Xã Tân Long từng là một trong những địa bàn phức tạp về ma túy của huyện Đồng Hỷ, để giữ gìn an ninh trật tự và đẩy lùi tệ nạn này, chính quyền xã đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn về ma túy. Qua đó, giữ vững thành tích 5 năm liên tục là xã không có tệ nạn ma túy.
Ông Dương Thế Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết: Từ trước đến nay, trên địa bàn xã có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú như quặng, kẽm chì, đá vôi… nên thu hút nhiều thành phần lao động trong và ngoài tỉnh tập trung về. Điều đó khiến cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương có nhiều thuận lợi nhưng đó cũng là cơ hội cho các loại tội phạm hoạt động, đặc biệt là tội phạm về ma túy. Thời điểm trên địa bàn xã xuất hiện đối tượng nghiện và tàng trữ ma túy nhiều nhất là từ năm 2000 đến năm 2003, trung bình mỗi năm có khoảng 12 người. Nguyên nhân là do hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương lúc đó diễn ra rất rầm rộ, người dân trong và ngoài xã đua nhau đi làm thuê cho các chủ mỏ. Một phần do lối sống xô bồ, một phần do nhận thức của người dân còn hạn chế nên các tệ nạn ma túy càng dễ len lỏi vào cuộc sống.
Trước tình hình đó, với quyết tâm không để tệ nạn phát triển và lan rộng, Đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị đóng trên địa bàn xã vận động quần chúng nhân dân phối hợp với cơ quan chức năng tập trung triệt phá các tụ điểm buôn bán, sử dụng trái phép các chất ma túy, đưa đối tượng nghiện hút đi cai tại các Trung tâm cai nghiện hoặc tại gia đình. Cùng với đó, hàng năm, Đảng ủy xã ra nghị quyết, chuyên đề về công tác an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, đồng thời triển khai sâu rộng tới các chi bộ, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong xã. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để người dân hiểu rõ tác hại của ma túy thông qua các buổi họp dân ở xóm, xã; tổ chức ký cam kết không buôn bán, sử dụng chất ma túy; lập hòm thư tố giác các đối tượng có biểu hiện nghi vấn…
Ngoài những biện pháp trên, xã Tân Long còn tập trung vào ba biện pháp chính: Thứ nhất, tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng gia sản xuất, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho nhân dân. Với đặc thù chủ yếu diện tích là đồi núi, xã xác định trồng cây lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm là trọng tâm để phát triển kinh tế. Trung bình, mỗi năm toàn xã trồng mới được gần 100ha rừng sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật và hướng dẫn cách làm ăn cho hơn 600 lượt người. Thứ hai, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng họ giữ vững làng, bản, dòng họ không có con em nghiện ma túy, liên quan đến ma túy. Thứ ba, lực lượng công an xã phối hợp với an ninh thôn bản thường xuyên rà soát địa bàn, nắm chắc đối tượng nghi nghiện ma tuý; phối hợp với các doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Phòng, chống ma túy cho công nhân; quản lý chặt chẽ tình hình nhân, hộ khẩu, các đối tượng đăng ký tạm trú, tạm vắng trên địa bàn xã. Phát động sâu rộng trong nhân dân phong trào tố giác, phát giác tội phạm, bài trừ tệ nạn ma túy.
Bằng những cách làm trên, đến năm 2007, xã Tân Long đã đẩy lùi được tệ nạn ma túy ra khỏi địa bàn xã và giữ vững thành tích này từ đó cho đến nay. Đặc biệt, những đối tượng nghiện ma túy trước đây đều đã được gia đình, chính quyền, đoàn thể xã vận động cai nghiện thành công, có cuộc sống ổn định, chưa có trường hợp nào tái nghiện trở lại. Trong số những người từ bỏ được “cái chết trắng” ở xã Tân Long có trường hợp của anh Nguyễn Văn P, ở xóm Làng Mới đến giờ vẫn được nhiều người nhắc đến. Năm 2001, anh P theo người dân trong xóm đi làm quặng thuê cho một công ty đóng trên địa bàn xã mong kiếm thêm thu nhập đỡ đần vợ và nuôi 2 người con ăn học. Thế nhưng, tiền chưa kiếm được bao nhiêu, anh P đã bị một số đối tượng nghiện rủ rê “bập” vào ma túy. 5 năm anh bị nghiện, gia đình anh điêu đứng, vợ anh tìm đủ mọi cách khuyên giải nhưng anh cứ cai được một thời gian rồi tiếp tục đi làm là lại tái nghiện. Lần cuối cùng anh quyết tâm làm lại cuộc đời là vào năm 2006, để tránh việc bị nghiện trở lại, anh không đi làm thuê nữa mà nghỉ ở nhà để tự cai nghiện. Sau những tháng ngày vật vã, khổ sở chiến đấu chống lại cơn thèm thuốc, đến năm 2007 anh P đã cai nghiện thành công. Hiện anh đang có cuộc sống hạnh phúc bên vợ và các con. Tâm sự với chúng tôi, chị Trần Thị H, vợ anh P cho biết: Thời gian anh ấy bị nghiện, tôi khổ tâm lắm nhưng cứ nghĩ “mưa dầm thấm lâu” nên ngày ngày tôi đều kiên trì khuyên nhủ, giải thích cho chồng nghe, may là anh P cũng quyết tâm cai nghiện nên giờ gia đình tôi mới được như thế này.