Dân số Việt Nam đạt 90 triệu người: Thành công của chính sách dân số

07:34, 01/11/2013

Theo số liệu công bố chính thức của Tổng cục Thống kê, vào ngày hôm nay (1-11), Việt Nam sẽ đón chào công dân thứ 90 triệu. Đây cũng là mốc đánh giá Việt Nam đã thực hiện vượt mức chỉ tiêu Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, cũng như cả nước, tỉnh ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác dân số.

Cơ cấu dân số “vàng”

 

Đạt 90 triệu dân, nước ta là quốc gia đông dân thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 13 trên thế giới. Dự kiến đến năm 2015, dân số nước ta khoảng 91,5 triệu người. Như vậy, nước ta đã hoàn thành Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu dân số không vượt quá 93 triệu người vào năm 2015. Việt Nam đã đạt mục tiêu đề ra với việc giảm được gần 1,5 triệu người sinh thêm, đồng thời đạt được mức sinh thay thế với số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,03, ít hơn 3 lần so với cách đây 50 năm.

 

Tại Thái Nguyên, theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, ước tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh đạt gần 1,16 triệu dân; số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,0 con, tỷ suất sinh thô 18%o. Công tác DS - KHHGĐ thực sự có tác động tích cực đến quy mô gia đình trên địa bàn toàn tỉnh, quy mô gia đình nhỏ đã dần dần thay thế cho quy mô gia đình đông con. Theo đánh giá chung, trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (từ 2003 đến 2013), tỷ suất sinh thô toàn tỉnh bình quân mỗi năm giảm 0,15%o. Từ năm 2005, tỉnh đã đạt mức sinh thay thế với tỷ suất sinh khoảng 2 con mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, cùng với cả nước, tỉnh ta đang ở giai đoạn cơ cấu dân số “vàng”, nghĩa là số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc. Năm 2012, số người trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 tuổi toàn tỉnh chiếm 70,3%, trong khi số trẻ em dưới 15 tuổi chỉ còn 20%, số người trên 65 tuổi chỉ chiếm 9,7%. Cơ cấu dân số “vàng” giúp ổn định nguồn lực, chăm sóc được người cao tuổi và trẻ em. Đây cũng là cơ hội thuận lợi cho phát triển nguồn lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Ngoài ra, thành công của chính sách dân số cũng góp phần giúp tỉnh thực hiện đạt kết quả cao ở một số chỉ tiêu quan trọng như: thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ gần 2.44 triệu đồng năm 2000 lên 22 triệu đồng năm 2012; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,85% năm 2005 xuống còn 10,8% năm 2010; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng từ 23,41% năm 2005 lên 51,97% tính đến cuối năm 2012...

 

Vẫn còn nhiều thách thức

 

Mặc dù tỉnh ta đang trong giai đoạn cơ cấu dân số “vàng” và đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng như trên nhưng việc thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020 vẫn còn nhiều thách thức. Qua đợt giám sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ cho thấy, mức sinh, tỷ lệ người dân sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ở các địa phương trên cả tỉnh là không đồng đều; tỷ lệ người dân sinh con thứ 3 ở các khu vực đã có dấu hiệu dịch chuyển từ khu vực vùng sâu, vùng xa xuống vùng đồng bằng. Ví dụ như trong các năm từ 2010 đến 2012, mỗi năm, xã Quy Kỳ (Định Hóa) có từ 65% đến 67% người dân trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, từ 57 đến 83 trẻ mới sinh và từ 0% đến 0,35% tỷ lệ trẻ thuộc diện sinh con thứ 3 trở lên. Trong khi cùng thời gian như trên, mỗi năm xã Trung Hội (Định Hóa) có từ 70% đến 74,8% người dân trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, 60 đến 77 trẻ mới sinh và từ 3,3% đến 9,9 % tỷ lệ trẻ thuộc diện sinh con thứ 3 trở lên; mỗi năm xã Nga My (Phú Bình) có từ 56% đến 68% người dân trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; 180 đến 235 trẻ mới sinh và có đến từ 14,2% đến 18,3 % tỷ lệ trẻ thuộc diện sinh con thứ 3 trở lên.

 

Mặt khác, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay chính là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm 2012, tỷ lệ này trên toàn quốc là 112,3 trẻ trai/100 trẻ gái. Nếu xu hướng này không thay đổi, đến năm 2035, dự báo cả nước sẽ dư thừa 10% nam giới trưởng thành so với nữ giới. Ở Thái Nguyên, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh có xu hướng tăng dần và hiện đang ở mức báo động mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong khi mức cho phép chỉ số cân bằng sinh học bình thường 103 - 107 trẻ trai/100 trẻ gái thì tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện rõ nét từ năm 2007 với tỷ số là 109 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2012 là 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Dự ước, năm 2013, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh sẽ lên mức 114,7 trẻ trai/100 trẻ gái.

 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Trường, công tác DS-KHHGĐ còn tồn tại một số hạn chế, thách thức như: chất lượng dân số vẫn còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao; tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS và tỷ lệ nghiện ma túy cao; cơ cấu dân số đang trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” nhưng cũng là những khó khăn, thách thức về tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động... Ngoài ra, quy mô dân số trên địa bàn vẫn có nguy cơ tiếp tục tăng cao do mức sinh giảm nhưng không bền vững, mức sinh không đồng đều giữa các vùng và trình độ dân trí hạn chế... Để giải quyết các khó khăn trên, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh duy trì thực hiện Chiến lược dân số giai đoạn 2011-2020 với các mục tiêu: nâng cao chất lượng dân số; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh; tận dụng tốt cơ cấu dân số “vàng”; duy trì mức sinh thấp hợp lý; chủ động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngoài ra, ngành cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy ích lợi của việc sinh ít con đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của đề án Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ chuyên trách công tác DS-KHHGĐ từ tuyến xã, cho đến tuyến tỉnh.