Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Phú Bình

09:14, 16/11/2013

Sau gần 3 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Phú Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Phú Bình cho biết: Sau khi có Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27-11-2009 về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện và kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu việc làm của lao động nông thôn, UBND huyện đã xây dựng đề án chi tiết và kiện toàn Ban Chỉ đạo dạy nghề của huyện. Đồng thời, triển khai tuyên truyền về chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn trên phương tiện thông tin đại chúng xuống tận các thôn, xóm chiêu sinh học nghề tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn và đăng ký nghề học phù hợp với điều kiện của gia đình và khả năng của bản thân.

 

Kết quả sau gần 3 năm thực hiện Đề án (2011-2013), huyện Phú Bình đã mở được 68 lớp dạy nghề cho 3.247 lao động nông thôn với các nghề đào tạo chủ yếu là: may dân dụng, may công nghiệp, nấu ăn, trồng nấm, trồng rau an toàn, chăn nuôi, hàn… Thông qua các lớp đào tạo, học viên được nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như việc người dân xóm Náng, xã Nhã Lộng sau khi học nghề đã triển khai thành công mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, qua đó giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng rau như giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật từ 17% - 35%, nâng cao lợi nhuận từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/ha. Mô hình còn giúp người dân từ chỗ chưa biết tuân thủ về quy trình sản xuất, trồng phân tán, nhỏ lẻ đến nay đã tổ chức sản xuất tập trung với nhiều chủng loại rau đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện hợp tác xã rau an toàn xóm Náng, xã Nhã Lộng có gần 100 hộ gia đình tham gia với tổng diện tích trên 50ha.

 

Bên cạnh đào tạo nghề, huyện Phú Bình còn chú trọng đến công tác giải quyết việc làm sau đào tạo. Qua theo dõi, trên 80% số lao động qua đào tạo nghề đã có việc làm. Phần lớn người lao động sau học nghề đã áp dụng vào sản xuất tại gia đình, một số ít tham gia hợp tác xã hoặc được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn. Nhờ vậy, 3 năm qua đã có hàng trăm hộ gia đình thoát nghèo sau khi được đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Chỉ tính riêng năm 2013, toàn huyện có 58 gia đình thoát nghèo sau khi tham gia học nghề. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,83% (năm 2010) xuống còn 16,07 (năm 2013).

 

Chị Nguyễn Thị Tươi, xóm Vạn Già, xã Bảo Lý cho biết: Năm 2012 tôi đăng ký tham gia học nghề may công nghiệp tại Trung tâm dạy nghề huyện. Là đối tượng hộ nghèo nên tôi được miễn 100% học phí. Sau 3 tháng học nghề, tôi được nhận vào làm việc tại Công ty May TNG Phú Bình với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Nhờ được học nghề miễn phí và bố trí việc làm ổn định sau học nghề nên cuộc sống gia đình tôi đã bớt khó khăn hơn.

 

Khác với chị Tươi, đầu năm 2013, anh Nguyễn Thành Long, xóm Kim Đĩnh, xã Tân Kim được tham gia lớp học nghề chăn nuôi ngay tại địa phương. Sau 3 tháng học nghề, anh Long nắm bắt được những kiến thức cơ bản trong chăn nuôi và cách phòng trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Với những kiến thức được học anh đã áp dụng vào việc chăn nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện nay, gia đình anh đang nuôi 4.000 con gà thịt và hơn 20 con lợn nái. Thu nhập bình quân mỗi năm gần 200 triệu đồng. Anh cho biết: Trước đây do không nắm được kiến thức chăn nuôi nên tôi chỉ dám chăn nuôi nhỏ lẻ, nay nhờ nắm được quy trình chăn nuôi và cách phòng trị bệnh nên tôi đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi lớn hơn để phát triển kinh tế gia đình.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn 3 năm qua ở huyện Phú Bình vẫn còn tồn tại không ít khó khăn thứ nhất là một bộ phận người nông dân vốn được hưởng lợi trực tiếp từ đề án lại không tích cực tham gia. Nguyên nhân là do nhận thức của bà con còn hạn chế, chưa ý thức được việc đào tạo nghề là nhu cầu và cũng là yếu tố cần thiết để đảm bảo cuộc sống cho bản thân. Thứ hai là quy mô đào tạo nghề ở huyện còn nhỏ lẻ, chất lượng đào tạo chưa cao. Trang thiết bị giảng dạy, đội ngũ giảng viên của Trung tâm dạy nghề huyện còn thiếu và yếu, việc định hướng đào tạo nghề còn lúng túng, chưa gắn kết các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong vấn đề giải quyết việc làm, dẫn đến hiệu quả công tác đào tạo và đầu ra cho lao động sau đào tạo chưa thực sự cao.

 

Trước những khó khăn và hạn chế còn tồn tại, thiết nghĩ, thời gian tới huyện Phú Bình cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề. Mặt khác, các cơ sở đào tạo nghề ở huyện Phú Bình cần chú ý liên kết với doanh nghiệp, đào tạo nghề gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp để người lao động sau khi học nghề có việc làm. Cùng với đó, để việc học nghề thu hút được nhiều nông dân tham gia, nhất là tầng lớp thanh niên chưa có nghề nghiệp, huyện Phú Bình cần có chính sách hỗ trợ người dân khi học nghề xong được vay vốn với lãi suất ưu đãi để có điều kiện ứng dụng những gì mình đã học, nhằm đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của công tác dạy nghề.