu giá QSDĐ của tỉnh đạt thấp, ngoài yếu tố thị trường bất động sản chưa sôi động, còn có thêm một số nguyên nhân chủ quan khác như: Việc xây dựng hạ tầng một số khu dân cư trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện hoặc thiếu đồng bộ so với thiết kế đã được duyệt; diện tích lô đất quy hoạch quá lớn so với khả năng tài chính của nhóm khách hàng thu nhập thấp nhưng có nhu cầu mua đất ở thực sự. Đơn cử như một số khu dân cư: Đông Cao, Thuận Thành, thị trấn Đắc Sơn (Phổ Yên); Lương Sơn, Tích Lương, 7B Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), thị trấn Đại Từ (Đại Từ), giá chỉ ở mức từ 1,5 triệu đồng/m2 đến 4 triệu đồng/m2, nhưng chủ đầu tư đã quy hoạch diện tích từ 200m2/lô đến 300m2/lô nên ít người dân địa phương có điều kiện mua được. Thêm vào đó tiến độ thi công xây dựng hạ tầng một số khu dân cư do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư quá chậm, thiếu đồng bộ, dẫn đến những người đang nhu cầu đất ở thực sự đã mua hồ sơ đấu giá QSDĐ nhưng khi đến xem thực địa thấy hạ tầng dở dang. Thậm chí, có khu dân cư, chủ đầu tư mới thực hiện song phần thủ tục hành chính còn thực địa là bãi đất trống nên nhiều người đến xem thấy “ngán ngẩm” đành bỏ cuộc. Trao đối với chúng tôi xung quanh những vấn đề tồn tại nêu trên, đại diện lãnh đạo một số địa phương, đơn vị trong tỉnh có quỹ đất đưa ra đấu giá thừa nhận là tiến độ xây dựng hạ tầng các khu dân cư còn chậm do thiếu vốn đầu tư ban đầu. Riêng việc chia nhỏ lô đất xuống mức 100m2 (5mx20m) chưa thể xử lý được ngay vì chủ đầu tư cần xin phép cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh quy hoạch.
Đấu giá QSDĐ thông qua Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản tỉnh đã góp phần làm lành mạnh hóa hoạt động giao dịch bất đồng sản trên địa bàn, tạo nguồn thu cho ngân sách của tỉnh và giúp người dân hạn chế được rủi ro khi bỏ một khoản tiền lớn để mua QSDĐ. Tuy nhiên, với tình hình thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay, các địa phương, đơn vị trong tỉnh muốn đấu giá thành công QSDĐ để tạo nguồn thu thì giải pháp khả thi nhất là nên quy hoạch các khu dân cư có mức giá thấp, chia nhỏ diện tích lô đất để thu hút khách hàng là người dân ở ngay địa phương.